Trang nhất » Tin Tức » Quản lý - Bảo vệ rừng » Bảo vệ - Phát triển rừng

Tăng cường công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa vườn quốc gia Bù Gia Mập và tỉnh Đăk Nông

Thứ năm - 01/10/2020 14:46
Công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hữu hiệu nguồn tài nguyên rừng thuộc lâm phần vườn quốc gia Bù Gia Mập
Công tác bảo vệ rừng luôn là một nhiệm vụ khó khẳn đối với lực lượng kiểm lâm thuộc các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Việc bảo vệ rừng đặc biệt càng khó khăn hơn trên những khu vực giáp ranh thuộc sự quản lý của các địa phương khác nhau. Trong những khu vực như vậy, vườn quốc gia Bù Gia Mập là một điển hình trong công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh của tỉnh Bình Phước và Đăk Nông.

Vườn quốc gia có các tiểu khu 14, 22, 24  giáp ranh với các tiểu khu 1469, 1482, 1485, 1500 thuộc lâm phần của Công ty lâm nghiệp Nam Tây nguyên; Các tiểu khu 1, 5, 6, 9 giáp ranh các tiểu khu 1446, 1453, 1464 thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ thuộc xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông. Khác với lâm phần của vườn quốc gia Bù Gia Mập, các lâm phần rừng thuộc các công ty và ban quản lý rừng phòng hộ không còn nhiều loại gỗ quý nhóm IIA như Cẩm Lai, Giáng Hương, Gõ Đỏ… cũng như các loài động vật quý hiếm. Điều này mang đến nhiều áp lực cho Vườn quốc gia Bù Gia Mập trong công tác bảo vệ rừng bởi vì các đối tượng sẽ tập trung, tìm mọi cách, để xâm nhập vào lâm phần vườn quốc gia để khai thác các loại lâm sản, săn bắt động vật trái phép. Ngoài ra, lâm phần vườn quốc gia Bù Gia Mập còn chịu nhiều sức ép từ các hoạt động sinh kế của người dân do các cộng đồng dân cư địa phương chưa có các giải pháp phù hợp nhằm phát triển sinh kế cho người dân địa phương.

Xã Quảng Trực là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông trong khi các hoạt động sản xuất còn nhiều hạn chế. Người dân tại khu vực này chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số S’Tiêng và Mơ Nông, thu nhập kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp, đời sống kinh tế còn thấp phụ thuộc vào mùa vụ. Bên cạnh đó, còn có người dân di cư từ khu vực khác tới không có đất canh tác, nên để có thu nhập những người dân này cũng thường xuyên xâm nhập Vườn quốc gia để khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Những người dân sống dựa vào rừng thường lợi dụng khu vực giáp ranh nhằm thực hiện các hoạt động xâm nhập rừng trái phép để thu hái các loại lâm sản do các hoạt động tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông là đường cơ giới có chiều dài khoảng 25 km đã được phân định bằng việc phát đường băng rộng 3m có sơn đỏ nhưng do địa hình phức tạp, đồi núi dốc nên việc tuần tra bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, quốc lộ 14C chạy xuyên qua lâm phần vườn quốc gia Bù Gia Mập để nối liền hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông nên có lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Do vậy, các đối tượng lâm tặc thường đi trên con đường này, khi tới khu vực cách ranh giới vườn quốc gia Bù Gia Mập khoảng 1-2 km, các đối tượng sẽ cất giấu phương tiện rồi đi theo nhiều con đường mòn trong rừng để xâm nhập vào các tiểu khu 9, 14, 22, 24 của Vườn quốc gia. Trong thời gian qua, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Phước và Đăk Nông diễn biến khá phức tạp. Do vậy, những biện pháp ngăn chặn kịp thời là rất cần thiết nhằm đảm bảo tài nguyên rừng không bị xâm phạm bởi người dân địa phương.

Với phương châm bảo vệ từ xa nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm nhập rừng khai thác lâm sản khu vực giáp ranh, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách với các cơ quan đơn vị trên địa bàn. Ban giám đốc vườn đã làm việc và ký Quy chế phối hợp với hai đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ và Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Việc ký kết Quy chế phối kết hợp tạo điều kiện cho Ban quản lý VQG Bù Gia Mập thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát với sự tham gia của các cơ quan ban ngành và cộng đồng trên địa bàn.


Chốt bảo vệ rừng Ngã Ba Bãi Đá

Các bên đã thống nhất và triển khai thành lập 02 chốt bảo vệ rừng liên ngành (Chốt Ngã ba Bãi Đá thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Chốt ngã ba Dốc Cháy thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ). Các chốt này đặt tại các vị trí quan trọng hòng ngăn chặn các con đường quan trọng xâm nhập vào Vườn quốc gia. Chốt có sự tham gia của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, các đơn vị nhận khoán và các đơn vị chủ rừng giáp ranh liên quan. Từ khi thành lập các Chốt bảo vệ rừng liên ngành tình hình các đối tượng xâm nhập khu vực giáp ranh đã giảm đi rõ rệt. Ngoài việc thành lập các Chốt bảo vệ rừng liên ngành thì công tác phối hợp truy quét giáp ranh cũng được thực hiện thường xuyên. Qua công tác phối hợp truy quét đã phát hiện và phá hủy nhiều chòi lâm tặc tại khu vực lâm phần tỉnh Đắk Nông, ngăn chặn được một số đối tượng xâm nhập rừng để khai thác, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã.


Chốt bảo vệ rừng Dốc Cháy

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Hạt kiểm lâm đang xây dựng phương án thành lập Chốt bảo vệ rừng liên ngành tại khu vực ngã ba Ngọc Biển thuộc xã Quảng Trực huyện Tuy Đức  - Đắk Nông có sự tham gia của các đơn vị chức năng huyện Tuy Đức nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản tại khu vực giáp ranh. Với những hoạt động này, nguồn tài nguyên rừng trong lâm phần VQG Bù Gia Mập đã và đang được bảo vệ hữu hiệu

Tác giả bài viết: Nguyễn Cảnh Đồng (Cán bộ quản lý bảo vệ rừng - Hạt kiểm lâm)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn