TS Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, vừa có thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xung quanh việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam trích đăng nội dung bức thư này.
Vì tình trạng cấp bách, nay tôi xin viết thư này đến Chủ tịch nước để mong được ngài dành chút ít thời gian quý báu của mình lắng nghe tiếng lòng của những người đang sống với rừng và những người mong cứu rừng đặc dụng Cát Tiên thân yêu.
Khó lắm, nỗ lực lắm chúng ta mới bảo vệ được khu rừng rộng lớn nhất miền Đông Nam Bộ và được thế giới công nhận, tặng cho nhiều danh hiệu cao quý (Khu dự trữ sinh quyển; Ramsar; Không gian Văn hóa cồng chiêng). Ngày 17-9 này, đoàn chuyên gia thế giới cũng sẽ bắt đầu chuyến thẩm định cho hồ sơ Di sản Thế giới tại VQG Cát Tiên.
Việc quy hoạch và đang chuẩn bị thẩm định dự án lấn chiếm hàng trăm ha rừng đặc dụng cho thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngay trong vòng lõi và điểm yếu huyệt - điểm trung chuyển giữa vùng cao nguyên và đồng bằng của khu rừng đặc dụng Cát Tiên - là rất nguy hại cho nhiều mặt chưa thể ước tính hay lường trước như trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường đang trình duyệt.
Điểm yếu huyệt này được ví như điểm rốn của một cơ thể, tụ điểm của nhiều luồng giao thoa văn hóa và đa đạng sinh học. Nơi đây đã, đang là ngôi nhà cho nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất như tê giác Việt Nam hay nhiều loài khác đã có nghiên cứu và báo cáo.
Nhờ có hơn 2 năm học tập, nghiên cứu ở Tokyo nên tôi có nhiều dịp khám phá và học hỏi. Lúc leo núi Fuji (Phú Sĩ) hùng vĩ của Nhật Bản, tôi nghe có tiếng ầm đằng rất xa và cô Ayumi Kinezuka đi cùng giải thích rằng đó là tiếng súng tập của lực lượng phòng vệ. Chính vì thế mà thế giới đã khước từ công nhận núi Fuji là di sản thế giới.
Rừng quốc gia là tài sản quốc gia, là di sản thế giới, là mạch máu, là lá phổi xanh, là nguồn sống, là nguồn hạnh phúc cho hàng triệu người trong khu vực và hàng tỉ người trên thế giới, không thể bị xâm phạm vì các mục tiêu kinh tế.
Việc bảo vệ toàn vẹn và nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, các cảnh quan văn hóa và thiên nhiên và những gì quý giá còn sót lại sau chiến tranh cũng như sự tàn phá của con người là điều đang được Nhà nước ta cũng như nhiều người quan tâm, ủng hộ.
Vấn đề cần thiết phải bảo vệ nguyên vẹn những gì của tự nhiên - thiên nhiên này đã được tôi báo cáo tại Hội thảo quốc tế UNESCO về quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển khu vực Đông Nam Á vào năm 2007, được thế giới quan tâm, hoan nghênh, khích lệ và chia sẻ sâu sắc (Báo cáo tại
http://unesdoc.unesco.org/images/0018/001829/182996e.pdf ,trang 131).
Tôi xin nhấn mạnh lại rằng ở những vị trí, địa điểm thuận lợi thì trong tương lai nước ta có thể xây được những công trình vĩ đại như tòa tháp đôi World Trade Center của Mỹ hay Petronas của Malaysia. Còn với những nơi linh thiêng, nhạy cảm về dân tộc, văn hóa và giá trị tâm linh - vô hình - phi vật thể như phức hợp ở VQG Nam Cát Tiên thì một khi bị mất đi sẽ không bao giờ có thể lấy lại được.
Trân trọng!
TS NGUYỄN HUỲNH THUẬT
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://vuonquocgiabugiamap.vn là vi phạm bản quyền