Khi nhịp sống ở các thành phố ngày càng nhanh và vội vã, tình trạng bụi mịn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thì con người càng muốn gần gũi thiên nhiên để tìm lại “hơi thở” cuộc sống. Những chuyến leo núi, trekking, khám phá các vườn quốc gia là một lựa chọn được nhiều người ưa thích.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (VQG Bù Gia Mập) tỉnh Bình Phước là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Nam Bộ. Đây được coi là một trong hai “lá phổi xanh” (cùng với VQG Cát Tiên) có sứ mệnh cân bằng hệ sinh thái, điều hòa không khí cho người dân vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây có các tour trekking đặc trưng để đưa du khách hòa mình vào thiên nhiên.
Theo chân anh chàng hướng dẫn viên du lịch bản địa tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, chúng tôi có cơ hội len lỏi vào các tuyến đường rừng, đến thăm vài trạm kiểm lâm, vượt suối, tắm thác. Và đây cũng là các tour trekking đặc trưng đang được một số đơn vị du lịch khai thác để đưa du khách hòa mình với thiên nhiên.
Từ Ban quản lý VQG Bù Gia Mập, du khách có thể di chuyển chừng 2km đến quần thể 39 cây di sản Việt Nam để tham quan. Các loài cây cổ thụ ở đây có đường kính tới hàng chục người ôm, tuổi đời từ 150 năm đến 450 năm. Nơi đây được vinh danh “Quần thể cây di sản Việt Nam”. Thác Đắk Mai nằm cách vườn 6km là một kiệt tác của thiên nhiên. Thác có chiều rộng khoảng 15m, chiều cao khoảng 10m, lòng thác rộng chừng 300m2 là một hồ bơi lý tưởng cho du khách. Điều đặc biệt của thác Đắk Mai là hai bên thác có hai hang động, ở giữa có một xoáy nước chảy xuống rất đẹp.
Hướng dẫn viên địa phương tự hào giới thiệu về quần thể cây di sản.
Vượt qua con đường rợp bóng của hàng cây xanh bên đường, chúng tôi đến thăm một trong 10 trạm Kiểm lâm của Vườn, cũng là điểm dừng xe để khách bắt đầu hành trình trekking vào sâu trong rừng. Tối hôm đó, chúng tôi cùng các anh kiểm lâm ăn bữa tối giản dị bên bếp củi. Mùi khói nồng nàn khiến tôi nhớ về những kí ức tuổi thơ bên bếp lửa của bà. Trong không gian yên tĩnh của chiều tà trước đấy, tôi còn may mắn bắt gặp hai đàn chà vám nhảy nhót chuyền cành trên những cành cây cổ thụ của khu rừng nguyên sinh trước trạm. Mọi âm thanh thật rõ rệt, và bất cứ rung động nào cũng là điều kỳ diệu của tạo hóa.
Du khách trải nghiệm "tắm rừng" trong vườn quốc gia.
Bếp lửa ấm áp ở các trạm kiểm lâm.
Du khách có thể qua đêm trong rừng bằng lều trại để cảm nhận hết vẻ đẹp và có những trải nghiệm tuyệt vời nhất nơi đây, hay lựa chọn tham quan rừng kết hợp ngủ lại đêm tại nhà dài truyền thống S’tiêng để giao lưu văn hóa cồng chiêng, đốt lửa trại, múa sạp, uống rượu cần với người dân bản địa S’tiêng, M’Nông tại Vườn. Những hoạt động này đã tạo công ăn việc làm cho đội văn nghệ địa phương gồm 20 bạn trẻ, và gần 70 cộng tác viên thường xuyên làm công tác phục vụ và gùi đồ cho những chuyến trekking của du khách. Khi có nguồn thu nhập ổn định, họ sẽ không phá rừng làm rẫy nữa.
Du khách giao lưu với đoàn văn nghệ địa phương.
Với diện tích gần 25.598,24ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Theo số liệu nghiên cứu khoa học của Vườn, hiện tại có 1.114 loài thực vật, trong đó có 22 loài bị đe dọa toàn cầu; về động vật có 105 loài thú, 246 loài chim, 86 loài bò sát lưỡng cư, 342 loài côn trùng.
Một số loài động vật hoang dã bị mắc bẫy hay mua bán trái phép hiện đang được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Đây cũng là một trong những điểm “nhất định phải đến” của VQG Bù Gia Mập, bởi nó nằm gọn gàng trong một khu rừng xinh đẹp. Du khách sẽ được đi bộ dưới tán rừng, tận mắt xem, nghe hướng dẫn giới thiệu về câu chuyện cuộc đời hay tập tính của các loài thú quý hiếm như vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, công, rùa núi vàng, cua đinh, kỳ đà vân, chồn hương, heo rừng, hươu, nai, cheo cheo…
Tham quan Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.
Với địa hình giáp Campuchia, dọc theo tuyến biên giới, giáp Sông Đắk huýt (phía Tây Bắc của Vườn) có rất nhiều loài lâm sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: gỗ cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương và thú rừng nên nguy cơ rừng của VQG bị các đối tượng xâm nhập từ bên Campuchia sang để khai thác trộm là rất cao. Nhiều chốt kiểm lâm và chốt bảo vệ cộng đồng được đóng để thực hiện công tác tuần tra, ngăn chặn theo phương châm “Bảo vệ rừng tận gốc”.
Trước những khu rừng nguyên sinh mát vẻ xanh mướt, trước những trải nghiệm xúc chạm với thiên nhiên, chúng tôi cảm thấy biết ơn nỗ lực của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm. Có những con suối nước to các anh phải tự chế đường trượt zipline để về trạm, có những bữa cơm tối ăn vội để còn nhanh chóng đi tuần. Bên cạnh sự vất vả, thì sự tham gia bảo vệ rừng của người dân cũng giúp các anh phần nào giảm bớt áp lực, bởi “thêm một người giữ rừng là bớt một người phá rừng”. Và để bảo vệ được “lá phổi xanh” cho tất cả chúng ta, cần thêm sự chung tay của tất cả mọi người.
Chiếc zipline tự chế của các kiểm lâm viên để vượt suối đến trạm kiểm lâm.
Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình làm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã.
Tác giả bài viết: Châu Giang_VTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 17
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 16
Hôm nay : 1180
Tháng hiện tại : 12990
Tổng lượt truy cập : 2135390