Phát triển tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Phát triển tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập
BPO - Tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập nối từ quốc lộ 13 đến ĐT741 qua địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế khai thác. Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh (đô thị lớn với lượng khách du lịch dồi dào) và kết thúc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập (khu du lịch sinh thái nổi tiếng của Bình Phước), du khách sẽ được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc với các điểm tham quan mang sắc thái khác nhau, như: danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, công trình thủy điện và các công trình nhân tạo hấp dẫn.

Hồ thủy điện Thác Mơ - điểm đến tham quan thu hút du khách - Ảnh: Nguyễn Văn Phúc

Kết luận số 384-KL/TU ngày 25-6-2022 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ tập trung hình thành các tour, tuyến du lịch, đồng thời chủ động kết nối với các tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Giải pháp là xây dựng tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ; tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, tour du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông. Với nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập hoàn toàn có thể trở thành tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Du lịch Vườn quốc gia Bù Gia Mập, năm 2022 vườn đã đón khoảng 5.000 lượt du khách đến tham quan thông qua các công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng khách tham quan rất đa dạng từ các em học sinh, sinh viên tham gia chương trình trải nghiệm và học tập kỹ năng sống đến các du khách là thanh niên, trung niên tham gia chương trình trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên, mạo hiểm; những người lớn tuổi trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên hoang dã, cuộc sống xanh và chăm sóc sức khỏe. Vườn đã có một lượng khách nhất định quay lại nhiều lần và giới thiệu những du khách mới tham gia. Các công ty lữ hành cũng có mối quan hệ thường xuyên với vườn. Từ sự hài lòng của du khách, các công ty đã khẳng định uy tín trong công tác tổ chức các chuyến du lịch trên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

 

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Một chuyến du lịch hoàn chỉnh đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yếu tố, như: thuận lợi về giao thông, các điểm du lịch trên tuyến phải phong phú, đa dạng, thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách; các cơ sở lưu trú phải đảm bảo chất lượng, các dịch vụ như ăn uống, mua sắm phải đa dạng và cuối cùng là công tác tổ chức của các công ty lữ hành, sự đón tiếp của điểm đến phải chu đáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do sự kết nối giữa các bộ phận trên tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập chưa chặt chẽ, nên hầu hết các công ty lữ hành đều đưa thẳng khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập với đoạn đường gần 300km. Thời gian di chuyển gần 5 giờ gây mệt mỏi cho du khách và các điểm du lịch trên tuyến cũng không đón được lượng du khách này.

Trong khi đó, trên tuyến du lịch này dọc theo ĐT741 có rất nhiều điểm tham quan với các nội dung khác nhau. Vào cửa ngõ Bình Phước, trên địa bàn thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tại khu du lịch Đảo yến Sơn Hà, du khách sẽ được đi thuyền năng lượng dạo quanh hồ Bà Mụ, tham quan đảo yến; trải nghiệm chăm sóc, điều trị sức khỏe theo phương pháp y học cổ truyền kết hợp khoa học hiện đại; thưởng thức các món ăn thực dưỡng như cháo khoai mài - nhung hươu, chè yến hạt sen được nuôi trồng trong khu du lịch.

 Trên quốc lộ 14, cách thành phố Đồng Xoài không xa là nông trại du lịch Công ty cổ phần Vĩnh Phúc với những cánh rừng nguyên sinh, cầu gỗ lợp ngói kỷ lục châu Á, tháp Sơn Đăng kỷ lục Việt Nam, nhà thủy tạ, hồ Thủy Tiên, vườn thú hoang dã, vườn cây ăn trái và trang trại gà trứng.

Thác Đắk Bô Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh: TL

Trên địa bàn huyện Phú Riềng, Đền thờ Vua Hùng là đền thờ Vua Tổ duy nhất ở vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi du khách dừng chân và dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước; tìm hiểu về truyền thuyết và tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng. Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ với diện tích hơn 70 ha, du khách sẽ dạo quanh bằng xe điện, tham quan, ngắm cảnh, tận hưởng không khí thoáng mát với những đồi chè xanh ngát, những con đường uốn lượn quanh đồi bằng lăng, lộc vừng, sakê và các loại cây ăn trái. Viếng Phật bà Quan Âm cao 9m và thư giãn trên mặt nước với thuyền thiên nga, thuyền rồng, đi trên những cây cầu khỉ in bóng trên mặt hồ nước thơ mộng.

Về du lịch tâm linh, Miếu Bà Sơn Giang - di tích lịch sử cấp tỉnh - là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Nam Bộ hay chùa Đức Hạnh là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo với cổng đá đạt kỷ lục Guiness Việt Nam đã thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái và hành hương.

Trên địa bàn thị xã Phước Long, khu du lịch núi Bà Rá là di tích lịch sử quốc gia. Bảo tàng Chiến dịch đường 14 - Phước Long trưng bày các hiện vật khối lớn: máy bay C123, máy bay F5E, xe tăng T34, M48; trưng bày về hình ảnh và sa bàn Chiến dịch đường 14 - Phước Long và truyền thống lịch sử Phước Long gồm: văn hóa truyền thống các dân tộc, Phước Long trong kháng chiến, chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, Phước Long trong thời kỳ phát triển và cuộc đời hoạt động của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Tham quan Thủy điện Thác Mơ, du khách sẽ tìm hiểu về quá trình xây dựng nhà máy, hệ thống đường dẫn, tua-bin, máy phát điện. Khu du lịch sinh thái Sơn Long với vườn cây ăn trái cổ thụ 50 năm tuổi, gồm: sầu riêng, măng cụt, dừa, bơ. Bộ sưu tập cổ vật Sơn Long gồm: đồ gỗ cổ, xe cổ, gốm sứ cổ, đồ đồng, tranh cổ, hoa kiểng, cây cảnh. Tại điểm du lịch suối đá Năm Thường, du khách trải nghiệm tham quan suối đá tự nhiên, chụp ảnh lưu niệm và thưởng thức ẩm thực đặc sản của Bình Phước.

Voọc ngũ sắc ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh: TL

Điểm cuối của tuyến là Vườn quốc gia Bù Gia Mập với các sản phẩm du lịch độc đáo như: trở về với thiên nhiên hoang dã, đắm chìm trong thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, nguyên sinh, thơ mộng; tham quan các thác Đắk Mai, Đắk Bô, Đắk Côn, Đắk Ka, Lưu Ly, Đắk P’Rak, Đắk Sam, Đắk Manh và Giếng trời. Tham quan 39 cây di sản Việt Nam, cột mốc biên giới số 62, trải nghiệm tắm suối, ngủ rừng. Tham quan khu vực nhà dài và những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc S’tiêng; tham quan đồi thông, khu cứu hộ động vật hoang dã và điểm cuối của đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Với những điểm tham quan đa dạng và phong phú nằm trên một tuyến du lịch dài gần 300km, đây hoàn toàn là những điểm dừng chân để du khách nghỉ ngơi, tìm hiểu, trải nghiệm trên hành trình du lịch đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập và trải nghiệm các cảm xúc du lịch khác nhau.

Tuy nhiên, sự kết nối giữa công ty lữ hành với các điểm tham quan và giữa các điểm với nhau chưa chặt chẽ nên tuyến du lịch này chưa trở nên sôi động, thu hút du khách tham gia. Để khắc phục hạn chế nêu trên, các cơ quan quản lý và xúc tiến du lịch của tỉnh cần chủ động làm cầu nối để kết nối các công ty lữ hành, các điểm du lịch, điểm ăn uống, mua sắm thành một tuyến du lịch hoàn chỉnh nhằm thõa mãn đầy đủ yêu cầu của du khách về giải trí, nghỉ dưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm… Làm được điều này thì tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ trở thành tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, thu hút một thị trường du khách rất lớn đó là Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 1,7 triệu khách du lịch của tỉnh vào năm 2025.


Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Lương