Công tác giao khoán bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Công tác giao khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm, tăng nguồn thu nhập cho người dân khi tham gia nhận khoán, hỗ trợ nhận lực cho lực lượng Kiểm lâm Vườn trong công tác BVR.
Cộng đồng nhận khoán tuần tra Bảo vệ rừng

1.     Đặc điểm tình hình Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm trên địa bàn hành chính của 2 xã Đắc Ơ, Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước. Với diện tích là 25.926 ha lại tiếp giáp với gần 50,000 ha rừng của nước bạn Campuchia và gần 30.000 ha rừng của tỉnh bạn ĐắK Nông nên Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với chức năng bảo tồn nguồn gen hệ động thực vật quý hiếm, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miêng… Phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển dân sinh kinh tế địa phương.
Đa dạng sinh học
Với các kiểu rừng kín thường xanh lá rộng nhiệt đới núi thấp, kiểu rừng nửa rụng lá với ưu thể là họ Bằng Lăng, kiểu rừng ẩm kín thường xanh: rừng Lồ Ô, rừng hỗn giao Gỗ - Lồ Ô, kiểu rừng thường xanh ven suối và thung lũng giữa các suối... là khu rừng đặc trưng cho khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ nên Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập có mức độ đa dạng sinh học rất cao và rất đặc trưng.
Theo kết quả khảo sát nhanh của các cán bộ thuộc viện sinh học nhiệt đới  thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cán bộ của Vườn năm 2009 thì Vườn có có 1026 loài thực vật 430 chi, 120 họ thuộc 59 bộ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có 52 loài có giá trị bảo tồn như Trầm hương, Dáng hương, Cẩm lai, Gõ đỏ … Chiếm 5,07% tổng số loài của toàn hệ thực vật, với 38 loài nằm trong sách đỏ thế giới, 19 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam năm 2007 và có 4 loài nằm trong Nghị định 32/2006-CP của Thủ tướng Chính phủ. Về khu hệ động vật Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập có 500 loài, trong đó khu hệ thú có 87 loài, khu hệ chim có 235 loài, 63 loài lưỡng cư – bò sát, côn trùng có 115 loài. Với nhiều loài động vật nguy cấp quý hiếm như: Hổ, Voi, bò tót, Báo hoa mai, Gà tiền mặt đỏ, Gà so cổ hung, Gà lôi hông tía, Hồng hoàng, Niệc mỏ vằn …
Vùng đệm Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập
Vùng đệm của Vườn có diện tích là 15.200 ha Trong đó có 7.200 ha thuộc xã Bù Gia Mập xã Đăk Ơ của tỉnh Bình Phước và 8.000 ha thuộc xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông. Tổng dân số 3 xã là 23.996 nhân khẩu và bao gồm 16 thành phần dân tộc khác nhau đó là: S’tiêng, M’nông, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Thái, Mường, Hoa, Chăm, Khơ me, Sán Dìu, Khơ mú, Châu Mạ, Thổ, H’Re, Kinh. Trong đó người bản địa là người S’ tiêng và M’nông là chiếm đa số, người Tày, Nùng, Kinh du nhập từ các nơi khác đến. Sinh kế của người dân còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng.Vì vậy, một số bộ phận người dân thường vào rừng để thu hái, khai thác các nguồn lợi từ rừng điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập trong nhưng năm qua.
2.     Công tác giao khoán bảo vệ rừng
Thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng
Thực hiện chính sách của Đảng, nhà nước trong chủ trương xã hội hóa nghề rừng: người dân sống gần rừng phải được hưởng những nguồn lợi từ rừng, được tham gia vào công tác bảo vệ rừng bảo tồn thiên nhiên… và sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Sở NN&PTNT công tác giao khoán BVR ở Vườn quốc gia được thực hiện từ trước năm 2003 (trước khi thành lập Vườn), song công tác giao khoán bảo vệ rừng được Vườn chú trọng nên diện tích giao khoán năm sau nhiều hơn năm trước, đặc biệt từ năm 2011 Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã giao khoán gần 25.000 ha/tổng diện tích của Vườn là 25.926 ha. Để thực hiện công tác giao khoán này Vườn đã tuyển chọn các đơn vị cộng đồng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn để giao khoán 24.998.4 ha rừng cho 13 đơn vị nhận khoán bảo về rừng. (9 đơn vị cộng đồng dân cư vùng đệm của 3 xã, 4 Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn).
Nhận thấy tầm quan trọng của rừng và sự quan tâm của Nhà nước tới cuộc sống người dân, ngay sau khi được nhận giao khoán rừng các đơn vị tổ chức họp tổ nhận khoán, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và cử người tổ chức đi tuần tra truy quét bảo vệ rừng trên diện tích nhận khoán đã được nhận, các cộng đồng nhận khoán ngoài công tác bảo vệ rừng trực tiếp họ còn nắm bắt những thông tin liên quan đến tình hình bảo vệ rừng tại các cộng đồng thôn bản. Thông thường mỗi cộng đồng nhận khoán có từ 18 đến 26 hộ gia đình tham gia họ lập các Chốt bảo vệ tại các khu vực được nhận khoán, hoặc ở cùng với các Trạm Kiểm lâm để tổ chức việc tuần tra, bảo vệ rừng nhằm phát hiện ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng xâm nhập gây tác hại đến rừng.
Việc kiểm tra giám sát công tác tuần tra bảo vệ rừng của các đơn vị nhận khoán là Ban quản lý dự án bảo vệ, phát triển rừng (do Vườn thành lập), ngoài ra còn có lực lượng Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Vườn. Các đơn vị nhận khoán ngoài việc thường xuyên canh giữ rừng ở khu vực nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị này phải lập kế hoạch và thực hiện tuần tra từ 4-5 đợt tuần tra sâu vào rừng, mỗi đợt từ 3-4 ngày và có từ 4-6 người tham gia (Việc đi tuần tra này có thể độc lập hoặc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tại Trạm sở tại). Hàng quí Ban quản lý dự bảo vệ và phát triển rừng cùng lực lượng Trạm Kiểm lâm sở tại và đại diện các đơn vị nhận khoán cùng đi để đánh giá, nghiệm thu kết quả bảo vệ rừng trong quí. Trong khu vực nhận khoán để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng, khai thác lâm sản, có hiện tượng bẫy bắt, săn bắn động vật hoang dã, tùy theo mức độ rừng bị tác động và căn cứ vào Hợp đồng giao khoán sẽ bị xử lý như: trừ tiền nhận khoán, cắt hợp đồng nhận khoán hay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đánh giá hiệu quả của công tác giao khoán bảo vệ rừng
 
- Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong công tác giao khoán bảo vệ rừng thì  khu vực rừng giao khoán cho các đơn vị nhận khoán thì có trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, song do định biên chế cho 1 công chức Kiểm lâm theo các qui định của Nhà nước như Nghị định 117/2010/NĐ-CP Về qui chê quản lý hoạt động các khu rừng đặc dụng là 500 ha/công chức Kiểm lâm. Như vậy với diện tích gần 26.000 ha Hạt Kiểm lâm Vườn chỉ được biên chế 52 Công chức Kiểm lâm (kể cả lãnh đạo Hạt, các bộ phận văn phòng), với lực lượng như vậy thì quá mỏng để quản lý được rừng Vườn quốc gia mà xung quanh vùng lõi tài nguyên rừng đã bị khai thác kiệt quệ. Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng có lực lượng đông, mỗi chốt được bố trí từ 4-6 người thường xuyên ở tại Chốt, ngoài việc chủ động đi tuần tra theo kế hoạch, nếu lực lượng Kiểm lâm cần để trấn áp, hoặc cùng phối hợp thì lực lượng này sẵn sàng có mặt, ngược lại lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng phát hiện khu vực rừng nhận khoán có nguy cơ xâm nhập cao sẽ báo với lực lượng Kiểm lâm Trạm sở tại cùng hỗ trợ ngăn chặn (lực lượng Kiểm lâm có vũ khí, công cụ hỗ trợ, có chức năng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm). Như vậy, việc kiểm tra, tuần tra kiểm soát trên một địa bàn rừng luôn có sự song trùng giữa lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị nhận khoán bảo vệ để cùng nhau phát hiện các đối tượng xâm nhập rừng.
- Công tác ngăn chặn bắt giữ của các đơn vị nhận khoán. Theo số liệu theo dõi của Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng – Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trên diện tích giao khoán 24.998.4 ha cho 13 đơn vị trong năm các đơn vị nhận khoán đã tổ chức 605 đợt tuần tra truy quét bảo vệ phát hiện 65 cây gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng là 84 m3, phát hiện và gỡ bỏ 54 luồng bẫy thú với 3.613 dây bẫy, bắt giữ 36 đương sự vi phạm với số tang vật vi phạm là 21 tang vật trong đó có 5 cưa máy và 16 xe máy chế độ. Không để xảy ra vụ phá rừng làm rẫy cũng như cháy rừng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về ý thực bảo vệ rừng.
Mỗi cộng đồng người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng có từ 18 – 26 hộ tham gia đây là những hộ có số lượng thành viên đông (có đủ kiện kiện để tham gia bảo vệ rừng). Trong mỗi đợt tuần tra các cán bộ của Vườn, Hạt kiểm lâm Vườn thường xuyên tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nên các thành viên trong lực lượng nhận khoán này có ý thức rất cao trong việc giữ rừng, từ việc bảo vệ mồi trường (không xả rác trong rừng), không chặt cây khi đi tuần tra, đến việc bắt giữ xử lý nghiêm minh các đối tượng phá hoại rừng đã truyền thêm sức mạnh về bảo vệ rừng cho các thành viên của tổ nhận khoán. Từ đây, các thành viên sẽ tuyên truyên đến các thành viên trong gia đình, dòng tộc, anh, em bà con của họ, người dân trong thôn. (vì các cộng đồng nhận khoán người tổ trưởng thường là lãnh đạo thôn, hoặc là có uy tín trong cộng đồng đó).Ngoài ra họ còn năm bắt thông tin của các đối tượng thường xuyên xâm nhập vào rừng để báo cho lực lượng Kiểm lâm.
 - Tăng thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng.
Mỗi cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng từ 1.500 – 2.000 ha (từ 18 – 26 người tham gia bảo vệ) với định mức giao khoán hiện tại là 200.000 đồng/ha/năm . Mỗi tháng các thành viên có thu nhập từ 1.500.000 – 2.000.000/ tháng. So với thu nhập của các hộ trọng thôn thì đây là nguồn thu nhập đáng kế để nâng cao đời sống của người dân khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác giao khoán bảo vệ rừng lãnh đạo Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã lên kế hoạch chó năm 2013 và các năm tiếp theo để giao khoán cho cộng đồng người dân vùng đệm, song để tăng số hộ nhận khoán mà vẫn đảm bảo mức thu nhập cho người dân, trong khi diện tích giao khoán không tăng được do vậy chỉ còn một cách là tăng mức tiền nhận khoán bảo vệ rừng từ 200.000/ha/năm lên 600.000 ha/năm.
Theo kế hoạch phân bổ cho năm 2013 của tỉnh nhà cũng như của Trung ương thì năm 2013 việc giao khoán bảo vệ rừng theo dự án 661 (tiền kết dư đã hết) nên việc giao khoán bảo vệ rừng có thể bị tạm ngưng.Tuy nhiên, nhà nước ta đang thực hiện theo Nghị định 99 về chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn tiền đảm bảo cho công tác khoán quản lý bảo vệ rừng lâu dài. Ban quản lý Vườn quốc gia rất mong lãnh đạo Ủy ban nhân tỉnh, các cấp các ngành của tỉnh quan tâm sớm triển khai và thực hiện việc chi tra dịch vụ môi trường rừng để Vườn quốc gia Bù Gia Mập tiếp tục công tác giao khoán đến các cộng đồng dân cư trong vùng đệm.
                                                                                                                                                                                                                                     
 
              











Chòi tạm của các Cộng đồng để ở trong khu vực nhận khoán

Tác giả bài viết: Vương Đức Hòa - Đỗ Trường Giang