Lợi ích từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Cùng với các đợn vị trong tỉnh, việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở VQG Bù Gia Mập đã và đang góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập người dân làm nghề rừng tại địa phương.
Trong những năm qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay góp phần nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn giúp các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng có thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện tại, toàn bộ diện tích VQG Bù Gia Mập đã được giao khoán cho 10 cộng đồng thôn bản gồm 600 hộ tham gia nhận khoán là đồng bào thiểu số S’tiêng, M’Nông ở hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là 6 cộng đồng và 4 cộng đồng thôn bản thuộc xã Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông. Nhờ triển khai tốt chính sách chi trả DVMTR, thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những cải thiện, đã giúp ổn định kinh tế của gia đình khi tham gia bảo vệ rừng. Nguồn tiền DVMTR đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các lưu vực cung ứng DVMTR.
Lực lượng cộng đồng phối hợp Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng
 
Năm 2018, Căn cứ theo nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2010 về chi trả dịch vụ môi trường rừng và nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2010 của chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp áp dụng nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. BQL VQG Bù Gia Mập đã tổ chức bổ sung thêm lực lượng khoán bảo vệ rừng trên cơ sở lựa chọn những người có uy tín, có ý thức trách nhiệm làm tổ trưởng; rà soát, sắp xếp lại các hộ nhận khoán hợp lý, ưu tiên cho các hộ dân nghèo, có nguyện vọng tham gia bảo vệ rừng; thống nhất thực hiện nội dung hợp đồng giao khoán, phương thức thanh toán tiền công, phương pháp tuần tra bảo vệ rừng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán. Bằng những việc làm thiết thực, công tác chi trả DVMTR được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, khách quan, từ đó nhận thức của bà con trong bảo vệ rừng được nâng cao. Không chỉ bảo vệ rừng mà chính sách chi trả DVMTR còn tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp bà con có thêm nguồn lực (trung bình 3-4 triệu đồng/hộ/tháng) đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đẩy lùi đói nghèo. Qua đó, việc tuyên truyền nêu cao tinh thần, nhận thức trong người dân được lồng ghép qua các buổi họp thôn, tổ chức các đợt tập huấn cho các lực lượng cộng đồng nhận khoán nhằm nâng cao công tác nghiệp vụ.
                                                                   
Các cộng động tham gia buổi tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ rừng
Sau 6 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về trước mắt và lâu dài đối với người dân vùng đệm và bộ mặt nông thôn địa phương. Góp phần giữ những cánh rừng mãi luôn xanh tươi và người dân được hưởng lợi bằng chính kết quả lao động của mình, giá trị lao động của người lao động làm nghề rừng ngày càng phát triển và bền vững.
  

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Trọng