Những khó khăn trong công tác cứu hộ động vật hoang dã

Những khó khăn trong công tác cứu hộ động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
          Ngày nay, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của cộng đồng ngày càng được nâng cao. Nhiều người đã nhận thức: Săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó có nhiều người tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho cơ quan chức năng để cứu hộ, tái thả về môi trường tự nhiên. Vì vậy, rất cần đẩy mạnh công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã. Ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, công tác này được hình thành từ năm 2013. Đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Trung tâm đã gặp không ít những khó khăn.
          Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguồn nhân lực. Hiện tại chỉ có 2 Viên chức và 03 lao động hợp đồng nên Trung tâm rất thiếu về nhân lực để thực hiện công tác cứu hộ. Về chuyên môn, công tác cứu hộ động vật hoang dã rất ít được đào tạo chính quy trong các trường chuyên nghiệp. Vì vậy, mới đầu anh em trong Trung tâm phải đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở những Trung tâm đã phát triển. Đồng thời tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc thực tế. Các loài động vật hoang dã ở nước ta rất phong phú, đa dạng nên việc nắm bắt được quy trình cứu hộ từng loài cần rất nhiều thời gian; do vậy cần phải tổ chức nhiều đợt thăm quan học tập thực tế để củng cố chuyên môn.
          Về cơ sở vật chất và kinh phí. Các loài động vật hoang dã, nếu chưa bị nuôi nhốt lâu ngày thì chỉ cần kiểm tra sức khỏe là có thể thả vể rừng. Nếu bị thương thì cần chữa trị đến khi lành vết thương thì cũng tái thả được. Nhưng các loài động vật bị nuôi nhốt lâu ngày, dẫn đến mất bản năng tự nhiên, cần nhiều thời gian và môi trường để phục hồi. Việc cứu hộ phải có trình tự như: phục hồi khả năng ăn và tự kiếm ăn trong tự nhiên; phục hồi các bản năng cơ bản để có thể tồn tại tùy theo đặc tính của từng loài, đặc biệt là không được gần gũi với con người (do đã bị nuôi nhốt cạnh con người từ lâu). Muốn vậy, phải có hệ thống chuồng trại, khu tập luyện phù hợp. Tuy nhiên, ở Trung tâm Cứu hộ hiện tại chỉ có 01 ô chuồng cho các loài bò sát, 01 ô chuồng cho các loài chim, 02 ô chuồng cho loài Vượn, 01 ô chuồng cho loài Voọc, 01 ô chuồng cho thú ăn thịt nhỏ, 03 ô chuồng cho các loài linh trưởng nói chung. Vì vậy, Trung tâm không thể tiếp nhận các loài động vật có kích thước lớn và tiếp nhận một lúc nhiều cá thể động vật.
          Một số hình ảnh về chuồng nuôi động vật cứu hộ
      Kinh phí cho công tác cứu hộ cũng là một vấn đề khó khăn lớn của Trung tâm. Hiện tại, Trung tâm hoạt động chủ yếu bằng kinh phí của nhà nước. Nguồn kinh phí rất hạn hẹp, chỉ gói gọn trong khoảng hơn hai mươi triệu đồng một năm; bao gồm các loại chi phí như đi tiếp nhận, tái thả, thức ăn, thuốc thú y… Trong quá trình hoạt động, anh em trong Trung tâm đã phải tự sản xuất thêm để đáp ứng cho nhu cầu của các loài động vật. Về lâu dài rất cần sự chung tay của cộng đồng và sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Để nâng cao năng lực tiếp nhận các loài động vật cứu hộ của Trung tâm, rất cần xây dựng thêm các chuồng cứu hộ và khu tập luyện cho các loài chuyên biệt.
 
      Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tập thể Trung tâm luôn cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất có thể trong công tác chuyên môn. Năng lực chuyên môn của nhân viên ngày càng được nâng cao. Việc tập luyện, tái thả đạt hiệu quả là cơ sở để trung tâm tiếp nhận thêm các động vật mới để cứu hộ.
 
      Mọi cá nhân, tổ chức có thông tin về công tác cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Số điện thoại 0978404739.
                                                                           
 

Tác giả bài viết: Trần Văn Trưởng