Thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại VQG Bù Gia Mập

BPO - Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Bù Gia Mập vừa phối hợp Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi thả nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
       
        112 cá thể thuộc 20 loài khác nhau được thả về rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Bù Gia Mập và đây đều là những loài thuộc sách đỏ Việt Nam (2007). Đặc biệt trong đó có nhiều loài thuộc nhóm IB - cực kỳ quý hiếm (theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ) gồm: 5 cá thể rái cá vút bé (Anoyx cinereus), 1 rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), 1 kỳ đà vân (Veranus bengalensis)…

         Đây đều là những cá thể động vật hoang dã được cứu hộ tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (nguồn gốc từ người dân tự nguyện giao nộp). Sau khi tiếp nhận, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên thuộc Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi thực hiện chăm sóc, phục hồi sức khỏe, tâm lý và tập tính tự nhiên cho các cá thể. 

          Tiếp đó, Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tiến hành rà soát từng loài có phân bố tự nhiên, cũng như thực thiện khảo sát sinh cảnh rừng, điều kiện môi trường sống tự nhiên tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cho thấy những loài động vật nêu trên hoàn toàn phù hợp với điều kiện sinh cảnh, phân bố nơi đây. Sau khi có kết quả rà soát môi trường sống, các bên đã cùng nhau tổ chức tái thả từng loài về từng môi trường rừng phù hợp, đảm bảo các loài được thả sẽ sớm hòa nhập môi trường tự nhiên.

         Việc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Bù Gia Mập phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận, tái thả những cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Hoạt động này góp phần rất lớn trong việc làm giàu đa dạng sinh học, giúp hệ sinh thái rừng nơi đây sinh trưởng và phát triển bền vững hơn. Sau khi thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận việc thả nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm vào lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

 


Tác giả bài viết: Khương Hữu Thắng – Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập