Tiếp nhận động vật hoang dã để cứu hộ và đôi điều suy nghĩ về việc nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.

Tiếp nhận động vật hoang dã để cứu hộ và đôi điều suy nghĩ về việc nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.
Liên tiếp những ngày 05, 10 và 11 tháng 8 năm 2022, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật phối hợp cơ quan Kiểm lâm địa phương tiếp nhân 05 cá thể động vật hoang dã do người dân tự nguyện bàn giao để cứu hộ và tái thả về rừng tự nhiên.
          Những chuyến đi tiếp nhận động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép là công việc quen thuộc của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật - Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước. Tính từ đầu năm 2022 đến 15 tháng 8 năm 2022, Trung tâm đã thực hiện 22 đợt phối hợp tiếp nhận với hơn 40 cá thể do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Bình Phước bàn giao. Riêng trong những ngày đầu tháng 8, Trung tâm đã tiếp nhận 01 cá thể Mèo rừng, 01 cá thể Khỉ mặt đỏ, 01 cá thể Khỉ đuôi lợn và 02 cá thể Ký đà vân. Con số thống kê ở trên cho thấy nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã đã và đang còn diễn ra ở nhiều nơi. Người dân nuôi nhốt động vật với nhiều mục đích khác nhau như: nuôi để làm cảnh, nuôi để làm thú cưng, nuôi vì mục đích tâm linh,…Tuy nhiên, nuôi nhốt vì mục đích gì thì việc làm này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến con vật bị nuôi nhốt, gây nguy hiểm tiềm tàng cho con người và là việc làm trái với quy định của Pháp luật hiện nay.
 
Ảnh: Mèo rừng bị nuôi nhốt
 
 
         Như chúng ta đã biết, môi trường sống của các loài động vật hoang dã vốn gắn liền với môi trường tự nhiên. Ở đó chúng có được những đặc quyền tất yếu như: tự do chọn nơi sinh sống, tìm kiếm thức ăn yêu thích, có gia đình, bầy đàn...Tạo hoá cũng ban cho chúng những khả năng đặc biệt để sống một cuộc sống tự do như: leo trèo, bay lượn, bơi lặn,… Tuy vậy những điều tất yếu trên sẽ trở thành mơ ước của những con vật bị nuôi nhốt. Chúng sẽ không còn được tự do leo trèo, bơi lặn hay bay lượn nữa. Thay vào đó là song sắt của những chiếc lồng, dây xích quấn quanh cổ. Chúng cũng không được lựa chọn thức ăn yêu thích mà phải ăn những thứ con người đưa cho. Những con trưởng thành bị tách ra khỏi cuộc sống gia đình, bầy đàn vốn dĩ sẽ có được trong tự nhiên. Các con non thì sớm phải chia lìa vòng tay chăm sóc của cha mẹ chúng. Chúng cũng không có trải nghiệm cuộc sống tự nhiên nên không giữ được bản năng hoang dã. Mất tự do làm các con vật bị căng thẳng, trở nên hung dữ hoặc buồn bã, ủ rũ. Chúng sẵn sàng tấn công bất cứ ai, kể cả người nuôi chúng.
 
Ảnh: Khỉ mặt đỏ bị nuôi nhốt
 
          Những cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt thường gây ra nhiều hệ lụy. Các con vật phải ăn những thứ không phù hợp làm chúng bị gầy ốm, dễ sinh bệnh và chết. Mặt khác động vật hoang dã cũng tiềm tàng nguồn gây bệnh cho con người. Có nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây sang người do tiếp xúc với động vật hoang dã. Điển hình là dịch bệnh Covid 19, bệnh đậu mùa ở khỉ và nhiều bệnh mới, lạ chưa có thuốc điều trị khác đang lan tràn hoặc có nguy cơ làn tràn trên khắp thế giới. Vì vậy động vật hoang dã cần được sống ở nơi thuộc về chúng.

Ảnh: Người dân bàn giao Khỉ mặt đỏ cho Trung tâm Cứu hộ động vật
 
           Mọi tổ chức, cá nhân có thông tin về công tác cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Số điện thoại 0978404739 (gặp Ông Trần Văn Trưởng) hoặc 0979526082 (gặp Ông Khương Hữu Thắng).

Tác giả bài viết: Trần Văn Trưởng – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật