Rừng xanh và máu đỏ

Rừng xanh và máu đỏ
Trong bài viết này chúng tôi không cố ý chơi chữ để lôi cuốn người đọc. Nhưng qua 5 ngày ở rừng, qua những câu chuyện nghe được, qua những hình ảnh tận mắt chứng kiến, có lẽ phải ghi nhận một điều: “Chúng ta còn thiếu sự quan tâm đến những người canh giữ cho màu xanh của rừng”…
(KHTĐ) - Trong bài viết này chúng tôi không cố ý chơi chữ để lôi cuốn người đọc. Nhưng qua 5 ngày ở rừng, qua những câu chuyện nghe được, qua những hình ảnh tận mắt chứng kiến, có lẽ phải ghi nhận một điều: “Chúng ta còn thiếu sự quan tâm đến những người canh giữ cho màu xanh của rừng”…
Tuần rừng là công việc thường xuyên của những kiểm lâm viên
Những cuộc chiến không cân sức
Những ngày cuối năm, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm đến Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Trong suy nghĩ là để viết về một điều gì đó rất vui về mùa xuân, nhưng điều đó đã không thể thực hiện được. Vâng, không thể thực hiện được, bởi Phó giám đốc Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập - kỹ sư Vương Đức Hòa cho biết anh còn nhiều điều day dứt khi chưa làm tròn trách nhiệm với những người giữ rừng… Câu chuyện bị bỏ lửng giữa chừng, anh Hòa uống vội tách trà, rồi giục chúng tôi lên xe. Đó là chiếc ô tô bán tải vừa đủ chỗ cho 4 người ngồi. Chúng tôi hướng thẳng vào trong vùng lõi của rừng…  
Ngồi lắc lư trên chiếc ô tô gần 30 phút, kỹ sư Vương Đức Hòa cứ mãi trầm ngâm, khiến không khí như nặng trĩu xuống. Thay cho những lời đối thoại là tiếng gầm rú của chiếc xe cố vươn mình vượt qua những đoạn đường lầy lội, hiểm nguy.
“Đây là Trạm kiểm lâm số 2” và đây là anh Nguyễn Hữu Tâm - Phó Trạm trưởng Trạm số 2, người có hơn 25 năm làm nghề “gác cổng” rừng… Lời giới thiệu của kỹ sư Vương Đức Hòa đã phá vỡ bầu không khí yên lặng đến ngạc thở trước đó. Nó mở đầu cho một câu chuyện cũng chẳng mấy vui: câu chuyện về “một cuộc chiến không cân sức”, mà đã mấy năm rồi, dư âm buồn vẫn còn đọng lại.
Anh Tâm với vóc người nhỏ nhắn, nước da rắn rỏi, sạm nắng và nụ cười hiền lành ẩn sau những nét suy tư nói với chúng tôi rằng câu chuyện của những kiểm lâm tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không đơn thuần chỉ là những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà chính là phải thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập.
- Vâng, điều đó thì chúng tôi biết.
- Nhưng có một điều các anh chưa biết - anh Tâm nói.
Khi chúng tôi còn chưa hiểu hết câu nói của anh Tâm thì ngồi kế bên, anh Dương Quang Hùng (29 tuổi, cán bộ phòng hành chính tổng hợp thuộc Hạt kiểm lâm Bù Gia Mập) đã tiếp lời bằng câu chuyện mà anh đã trải qua cách đây 5 năm. Hùng mô tả từng chi tiết như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua, trong tâm trạng vẫn chưa hết bàng hoàng… Ngày ấy Hùng vừa được điều động tăng cường về Trạm kiểm lâm số 1 (Bù Gia Mập) chưa đầy 10 ngày. Khoảng 22 giờ ngày 9/4/2009, khu rừng đang yên tĩnh thì bỗng trở nên ồn ào bởi một tốp năm người đi trên hai xe máy tiến vào trạm gác số 1. Chúng bước vào đập cửa, một đồng chí kiểm lâm viên vừa bước ra liền bị chúng vây đánh. Thấy thế, Hùng chạy ra can thì bị một tên xông tới đạp vào bụng làm anh té nhào xuống sàn nhà. Một tên khác cầm dao bầu lao tới chém thẳng xuống đầu Hùng. Theo phản xạ, anh đưa tay lên đỡ. Nhát dao chặt thẳng xuống tay trái và đi xớt một phần tai Hùng.“Tôi cảm thấy tê rần cả cánh tay, nhấc tay lên thì cổ tay và cánh tay đã đứt lìa” - Hùng đau đớn kể lại. Thế rồi anh được chuyển đi cấp cứu ngay sau đó nhưng đã mất vĩnh viễn cánh tay trái. Giám định thương tật cho thấy anh bị mất sức lao động 55%.
                             kiem lam 4.JPG
                          Kiểm lâm Dương Quang Hùng với cánh tay trái bị chém đứt
Sau đó vài ngày, 5 đối tượng gồm Điểu Beo, Điểu Xanh, Điểu Lưu, Điểu Quân, Điểu Nhụ đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước bắt. Các đối tượng này khai, do trước đó các kiểm lâm ở đây không cho người nhà chúng đi vào khu rừng cấm để hái nấm nên Điểu Beo rủ cả nhóm cầm theo hung khí trả thù. Qua hai lần xét xử, Tòa án nhân dân huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập) đã tuyên phạt các bị cáo với tổng mức án 23 năm tù giam vì tội “cố ý gây thương tích”.
Cũng trước đó, trong một lần phối hợp tuần tra rừng, Đoàn tuần tra liên ngành thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập phát hiện nhiều đối tượng đang vận chuyển gỗ lậu. Đoàn đã lập biên bản, tịch thu gỗ và đưa các đối tượng về UBND xã Quảng Trực (huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắc Nông) xử lý. Các đối tượng này sau đó huy động gần 100 người ồ ạt kéo đến UBND xã Quảng Trực vây xe, đập phá và tấn công đoàn công tác với mức độ hung hãn nghiêm trọng... gây náo loạn cả UBND xã Quảng Trực. Vụ tấn công này đã làm ba cán bộ kiểm lâm, biên phòng trọng thương, trong đó kiểm lâm viên Nguyễn Thế Nghĩa bị chấn thương sọ não. Chiếc xe U-oát của cán bộ kiểm lâm bị bọn chúng đập nát.
Những người đã đổ máu để quyết gìn giữ màu xanh của rừng như anh Hùng, anh Nghĩa chỉ là một ví dụ nhỏ trong bài viết này. “Dù bị mất đi một phần thân thể và gánh chịu những hậu quả nặng nề trong khi thi hành nhiệm vụ, nhưng họ vẫn không được công nhận là thương binh” - Anh Vương Đức Hòa nói. Anh Vương Đứac Hòa cũng cho biết lãnh đạo Ban quản lý rừng Bù Gia Mập đã nhiều lần làm hồ sơ đề nghị nhưng ngành chức năng trả lời: “Những người giữ rừng kia đã bị thương ngoài giờ hành chính”. Anh Hòa và các anh em nhận được trả lời mà ruột đau như cắt. “Giữ rừng mà đòi hỏi phải giờ hành chính sao. Sao người ta lại vô tâm với rừng, vô tâm với những người giữ rừng đến thế!” - anh Vương Đức Hòa nói… Còn Hùng - người thanh niên đã đổ máu, đã để lại cánh tay trong lúc quyết giữ rừng và bảo vệ đồng đội thì ngồi đó ngậm ngùi. Thi thoảng lại đưa cánh tay lên vuốt ve, than trách: “Sau lần bị chém đứt cánh tay, sức khỏe em yếu rất nhiều. Nhưng dù sao cũng còn may mắn anh à. Em vẫn còn nhìn thấy màu xanh của rừng mỗi khi thức dậy. Chứ nếu không thì cũng xanh cỏ rồi”.
Học tập và làm theo Bác
- Tâm lý anh em giờ ra sao? Sự kiện của 5 năm về trước có làm cho anh em nao núng không?
- Không - các anh em giữ rừng đồng thanh trả lời.


Kỹ sư Vương Đức Hòa, nói: Giữ rừng là nhiệm vụ thiêng liêng và những người giữ rừng đã nhận thức ra đều đó khi hằng ngày họ nhìn thấy màu xanh của rừng, nghe được âm thanh của rừng. Anh Hòa cho biết anh em ở đây vâng theo lời dạy của Bác Hồ. Từng người khi bước vào nhiệm vụ giữ rừng đều được nghe những câu chuyện kể Bác đã yêu môi trường như thế nào, yêu từng nhành cây, tất đất ra sao. Có những người, khi chúng tôi thử đặt câu hỏi về sự kiện bài báo “Tết trồng cây”, họ trả lời vanh vách: đó là ngà 28/11/1959 Bác viết bài báo này với bút danh Trần Lực, để phát động Tết trồng cây, gây rừng.


                             kiem lam 1.JPG

Anh Nguyễn Hữu Tâm - Trạm trưởng Trạm số 2, người đã có 25 năm gác rừng, chỉ tay về phía con đường mòn mà chúng tôi vừa đi vào, nói: “Bây giờ có đường đi rồi còn đỡ, chứ lúc trước chúng tôi ở trong đây coi như biệt lập, mỗi lần đi mua gì ngoài xã là mất một ngày đường”. Ngoài công việc mỗi ngày đi tuần tra, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của lâm tặc, vào mùa nắng nóng, chúng tôi còn phải luôn cảnh giác với nạn cháy rừng. Mỗi đợt đi tuần, đội của anh Tâm thường có 4 - 5 người, gùi theo quần áo, vật dụng cá nhân và thức ăn trong vòng một tuần, mỗi ngày đi bộ khoảng 20 km, luồn sâu vào rừng để tuần tra, canh giữ…“Mùa nắng thì việc đi tuần đơn giản hơn, chứ mùa mưa đường đã hiểm trở, lại trơn trợt nên cực lắm. Lâm tặc luôn xảo quyệt, có thừa mưu mẹo để tự bảo vệ chúng, nên chúng tôi càng phải nỗ lực tuần tra, canh giữ, vừa đảm bảo cho rừng không bị xâm hại, vừa cẩn thận bảo vệ bản thân mình" - anh Tâm chia sẻ.
Cũng như anh Tâm, anh Lê Vũ Phương Nam - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 5 cũng đã hơn 8 năm sống giữa đại ngàn. Từ ngày vào nghề kiểm lâm đến nay, anh Nam chưa nghỉ một ngày nào, dù đó là ngày Quốc tế lao động. Đến ngày Tết âm lịch mỗi người cũng chỉ nghỉ được 3 ngày rồi phải trở lại công việc. Theo anh Nam, anh em giữ rừng ở đây đều mang trong mình căn bệnh sốt rét. Người có nhà ở gần cũng như ở xa, lâu lâu mới về nhà một lần, về chưa ấm hơi đã phải lên với rừng. Trạm kiểm lâm số 5 có 4 người, quản lý 3 tiểu khu với diện tích hơn 5 ngàn ha. Nếu chia theo đầu người, mỗi người phải quản 1.000 ha rừng. Anh Vương Đức Hòa, anh Nguyễn Hữu Tâm và anh Lê Vũ Phương Nam, tự hào nói: “Nếu không học tập và làm theo Bác, nếu không học được cách Bác đã yêu rừng, gìn giữ rừng ra sao, có lẽ sẽ chẳng có ai yêu rừng và giữ rừng được khi tính mạng của mình ngày nào cũng bị đe dọa mà thu nhập thì chẳng nuôi được vợ con”…



Chúng tôi gợi lại câu chuyện với anh Vương Đức Hòa. “Anh đã rất buồn khi suốt cuộc hành trình vào rừng không nói với chúng tôi câu gì. Liệu cái buồn ấy có bị chi phối hay ảnh hưởng đến công tác gìn giữ rừng hay không?”. Người kỹ sư khẽ cười: “Tôi buồn vì lo cho anh em. Tôi sợ rằng một khi chính sách không thảo đáng với người giữ rừng sẽ không ai giữ rừng nữa. Nhưng tình yêu với rừng thì anh em chúng tôi có thừa”. Rồi anh dẫn chứng lại câu chuyện “chẳng có ai phong thương binh cho một người giữ rừng đã bị lâm tặc cướp mất một cánh tay”… Nhưng sau đó, kỹ sư Vương Đức Hòa lại khẳng định: “Nói vậy thôi chứ rừng Bù Gia Mập sẽ không thể Ốm”. Anh nói rằng những cộng sự của mình vẫn ngày ngày học tập và làm theo lời Bác bằng những việc cụ thể nhất: trồng cây gây rừng; giữ lấy màu xanh của rừng. Họ đã làm việc ấy bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm với rừng. Nên có thể cuộc chiến giữ rừng sẽ không cân xứng khi mà lâm tặc ngày càng sử dụng nhiều vũ khí sát thương cùng những thủ đoạn tinh vi. Nhưng điều đó cũng sẽ không làm chùn bước những người giữ rừng ở Bù Gia Mập.
Với diện tích hơn 25 ngàn ha, nhưng chỉ có 10 trạm bảo vệ với 50 kiểm lâm viên. Điều đó có nghĩa mỗi người phải căng mắt để bảo vệ một diện tích rừng khổng lồ. Bao nhiêu hiểm nguy luôn rình rập, có thể ập xuống đầu lực lượng giữ rừng bất cứ lúc nào. Lợi dụng lực lượng bảo vệ quá mỏng, bọn lâm tặc thường xuyên xâm nhập vào rừng của Vườn Quốc Gia để tàn phá. Mỗi khi bị phát hiện, chúng rất liều lĩnh sẵn sàng chống trả quyết liệt và máu của các kiểm lâm rất có thể sẽ tiếp tục đổ xuống như anh Hùng, anh Nghĩa...
Rời cánh rừng, chúng tôi nghĩ nhiều đến câu chuyện kể buồn, rất buồn về những gương giữ rừng chưa được công nhận thương binh kia, chúng tôi muốn viết đôi dòng về những con người ở xa tít trong cánh rừng kia vẫn hằng ngày học theo Bác và làm theo Bác để quyết giữ lấy màu xanh của rừng. Vâng, họ đã làm điều đó, sẽ làm điều đó, và mãi làm điều đó cho dù máu của họ có thể sẽ tiếp tục đổ xuống vào một ngày nào đó…
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm trên địa phận xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) về phía Đông Bắc và phía Đông thuộc tỉnh Đắk Nông, có diện tích 25,926ha với nhiều hệ động, thực vật quý hiếm. Đây còn là nơi phục vụ nghiên cứu cho nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
Theo kết quả điều tra, ở đây có 724 loài thực vật nằm trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Ðặc biệt khu rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những cây họ dầu và nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc, vườn bao gồm nhiều kiểu rừng kín nửa thường xanh nửa nhiệt đới và kiểu rừng nửa thường xanh ẩm nhiệt đới.

Tác giả bài viết: Diệc Tuyền

Nguồn tin: www.khoahocthoidai.vn