Tổ tiên còn một chút này ....

Tổ tiên còn một chút này ....
SGTT.VN - Theo báo cáo của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) và tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI), trong mười năm qua số lượng các loài vượn của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng, trong đó có vượn đen má vàng – được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh.

SGTT.VN - Theo báo cáo của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) và tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI), trong mười năm qua số lượng các loài vượn của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng, trong đó có vượn đen má vàng – được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh.

 

Vượn đen má vàng tại vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Không chỉ được hai tổ chức và nhiều nhà bảo tồn khác quan tâm, những năm gần đây vượn đen má vàng ở vườn quốc gia Bù Gia Mập và vườn quốc gia Cát Tiên còn được hiệp hội Cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ tài trợ để bảo tồn.

Vượn đen má vàng được coi là tổ tiên của loài người, vì có nhiều đặc điểm giống con người về bộ gen, không có đuôi, có tứ chi, di chuyển chủ yếu bằng tay, nhưng cũng có thể đi bằng hai chân. Chúng là loài thông minh, sống thành gia đình, và rất chung thuỷ, theo chế độ một vợ một chồng suốt đời; nếu con đực hoặc con cái bị chết thì con kia có thể chết theo.

Tiếng hú của vượn đen má vàng rất hay, ngân vang như những bản tình ca giữa rừng sâu. Và “bản nhạc rừng” này còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền lãnh thổ, củng cố quan hệ vợ chồng hay tìm bạn đời. Vượn đen má vàng còn có cánh tay khoẻ, đặc biệt cổ tay rất dẻo để chuyền từ cành này sang cành khác. Cú quăng mình của chúng xa tới cả chục mét, vì vậy chúng còn được mệnh danh là “diễn viên xiếc siêu đẳng”. Đây cũng là điều đáng để chúng ta nghiên cứu tìm hiểu.

Trong hệ sinh thái, mỗi loài đều có vị trí, vai trò nhất định trong quá trình vận hành và tồn tại của hệ sinh thái đó. Mỗi loài là một mảnh ghép của cuộc sống, một loài mất đi có thể dẫn đến các loài khác vĩnh viễn mất đi, thậm chí cả hệ sinh thái đó sẽ bị thay đổi và phá huỷ. Nếu loài vượn đen má vàng bị tuyệt chủng, rất có thể sẽ có loài khác tuyệt chủng theo, bởi mất đi cân bằng sinh thái. Thức ăn của chúng chủ yếu là quả chín, còn giúp phát tán hạt giống, gieo mầm ươm cho các loài thực vật. Nếu loài vượn này thực sự mất đi, chúng ta sẽ mất đi một miếng ghép tuyệt đẹp của thiên nhiên, mất đi sự cân bằng sinh thái và có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống trên trái đất. Vì vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải hành động để bảo vệ chúng và các loài động vật khác, để không phải nghe những tiếng than thở như khi tê giác một sừng của Việt Nam bị tuyệt chủng ở vườn quốc gia Cát Tiên: “Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam” (lời bà Trần Minh Hiền, giám đốc WWF tại Việt Nam).

bài và ảnh: Kiều Đình Tháp

(trưởng phòng tuyên truyền giáo dục môi trường và du lịch sinh thái, vườn quốc gia Bù Gia Mập)

 

Vượn đen má vàng tên khoa học là Nomascus gabriellae (Thomas, 1909), con đực màu đen, túm lông ở hai bên má màu vàng. Con cái toàn thân màu vàng, có chỏm lông đen ở đỉnh đầu, sống theo gia đình có bố mẹ và từ 0 – 4 con.

 

Vượn đen má vàng con đực...

 

                                                                      ...và con cái ở vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Tác giả bài viết: Admin - Kiều Đình Tháp