Người giữ rừng nơi biên giới Bình Phước

Bài viết dự thi "Rừng là cuộc sống của tôi" Nằm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Vườn quốc gia Bù Gia Mập được xem là khu rừng liền khoảnh lớn nhất và duy nhất còn sót lại của tỉnh. Tại đây, những cán bộ bảo vệ rừng vẫn ngày đêm vượt mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ màu xanh của đại ngàn Bù Gia Mập. Có lẽ với tôi những người làm công tác giữ rừng, bảo vệ từng ngọn cây, từng con thú trong rừng có một sự hy sinh thầm lặng thật lớn lao. Và nếu tôi không được tiếp xúc và chứng kiến tận mắt công việc hàng ngày của họ, thật sự tôi cũng không nghĩ họ lại vất vả và hiểm nguy đến như vậy! Công việc nặng nhọc, nguy hiểm rình rập
Những chuyến hành quân tuần tra truy quét kéo dài vài ba ngày có khi gần nửa tháng, ba lô trên vai với đầy đủ vật dụng thiết yếu nào là quần áo, tăng, võng, mền, gạo, mắm, muối, cá khô, xoong, nồi... ước lượng mỗi người tầm 25 – 30 kg. Thiết nghĩ đi đường bằng phẳng với 1 người bình thường với số kg như trên đã thấy vất vả, đằng này họ phải trèo đèo, băng rừng, cắt rừng, lội qua những dòng suối chảy xiết và hung dữ, chui rúc qua những bụi rậm chưa từng có dấu chân người hay di chuyển lần theo dấu vết nào đó. Đặc biệt trong những lần mai phục, truy bắt lâm tặc vào ban đêm mà không sử dụng đèn chiếu sáng thì bao nhiêu mối nguy hiểm rình rập đến tính mạng càng đáng sợ hơn cả như đối mặt với lâm tặc có dùng hung khí, cả đối với các loài rắn, rết, côn trùng, các loài thú lớn, trượt chân ngã xuống vực sâu... tất cả đều có thể xảy ra, thậm chí có thể chết bất cứ lúc nào!
Ví dụ như trường hợp của anh Hà Văn Thoại – kiểm lâm viên thuộc trạm 5 Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân khi đang đi tuần tra trong đêm cách đây không lâu. Anh Thoại vẫn còn nhớ mãi: “Chúng tôi đang đi tuần tra ban đêm trong rừng đoạn qua ngã ba thác Đăk Bô vào khoảng 8 giờ tối thì có 1 con gì đó cắn vào chân đau nhói, tôi mở giày ra thì thấy vết thương sưng tấy và có dấu hiệu hoại tử. Lúc đó tôi chưa biết là loài gì đã cắn mình, chỉ nghi ngờ là rắn cắn. Tôi được sơ cứu và đi cấp cứu tại bệnh viện thuộc xã Quảng Trực tỉnh Đăk Nông và được chẩn đoán ban đầu vết thương là do loài rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn. Tuy nhiên họ nói không chữa được và chuyển tôi về bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài tỉnh Bình Phước. Khi về đến đây, bàn chân tôi sưng to hơn và có một màu tím đen. Các bác sĩ tại bệnh viện đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể cứu được bàn chân của tôi. May sao lúc đó có người bảo ở gần nhà tôi có ông thầy chuyên chữa rắn cắn bằng thuốc lá rất giỏi và tôi đã tìm đến đó. Ông thầy lang đã chữa lành chân cho tôi, tôi không phải bị cưa chân nữa. Tôi thấy đúng là trong cái rủi có cái may, thật là điều kì diệu của cuộc sống!”.
Hay trường hợp của anh Điểu Thái – nhân viên bảo vệ rừng thuộc cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư – Bù Gia Mập – Bình Phước. “Trong một lần cùng đoàn đi tuần tra truy quét trong rừng, lúc đó khoảng 4 giờ chiều thì cả đoàn bỏ ba lô xuống đất để chuẩn bị chỗ ngủ và nấu nướng thì chẳng may có 1 con ong đất bay từ đâu đến đốt ngay vào chân của tôi, tôi đau điếng người và sùi bọt mép rồi lịm đi mà không biết gì hết. Nghe các anh em kể lại sau đó họ vác tôi xuống suối tắm cho tỉnh nhưng không ăn thua, sau đó họ lấy hạt mắt mèo đắp vào chỗ vết thương để hút nọc độc ra ngoài. Khoảng 2 tiếng sau tôi mới dần tỉnh lại. Khi mở mắt tỉnh lại, tôi tưởng mình đã chết!” Anh vừa nói vừa bùi ngùi nhớ lại.
Không chỉ là rắn độc cắn, côn trùng đốt mà những người giữ rừng còn phải đối mặt với sự trả thù của bọn lâm tặc. Ví dụ như trường hợp anh Dương Quang Hùng – Kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã bị mất đi vĩnh viễn cánh tay trái, do bị lâm tặc chặt đứt, giám định thương tật cho thấy anh bị mất sức lao động 55% mà báo chí đã phản ánh vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn cho tất cả những người giữ rừng nơi đây.
Nhưng với họ dù có vất vả, nguy hiểm tới đâu thì niềm vui lớn nhất và hạnh phúc nhất của họ là bảo vệ cho các loài động, thực vật, bảo vệ được những giá trị kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người hay phát hiện ra những luồng bẫy thú rừng, giải thoát mối đe dọa tuyệt chủng cho các loài động vật, mang lại sự bình yên cho những cánh rừng.
Khó khăn về vật chất, tinh thần…
Nằm giữa rừng già heo hút biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, việc vận chuyển thức ăn vào tới trạm là 1 điều không dễ. Thông thường họ phải gửi xe máy ngoài bìa rừng sau đó gùi thức ăn như gạo, rau, thịt, cá, mắm, muối.... theo đường mòn nhỏ nhiều đèo dốc, luồn lách dưới những tán rừng và trung bình mất từ 1 đến 2 giờ đi bộ mới tới nơi. Riêng với những trạm xa, có thể mất 1 ngày để đi mua thức ăn cho anh em trong đơn vị. Tôi hỏi anh Đức – hiện đang là Trạm trưởng Trạm kiểm lâm ngầm 79 rằng “Ở Trạm của anh, hàng tuần không có người qua lại, không có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng, chỉ có mấy anh con trai với nhau thì liệu các anh có buồn không?” Anh trả lời: “Buồn lắm chứ, nhớ vợ thương con lắm nhưng biết làm sao được. Nhiệm vụ mà em, ai cũng phải cố gắng nếu lơ là thì dễ mất rừng như chơi em à!”. Anh còn kể cho tôi nghe mấy câu nói bông đùa của các anh trong Trạm như khi nói về điện chiếu sáng thì các anh thường động viên nhau là “tối nay mất điện” hay nói về điện thoại thì các anh có câu “Sóng ở dưới suối thì nhiều nhưng không gọi được”...vv. Tôi thấy các anh rất vui tính và luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Những bữa cơm nắm mang theo ăn vội, những cuộc hành quân tuần tra đội áo mưa xuyên rừng, những đêm nằm phục kích lâm tặc thả bè gỗ trên sông, những con vắt hút máu, những đàn muỗi bay vo ve trên đầu, tiếng côn trùng, chim kêu vượn hú... đã trở nên quá quen thuộc và gắn bó với những người giữ rừng.
Về thời gian
Tôi được biết hầu như người giữ rừng không có ngày chủ nhật, không có ngày lễ tết mà họ chỉ được nghỉ phép năm và nghỉ bù cộng dồn cho mỗi tháng (Mỗi tháng chỉ được nghỉ có 6 ngày). Do tính chất đặc thù của công việc, họ phải có mặt thường trực 24/24 để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá trong rừng, đặc biệt vào những tháng cao điểm của mùa khô khi cháy rừng dự báo đến cấp cực kỳ nguy hiểm thì sự vất vả ấy càng thể hiện rõ nhất. Tôi nhớ lại có 1 lần vào đúng 1giờ đêm thì có tiếng báo động cháy rừng, tất cả các anh em gần khu vực được huy động hết đến hiện trường để chữa cháy, nhiều người đang ngủ phục dậy vội vàng khoác thêm chiếc áo, cầm theo con rựa lên xe vào chỗ đám cháy dập lửa. Do đám cháy có địa hình đồi núi phức tạp, không thể cho xe chở nước di chuyển vào khu vực cháy nên các anh em phải vác từng can nước 30 lít, đi bộ 1 -2 tiếng mới tới nơi để dập lửa, và cuộc chiến đấu đối đầu với “giặc lửa” ấy đến tận trưa hôm sau mới coi như tạm ổn. Nhìn ai cũng thấm mệt sau khi hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, nhưng trong ánh mắt của họ còn những nỗi trăn trở khi các loài động vật vừa mất đi một phần mái nhà yên ấm của chúng...
Bệnh nghề nghiệp
Người ta thường nói mỗi ngành nghề đều có bệnh nghề nghiệp riêng. Còn đối với những người coi rừng là nhà, ăn trong rừng, ở trong rừng và ngủ trong rừng thì bệnh nghề nghiệp chính là những cơn sốt rét nóng lạnh co giật xuyên thấu tim. Nhiều người nói đùa rằng, người nào bị sốt rét liên tục thì sau này chỉ sinh toàn con gái hoặc vô sinh vì “nòng nọc bị đứt đuôi”; và ai khi nghe họ nói vậy đều buồn cười cả, nhưng ngẫm lại căn bệnh nghề nghiệp này có thật như vậy không? Hay chỉ là đùa cho vui thì đó vẫn là một câu hỏi! Mỗi khi lên cơn sốt thật là khủng khiếp, người ta run lên bần bật, hai hàm răng va đập vào nhau, dù có đắp vài lớp chăn dày cộm nhưng vẫn thấy lạnh, da dẻ thì xanh xao như người nhái. Nhưng ở giữa rừng già chỉ có đồng nghiệp, không người thân, không gia đình thì nỗi nhớ nhà của những người xa quê càng cô đơn hơn, càng day dứt hơn.
Hầu như toàn bộ những người giữ rừng đều bị sốt rét ít nhất 1 lần trong đời nhưng tùy theo thể trạng và sức đề kháng của mỗi người mà bị nhiều hay ít lần. Tôi được nghe mấy anh em kể lại chuyện anh An – kiểm lâm viên thuộc Trạm kiểm lâm Đăk Trang hiện nay bị sốt rét trong rừng phải đi cấp cứu tại bệnh viện nhiệt đới Tp.Hồ Chí Minh mà vẫn còn bàng hoàng. Mấy anh nói: “nếu chậm vài phút nữa thôi thì anh An đã bị tai biến thành người thực vật”. Họ kể lại lúc anh An lên cơn sốt cao đã chuyển sang trạng thái co giật, không tự kiểm soát được bản thân nên đã giãy dụa và cắn liên tục vào vai của người đang cõng anh đi cấp cứu. Sau khi anh ra viện, mọi người hỏi anh có còn nhớ trước đó đã như thế nào không? Anh trả lời rằng: “lúc ấy không biết gì nữa nên...” anh vừa nói vừa cười.
Sự hy sinh cao cả, thiêng liêng
Không chỉ vậy họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc gia đình, con cái cho nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ màu xanh của núi rừng. Thiết nghĩ, những người vợ, những đứa con có chồng, có cha làm nhiệm vụ bảo vệ màu xanh của núi rừng ấy sẽ như thế nào khi trong nhà thiếu đi trụ cột gia đình? Vậy là gánh nặng về dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già đặt nặng lên vai những người phụ nữ. Phải nói rằng những người vợ, những người phụ nữ ấy vô cùng đảm đang và có đức hy sinh cao cả.
Người giữ rừng là thế, tình yêu mà họ dành cho rừng không thể bằng lời nói hay ngôn ngữ có thể diễn tả được. Đó là sự đánh đổi cả tuổi xuân, sức trẻ, gia đình cho công cuộc bảo vệ màu xanh và sự bình yên cho những cánh rừng. Tuy vậy vẫn có nhiều người dân chưa hiểu và thông cảm cho những hy sinh mất mát ấy, họ vẫn coi Kiểm lâm là kẻ thù….vv. Mong rằng sẽ có nhiều hơn sự quan tâm của Cộng đồng, của các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung Ương đến cuộc sống của những người ngày đêm gắn bó với rừng như những Kiểm lâm của các Vườn Quốc gia/Khu bảo tồn.
Vào 1 ngày, tôi vô tình đọc được tâm sự của một anh thanh niên về nghỉ phép phải xa cách người yêu để về làm nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng Bù Gia Mập, bài thơ không đề tên nhưng có nội dung như sau:
“Đừng trách anh em nhé
Người kiểm lâm như anh
Quen với rừng với rú
Nên chẳng được gần em
Xin đừng vội trách Anh
Người lính mặc áo xanh
Giữa đại ngàn sâu thẳm
Vẫn bám chốt đêm ngày
Bởi vì rừng cần Anh
Bảo tồn và khám phá
Những tài nguyên quý giá
Giữ gìn đến muôn đời
Bởi vì rừng cần Anh
Đừng trách Anh Em nhé!
Và xa xa đâu đó, vẳng nghe thấy ca khúc “Một đời người một rừng cây” với những lời hát đã đi vào lòng người và như đã thấm vào máu của những người giữ rừng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai...

Tác giả bài viết: Kiều Thị Ánh

Nguồn tin: tongcuclamnghiep.gov.vn