Nguy cơ lây bệnh khi giết hại và sử dụng các loài động vật hoang dã

Tìm hiểu nguồn gốc các đại dịch thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin cho thấy nguồn gốc các virut gây bệnh đều xuất phát từ việc tiếp xúc gần với động vật hoang dã như: giết mổ, buôn bán, sử dụng sản phẩm,…
Trong năm thập kỷ qua, loài người đã chứng kiến hàng loạt các bệnh dịch có sức lây lan mạnh mẽ trên khắp các châu lục. Những năm 1980, chúng ta đã phải đối mặt với sự đe dọa của đại dịch HIV/AIDS. HIV/AIDS là tên gọi của một loại virus gây suy giảm miễn dịch trên cơ thể làm cho chúng ta mất dần sức đề kháng với các vi sinh vật gây bệnh, tạo ra các nhiễm trùng cơ hội mà chúng tạo điều kiện phát triển ung thư cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Dựa vào nguồn gốc xuất phát của virus, người ta chia ra hai chủng HIV bao gồm HIV-1 (bắt nguồn từ tinh tinh) và HIV-2 (bắt nguồn từ loài khỉ ở châu Phi).
Ngoài ra, thế giới còn hai lần chứng kiến sự hoành hành của virus Ebola ở các nước thuộc khu vực Tây Phi vào năm 1976 và 2014. Bệnh Ebola là một bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra cho con người và một số loài linh trưởng. Virus này thường có nguồn gốc xuất phát từ khỉ và dơi ăn trái, và con người bị lây bệnh khi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của các loài động vật bị nhiễm virus Ebola. Ví dụ, súp dơi được coi là một món "cao lương mỹ vị" ở Guinea, và việc tiêu thụ sản phẩm này đã dẫn đến sự bùng phát của dịch Ebola ở quốc gia Tây Phi này. Nhà chức trách tại Guinea đã ban hành lệnh cấm buôn bán và ăn thịt dơi, sau khi dịch Ebola bùng phát. Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ riêng việc ăn thịt dơi là nguyên nhân khiến người nhiễm bệnh, thay vào đó, việc giết mổ và tiếp xúc với thịt dơi còn chứa đựng nguy cơ lớn hơn.
Những năm đầu của thiên niên kỷ thứ 3, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến đại dịch SARS vào năm 2003, một đại dịch xuất phát từ một loài cầy hương ở Quảng Đông, Trung Quốc. Virus này sau đó cũng được tìm thấy ở chó, gấu trúc, các loài mèo, dơi và các động vật khác lây nhiễm sang con người thông qua chợ buôn bán thịt động vật hoang dã tại Trung Quốc.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một đại dịch mới có tên gọi đại dịch COVID-19, và đại dịch này đang đe dọa đến đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Đại dịch này đã lây nhiễm cho hàng triệu người và cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 xuất phát từ việc giết mổ, buôn bán loài dơi và các loài động vật hoang dã khác.
Khi tổng hợp lại thông tin cho thấy tất cả các đại dịch đều liên quan đến việc giết mổ, buôn bán, sử dụng thịt động vật hoang dã. Vì vậy, các hành vi giết mổ, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt… trái phép các loài động vật hoang dã không những bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật mà còn tiềm tàng nguy cơ dịch bệnh cho bản thân, gia đình, và cộng đồng. Do vậy, việc tham gia vào công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã là những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các bệnh dịch nguy hiểm cho toàn nhân loại.
Mọi tổ chức, cá nhân có thông tin về công tác cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Số điện thoại 0978404739

Tác giả bài viết: Trần Văn Trưởng