Vườn quốc gia Bù Gia Mập: Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng

Vườn quốc gia Bù Gia Mập: Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng
      Vùng lõi Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập có diện tích tự nhiên là 25.601,18 ha, diện tích vùng đệm là 18.036 ha, nằm trên 03 xã gồm: xã Bù Gia Mập, xã Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, với nhiều nhóm dân tộc sinh sống như S’tiêng, M’nông, Tày, Nùng, Cao lan, Châu mạ, Hoa…vv. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng việc làm nương rẫy, với lối canh tác lạc hậu, ngoài ra thời tiết những năm gần đây luôn thay đổi bất thường làm cho mùa màng năng suất thấp, nên nhiều hộ gia đình còn thiếu lương thực vào những tháng giáp hạt, người dân thường lén lút vào rừng để săn bắn, hái lượm…vv. Tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao và triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, khai thác và phá rừng làm rẫy…vv nên trong thời gian vừa qua Vườn đã đạt được kết quả rất tốt trong công tác Bảo vệ rừng, cụ thể các vụ vi phạm và mức độ ảnh hưởng tới tài nguyên rừng ngày càng giảm đáng kể, mà hiệu quả nhất là không còn hiện tượng xâm lấn, phá rừng làm nương rẫy trong nhiều năm qua tại Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng như vậy, một phần là nhờ vào sự đa dạng hóa trong công tác tuyên truyền về Bảo vệ rừng cho người dân ở các xã vùng đệm của Vườn.
 
      Trong những năm qua Trung tâm GDMT&DVMTR thuộc Ban quản lý Vườn đã thường xuyên cập nhật thông tin về giáo dục môi trường, bảo vệ rừng trên cả nước và ở Vườn Quốc gia, mỗi tháng Trung tâm GDMT&DVMTR đã xây dựng một hoặc hai bản tin và gửi đến các xã vùng đệm để phát trên đài phát thanh vào mỗi buổi sáng sớm và gửi những thông tin mới nhất về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, giáo dục môi trường … để đưa lên Website của Vườn và một số trang mạng điện tử, đưa lên báo Bình Phước, tạp chí Cục Kiểm Lâm, Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV, trang tin thiên nhiên và con người. Cụ thể trong năm Trung tâm GDMT&DVMTR đã xây dựng 12 bản tin gửi hơn 30 đĩa về bảo vệ rừng cho các xã vùng đệm, với thời lượng phát sóng 03 buổi 01 tuần, mỗi buổi khoảng 60 phút đến 80 phút thì trong năm phòng đã phát bản tin tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trên các xã vùng đệm được 432 buổi với 432 giờ đến 556 giờ phát thanh, đặc biệt trong năm các chương trình bản tin phát thanh còn được phiên dịch sang tiếng bản địa để bà con dân tộc, những cụ già không hiểu hết tiếng phổ thông có thể hiểu và biết rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác bảo vệ rừng. Hàng ngày những thông điệp về bảo vệ rừng sẽ được truyền tải đến từng tầng lớp bộ phận người dân từ đó thấm nhuần vào nhận thức của người dân theo cách “mưa dầm thấm lâu”.
 
      Ngoài ra Vườn còn cho xây dựng và sửa chữa các bảng chỉ dẫn, bảng thông tin tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng tại các khu vực trọng điểm, khu vực có đông dân cư, đông người qua lại.
      Vườn còn tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường: Các cán bộ của Trung tâm GDMT&DVMTR thường xuyên nắm bắt thông tin về bảo vệ rừng, xây dựng các tài liệu phù hợp với nhu cầu thực tế để tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ các loài động vật hoang dã, giới thiệu những giá trị của Vườn Quốc gia đối với cộng đồng, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật: Luật bảo vệ rừng, luật đa dạng sinh học, Nghị định 32/2006/CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quí, hiếm, Nghị định 157/2013/NĐ-CP  ngày 11/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, bảo vệ rừng, nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tuyên truyền về cấm thu hái Nấm, Măng các loại lâm sản phụ...vv tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng trên 3 xã vùng đệm.. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đài phát thanh, Trung tâm GDMT&DVMTR còn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô trên các đường thôn, bon các xã vùng đệm điểm có đông người dân đi lại, với số lượng 60 đợt.
Ảnh: Xe đi tuyên truyền lưu động trong các thôn bản ở các xã vùng đệm
 
Tuyên truyền trực tiếp tại các nhà văn hóa thôn, bon được 10 lượt với hàng ngàn người dân tham gia...
IMG_0999.JPG
Ảnh: Quang cảnh một buổi họp thôn lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ rừng
 
      Vườn đã thành lập 01 đội văn nghệ tuyên truyền về Bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng. Đội văn nghệ này là những bạn thanh niên ở các thôn, bon và các em học sinh của các trường học xung quanh vùng đệm, các bạn thanh niên và các em sẽ là những tuyên truyền viên tới các người thân trong gia đình đồng thời tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa cán bộ nhân viên Vườn với người dân địa phương cùng nhau chung sức chung lòng trong sư nghiệp bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó Vườn thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim lưu động cho người dân về đa dạng sinh học của Vườn và các điều luật của Nhà nước. Qua các buổi tuyên truyền người dân đã phần nào nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của rừng, và sự đa dạng của hệ động vật, thực vật và các điều luật về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường các giá trị, chức năng nhiệm vụ và các phân khu chức năng của Vườn đối với hành tinh, cuộc sống của con người.
 
Ảnh: Một buổi chiếu phim lưu động về tuyên truyền pháp luật
 
      Hàng năm các cán bộ của Trung tâm đã tổ chức họp thôn xác định các hoạt động đầu tư cho thôn bon, theo nội dung Quyết định số 24/2012/QĐ – TTg và thông tư liên tịch số: 100/2013/TTLT-BTC-BNNPTNT. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà có các chính sách thiết thực hỗ trợ đến người dân vùng đệm của Vườn. Qua đó phần nào giúp thôn bon được tu sữa lại nhà văn hóa, xây dựng các công trình công cộng phục vụ cho thôn, bon được khang trang hơn, cuộc sống văn minh hơn.
      Ngoài các hoạt động  trên Vườn còn tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh: Các em là thế hệ tương lai của đất nước và là người đã đang, sẽ bảo vệ và sử dụng các nguồn lợi của Vườn quốc gia trong tương lai, nhận thức được điều này các cán bộ tuyên truyền của Trung tâm thường xuyên tuyên truyền cho các em học sinh các xã vùng đệm, giới thiệu và phát các tạp chí rừng xanh, vở ghi, sách báo về giáo dục môi trường cho các em học sinh tại 3 xã vùng đệm. Hàng năm các cán bộ của Trung tâm đã tổ chức các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa theo 9 bài giảng đã biên soạn cho các em học sinh các lớp 6, 7 của 3 trường trung học cơ sở tại 3 xã vùng đệm của Vườn. Thành lập được 02 câu lạc bộ xanh với gần 50 em học sinh tại trường Trung học cơ sở Đăk Ơ và trường Trung học cơ sở Bù Gia Mập.
Ảnh: Học sinh ngồi thảo luận với nhau
Ảnh: Học sinh chơi trò chơi trong giờ giảng dạy cho các em về sự đa dạng của Vườn quốc gia
      Qua các giờ học, tiết học các em học sinh được các cán bộ tuyên truyền của Trung tâm đã tuyên truyền phổ biến giới thiệu về Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập, các giá trị của rừng, của Vườn quốc gia, vai trò, chức năng của các loài động thực vật có trong tự nhiên...cho các em, ngoài ra các em còn được tham gia vào các trò chơi, hoạt động gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Ngoài ra Trung tâm cũng đã tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về bảo vệ Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập và kiến thức về đa dạng sinh học, và những  đêm văn nghệ gắn với tuyên truyền bảo vệ rừng cho các em học sinh tại các xã vùng đệm của Vườn. Để giúp cho các em được hình dung và tận mắt nhìn thấy sự đa dạng về hệ thực vật và động vật ở Vườn thời gian qua Trung tâm cũng đã tổ chức các buổi triển lảm ảnh lưu động cho các em học sinh ở các trường học vùng đệm của Vườn. Qua đây các em học sinh góp phần chuyển tải những thông điệp về bảo vệ rừng đến với phụ huynh và người dân.
Ảnh: Buổi triển lảm ảnh lưu động cho các em học sinh
 
      Trong năm 2018 vừa qua Trung tâm GDMT&DVMTR cũng đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh về bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn cho gần 400 em học sinh của 2 trường, trường Trung học cơ sở Bù Gia Mập và trường Trung học cơ sở Đak Ơ. Qua cuộc thi vẽ tranh các em đã thể hiện được sự sáng tạo, nêu ra được những ý tưởng nhằm đã kích, lên án nạn phá rừng, săn bắt thú rừng ..., khuyến khích các em hành động và làm những việc có ích cho xã hội và lên án những việc làm xấu trái với pháp luật của Nhà Nước.
Ảnh: Cuộc thi vẽ tranh bảo tồn đa dạng sinh học cho các em học sinh
 
Và nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới ngày 5.6, hàng năm cứ tới ngày này các cán bộ của Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền lưu động, meetting và dọn dẹp vệ sinh tại 2 xã Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước và xã Quảng Trực thuộc tỉnh Đắc Nông. ....Từ đó vận động và thúc đẩy mọi người cùng chung tay vào công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Qua buổi meetting và tổ chức dọn dẹp vệ sinh đã có 300 cán bộ công nhân viên, các thành viên các tổ nhận khoán bảo vệ rừng, các đoàn viên thanh niên tại các thôn, và các em học sinh tại các xã vùng đệm tham gia dọn dẹp vệ sinh dọc các con đường liên thôn, liên xã và các khu vực điểm đen về rác...
     Vườn còn phối hợp với Ban quản lý dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng tuyên truyền về bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các xã vùng đệm của Vườn, các xã Thống Nhất và Đăng Hà của huyện Bù Đăng. Bước vào năm học mới, để góp phần hỗ trợ một phần những khó khăn cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, Vườn đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng em đến trường”. Qua các hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, các em học sinh được tiếp cận thông tin về rừng ngay tại nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, các em cũng được cung cấp thêm nhiều thông tin về tầm quan trọng của rừng với vai trò là “lá phổi xanh của trái đất” cũng như trong phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào bản địa. 
      Với việc đổi mới, đa dạng hóa phương pháp và hình thức tuyên truyền đã tiếp cận được nhiều đối tượng và tầng lớp người dân trong vùng đệm. Qua đó giúp cho người đồng bào bản địa hiểu rõ hơn các chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép.
      Không chỉ đa dạng hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng, mang những thông điệp về bảo vệ rừng đến với tất cả mọi người dân, cộng đồng bon làng ở vùng đệm của Vườn. Đây còn là hình thức tuyên truyền về bảo vệ rừng rất hữu ích và thiết thực, thúc đẩy người dân gắn kết với Vườn và đồng thời giúp người dân hiểu biết, đổi mới nhận thức trong lối sống, tư duy đã ăn sâu vào máu của người dân bản địa về lối canh tác nương rẫy. Giúp cho các em học sinh có những hiểu biết cơ bản về môi trường, lợi ích của rừng, biết yêu quý và tự nguyện tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Và cho các em có cái nhìn về Vườn quốc gia trở nên gần gũi, sống động và nhiều màu sắc.                                                       
                                                                                               
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Điểu Thị Hoa