Khu rừng thiêng của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập:
Khu rừng thiêng được người dân bản địa bảo vệ bằng luật tục và văn hóa giữ rừng
      Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm ở cực Bắc của tỉnh Bình Phước thuộc khu vực chuyển tiếp vùng Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ. Là nơi bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm ở miền Đông Nam BộViệt Nam. Vùng đệm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc 2 xã của huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước đó là xã Bù Gia Mập, xã Đăk Ơ và xã Quảng Trực tỉnh Đắk Nông, là vùng đất có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc M’nông và S’tiêng là dân tộc bản địa, họ sống cộng cư thành các làng nhỏ có tên gọi, đứng đầu là Bu hoặc Bon và cư trú tại các thôn trong xã. Người M’nông, S’tiêng có thời gian cư trú trên vùng đất Bù Gia Mập đã lâu đời. Cuộc sống của họ gắn liền với thiên nhiên thông qua các phong tục tập quán và cách ứng xử với thiên nhiên và môi trường. Qua những địa danh như núi Bà Rá, sông Đắk Huýt, Thác Đắk Mai 1, Đăk G’lung… đã đi vào truyền thuyết, truyện cổ tích… thì có thể thấy rằng người M’nông, S’Tiêng đã có lịch sử hình thành và phát triển ở vùng đất Nam Tây Nguyên hàng ngàn năm.
      Qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào dân tộc M’nông và S’tiêng trên địa bàn vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập luôn đi cùng cách mạng, họ dựa vào rừng núi, sông suối và tài nguyên thiên nhiên, cộng với sức lao động bền bỉ của mình để xây dựng cuộc sống và đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, các xã vùng đệm Vườn quốc gia trong kháng chiến là căn cứ địa, nơi tập kết lực lượng, nuôi quân chuẩn bị lực lượng, và chính là chiến trường tiêu diệt kẻ thù làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân đội cách mạng. Rừng núi và các cộng đồng dân cư nơi đây đã nuôi dưỡng, che chở, xây dựng lực lượng hùng mạnh của cách mạng để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
      Sau giải phóng thống nhất Tổ quốc một lần nữa bằng truyền thống vẻ vang và các phong tục tập quán của mình, đồng bào dân tộc M’nông và S’tiêng cùng với Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, họ đã xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững, biến địa bàn, tài nguyên của địa phương thành của cuộc cách mạng công nghiệp của đất nước bằng chính nguồn lực sức mạnh và phong tụ tập quán của họ.
Ảnh: Bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh VQG Bù Gia Mập.
      Sống giữa núi rừng Nam Tây Nguyên hùng vĩ, nơi có những cánh rừng xanh bạt ngàn, nơi mây trắng xoá bồng bềnh bao phủ bốn mùa, từ xa xưa đồng bào M’nông, S’tiêng nơi đây sống và canh tác chủ yếu bằng việc làm nương rẫy, nhưng có một điều rất thú vị và văn minh trong văn hoá canh tác nương rẫy của Người M’nông và S’Tiêng là họ rất có ý thức bảo vệ rừng bởi vì rừng có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài gỗ, củi và những vật liệu khác, rừng còn cung cấp thực phẩm cho bon làng, rừng bao bọc, che chở, bảo vệ dân làng, bảo vệ mùa màng cho dân làng, chính vì thế mà họ cũng có ý thức bảo vệ rừng một cách bền vững. Khi vào rừng săn bắn, hái lượm, đồng bào cũng chỉ lấy những lá thuốc cần thiết và không chặt cây nhỏ, hay bắn những con thú nhỏ, thú đang mang thai… nên sản vật ở rừng lúc nào cũng có, không bị cạn kiệt. Mặc dù người S’tiêng, M’nông làm rẫy là chủ yếu nhưng không phải khu rừng nào họ cũng phát nương làm rẫy, mà tùy vào nơi và có những nội quy nhất định. Có một loại rừng mà đồng bào khai thác rất hạn chế và luôn được bảo vệ rất cẩn thận, đó là rừng thiêng ở các bon làng, nhờ thế mà họ vẫn giữ tốt được các khu rừng già Bù Gia Mập như K’rong p’reh trâu (Vườn cây Trai ở vườn thực vật), V’ong Zung (Đăk ngeng), L’eng Đăk H’ra pak, L’eng Âr...ở đó là rừng đầu nguồn, có những cây gỗ quý như Giáng Hương, Gõ đỏ, Cẩm lai, Sao và cây Dầu... nhiều cây đã hơn trăm tuổi.
      Được dịp gặp và nghe các cụ già làng người M’nông, S’tiêng kể, hát đối đáp, ơ’h n’rong về văn hoá kiêng cữ, giữ rừng độc đáo của người M’nông, S’tiêng ở nơi đây, chúng ta mới thấy hết được người đồng bào rất yêu quý rừng. Già làng Điểu Chen cho biết: “Trong văn hoá chọn đất lập làng của người M’nông, họ luôn quan niệm ở đâu có rừng, có dòng sông, khe suối ở đó làng mới tồn tại và phát triển vững bền được”. Với người M’nông, S’tiêng rừng không chỉ đơn thuần là môi trường sống, là cây cỏ, là động, thực vật cho họ sự sống, rừng còn là cội nguồn văn hoá của họ, rừng còn là thần linh che chở và bảo vệ họ khỏi thú giữ. Do vậy, rừng luôn được xem như “vị thần linh, ân nhân vĩ đại, linh thiêng của bon làng”.
      Ông Điểu Reo ở thôn Bù Nga cho biết thêm: “Từ rất lâu trong văn hoá, luật tục của người M’nông, S’tiêng luôn được cộng đồng làng chấp thuận, không ai dám vi phạm vì sợ làm hại đến làng, đến thần linh. Khi làm nương rẫy luôn được các cao niên, già làng họp bàn kỹ lưỡng và khi các nóc nhà chấp hành tốt các yêu cầu của già làng họ mới được phát rẫy, khu vực phát rẫy thường là đất rừng không non quá, không già quá, cấm tuyệt đối phát rẫy nơi khu rừng có nghĩa địa, rừng thiêng (khu rừng có nhiều gỗ quý), rừng đầu nguồn…, khi làm nhà ở, làm Nhà dài của làng việc chọn cây, việc cúng kiếng thần cây luôn được già làng bàn kỹ, chặt cây nào?, ở đâu?, để không gây hại đến cây con, khu rừng thiêng của làng mình và làng khác”.
      Từ ngàn đời đồng bào M’nông, S’tiêng nơi đây đã biết bảo vệ rừng, môi trường sống của mình và bảo vệ những cánh rừng già, rừng đầu nguồn, con sông, khe suối v.v. Để giữ được rừng, nhất là cây gỗ quý hiếm, những cánh rừng nguyên sinh, cha ông người M’nông, S’tiêng đã sớm gắn lên trên các thân cây, cánh rừng những vị thần bất diệt nhằm để con cháu, thế hệ sau này luôn biết giữ rừng, ứng xử có văn hoá với rừng, biết yêu, biết quý, biết tôn thờ thần cây, thần rừng, thần đá, thần sông, thần suối từ đó không dám làm hại cánh rừng già, rừng quý hiếm, vì nếu xâm hại rừng phạm pháp, rừng sẽ làm dân làng ốm đau, không sinh con đẻ cái được, còn phụ nữ mang thai thì sảy thai, dân làng dịch bệnh, gặp xui xẻo, thiên tai lũ lụt rình rập v.v và nặng hơn là chịu các hình phạt của làng nếu không chấp hành tốt.
      Hiện nay khi rừng được Nhà nước quản lý, việc vào rừng khai thác, săn bắn và thu hái lâm sản bị nghiêm cấm, thì người dân đã chủ động xin nhận quản lý, bảo vệ rừng và đến thời điểm năm 2018 đã có 10 cộng đồng thôn bản xung quanh Vườn Quốc gia với hơn 300 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số M’nông, S’tiêng thuộc hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực thuộc tỉnh Đắk Nông tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, với mức thu nhập bình quân từ 1,7-2,2 triệu đồng/hộ/tháng. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Ban Quản Lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đến người dân sống xung quanh Vườn, nó vừa tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống kinh tế, vừa giữ được rừng được bền vững.
 
Ảnh: Cộng đồng đi tuần tra rừng
      Trải qua bao nhiêu năm lịch sử chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng bào người M’nông, S’tiêng ở Bù Gia Mập nơi đây vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc, nhất là trong Văn hoá giữ rừng, để cho con cháu hôm nay và mai sau có những cánh rừng quý hiếm như Vườn quốc gia Bù Gia Mập.       Không chỉ là niềm tự hào của người dân vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập mà đây còn là tài sản của một quốc gia và của cả nhân loại, đây là thành quả, là công sức của ông cha và là giá trị văn hoá tốt đẹp của người M’nông, S’tiêng và thế hệ chúng ta cần được trân trọng, gìn giữ và tôn vinh. Là lá phổi xanh của đất nước trước những biến đổi khó lường về môi trường, khí hậu của toàn cầu, trước những tàn phá, khai thác rừng, tài nguyên thiên nhiên thiếu khoa học, làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống ở một số nơi hiện nay.
Ảnh: Nhà dài truyền thống của người S’tiêng khung cảnh thật thanh bình
 
Ảnh: Rừng là cội nguồn văn hóa của đồng bào M’nông
      Những ngày hè nắng nóng, Rừng Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập hôm nay được ví như “tủ lạnh treo giữa trời”, bởi điều kiện khí hậu luôn trong lành, mát mẻ, những bon làng thanh bình, những cánh rừng xanh bạt ngàn xa tít. Vườn quốc gia Bù Gia Mập hứa hẹn là một nơi đa dạng hơn về động, thực vật, là điểm hẹn lý tưởng cho du lịch sinh thái và văn hoá đặc trưng của người dân tộc bản địa.                                      
                                                                                                                                        
 

Tác giả bài viết: Điểu Thị Hoa