Trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và nhân giống phát triển các loài Trà mi quý hiềm (Camellia sp) tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước

Việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học sẽ nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học nhằm tạo ra lực lượng các nhà nghiên cứu tại chỗ phục vụ kịp thời cho công tác bảo tồn đa dạng sang học
Trà mi (Camellia sp), một chi thuộc họ Chè (Theaceae), là những loài cây có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế, nhưng những hiểu biết về các giá trị còn hạn chế. Xét về mặt bảo tồn, thông tin về tình hình phân bố và tình trạng bảo tồn của các loài trong chi Camellia này ở Việt Nam nói chung và vùng miền Nam Việt Nam nói riêng còn chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, Trà mi còn có giá trị kinh tế cao xét về mặt thẩm mỹ và dược liệu nên các loài thuộc chi Trà mi đang bị khai thác một cách thiếu bền vững từ rừng tự nhiên. Những hạn chế về hiểu biết cộng với sự khai thác quá mức làm cho nhiều loài trong chi Camellia bị đe dọa và có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên nếu chúng ta không kịp thời xây dựng kế hoạch hành động để bảo tồn và phát triển chúng một cách bền vững. Vì vậy, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang khuyến khích các hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và bảo tồn nhằm thực hiện bảo tồn nguyên vị các loài thuộc chi Trà mi trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập.


Tiến sỹ Lưu Hồng Trường - Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam chia sẻ tại hội thảo

Để nâng cao năng lực và xây dựng mạng lưới làm việc cho tập thể CBNV, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã kết hợp với Viện sinh thái miền Nam tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nghiên cứu cho CBNV của BQLVQG Bù Gia Mập và một số cán bộ khoa học từ khác khu bảo tồn phía Nam. Ngày 18 và 19 tháng 11 năm 2020, tại văn phòng BQLVQG Bù Gia Mập, Ban giám đốc BQLVQG Bù Gia Mập đã cho phép Viện sinh thái miền Nam tổ chức cuộc hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và nhân giống phát triển các loài Trà mi quý hiếm (Camellia sp) tại Ban quản lý VQG Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác “Nghiên cứu thực địa và bảo tồn các loài Trà mi (Camellia) ở miền Nam Việt Nam”  giữa Viện sinh thái học miền Nam và Vườn thực vật bảo tồn quốc tế (Botanic Gardens Conservation International). Hội thảo đã đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn và nhân giống các loài cây thuộc chi Trà mi tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn.


Trà hoa vàng (Camellia bugiamapensis) Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (Ảnh: Khương Hữu Thắng)

Hiện nay, các khu bảo tồn thuộc khu vực phía nam đã và đang thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn các loài thuộc chi Trà mi, nhưng các phương pháp này còn thiếu tính khoa học. Các phương pháp nhân giống chủ yếu được cán bộ bảo tồn tự tìm hiểu và thực hiện theo kinh nghiệm nên tỷ lệ sống của các cây giống còn thấp. Các hoạt động điều tra và nghiên cứu còn mang tính tự phát và chưa khoa học. Vì vậy, các hoạt động bảo tồn các loài trà mi chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Điều này đặt ra yêu cầu về việc tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ khoa học nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các loài Trà mi tại các khu bảo tồn.


Tiến sỹ Lương Văn Dũng hướng dẫn nhân giống trà hoa vàng (Camellia bugiamapensis) bằng phương pháp chiết cành tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Việc tập huấn đào tạo kỹ thuật và phương pháp là trọng tâm của hội thảo nên có nhiều chuyên gia đầu ngành đã đến và đào tạo nâng cao năng lực cho các học viên. Các chuyên gia này là Tiến sỹ Lưu Hồng Trường - Viện Sinh thái học miền Nam, Tiến sỹ Lương Văn Dũng - Khoa Sinh - Trường Đại học Đà Lạt, Thạc sỹ Hoàng Thanh Trường - Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các học viên đến từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Phước Bình, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Vườn quốc gia Núi Chúa,  Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Công ty Becamex Bình Dương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và Viện Sinh thái học miền Nam. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, các học viên và các nhà nghiên cứu đến từ các Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên ở khu vực miền Nam Việt Nam đã học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ thuật quan trọng trong công tác bảo tồn các loài Trà mi.

Tiến sỹ Lương Văn Dũng hướng dẫn cách lựa chọn hom giống, cành ghép và hướng dẫn thực hiện nhân giống trà hoa vàng (Camellia bugiamapensis) bằng phương pháp giâm cành và ghép

Hội thảo tập trung trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác nghiên cứu bảo tồn và nhân giống các loài Trà mi. Để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, các chuyên gia đã tập huấn cho các học viên về công tác điều tra, nhận diện, định danh, thu thập mẫu vật, xây dựng Vườn sưu tập bảo tồn các loài Trà mi (Camellia sp). Đặc biệt, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đã dành nhiều thời gian để trao đổi và chia sẻ về các phương pháp nhân giống bảo tồn và phát triển các loài Trà mi. Hội thảo đã đưa ra 5 phương pháp nhân giống bảo tồn và phát triển các loài Trà mi bao gồm gieo hạt, chiết cành, giâm hom, nuôi cấy mô, và ghép cành. Biện pháp gieo hạt được đánh giá là phương pháp tối ưu nhất vì bằng cách này chúng ta sẽ tạo ra nguồn cây giống khỏe mạnh và có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm việc áp dụng các phương pháp cần được thực hiện linh hoạt vì các phương pháp này có các ưu, khuyết điểm nhất định tùy theo loài và vùng địa lý khác nhau. Chính vì thế, các thành viên tham gia hội thảo cũng thống nhất đưa ra kiến nghị về việc áp dụng các phương pháp cần lưu ý đến các loài Trà mi phân bố tại mỗi Vườn quốc gia và khu bảo tồn để lựa chọn một phương pháp nhân giống hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, việc nhân giống các loài Trà mi còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố liên quan đến môi trường xung quanh.


Học viên thực hành giâm cành
 
Môi trường là một điều kiện có sự ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ thành công của hoạt động nhân giống. Ngoài các yếu tố về giống, các yếu tố ngoại cảnh như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác sẽ quyết định rất lớn đến tỷ lệ ra rễ và tỷ lệ sống của cây giống sau này. Vì vậy, khi thực hiện công tác nhân giống Trà mi, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, và điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh phù hợp với đặc điểm sinh lý của cây giống nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Từ việc đánh giá các yếu tố môi trường và điều kiện thiên nhiên, các nhà khoa học cũng đã tiến hành xây dựng các nghiên cứu điển hình nhằm thực nghiệm công tác bảo tồn một số loài quý hiếm. Trong hội thảo, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành xác định và lựa chọn ba vườn quốc gia tương ứng với sự phân bố của 3 loài Trà mi qúy hiếm được ưu tiên triển khai thực hiện bảo tồn trong thời gian tới bao gồm Camellia bugiamapensis (Vườn quốc gia Bù Gia Mập), Camellia luteocerata Orel (Vườn quốc gia Cát Tiên), và Camellia inusitata (Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà). Mỗi loài Trà mi này đều mang vẻ đẹp hấp dẫn riêng và được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Bên cạnh các hoạt động tập huấn, việc tham gia thực hành và nghiên cứu thực địa là một phần không thể tách rời khi đào tạo nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học. Sau khi tham gia phần lý thuyết, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đã được tham quan thực tế quần thể Trà hoa vàng (Camellia bugiamapensis) loài Trà mi đặc hữu tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài ra, Tiến sỹ Lương Văn Dũng đến từ Đại học Đà Lạt trực tiếp chia sẻ phương pháp mới nhân giống Trà mi bằng phương pháp chiết cành, phương pháp giâm hom và phương pháp ghép cành ngay tại thực địa.

Cuộc hội thảo này đã mang lại những kiến thức thực tế và kinh nghiệm hữu ích cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu về công tác bảo tồn và nhân giống phát triển các loài Trà mi tại các khu bảo tồn. Ngoài những kiến thức và kỹ năng về bảo tồn, các cán bộ khoa học còn xây dựng được một mạng lưới đội ngũ khoa học kỹ thuật nhằm trao đổi và phục vụ công tác bảo tồn về áp dụng và triển khai có hiệu quả tại đơn vị mình. Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và mở rộng mạng lưới sẽ được tiếp tục thực hiện tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai -  nơi có loài Camellia luteocerata quí hiếm phân bố để nâng cao kiến thức về các loài Trà mi cho cán bộ bảo tồn vào năm tới.

Tác giả bài viết: Kiều Thị Ánh (Phòng KH và HTQT)