Ghi nhận về một số loài chè tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

NHỮNG GHI NHẬN VỀ MỘT SỐ LOÀI CÂY CHÈ TẠI
VƯỜN QUỐC GIA BÙ GIA MẬP
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở phía Bắc và là điểm cuối cùng địa phận tỉnh Bình Phước tuy nhiên nó lại là điểm khởi đầu của vùng Đông Nam Bộ, là nơi khởi nguồn cung cấp nguồn nước ngọt tự nhiên cho các dòng sông của vùng Nam Bộ. Nếu bạn có dịp về thăm tỉnh Bình Phước mà không nghé thăm VQG Bù Gia Mập thì coi như bạn chưa tìm hiểu những đặc trưng của tỉnh Bình Phước, vì nơi đây có nền văn hóa mang đặc trưng của người dân tộc STiêng, MNông, là dân tộc đại diện cho văn hóa tỉnh Bình Phước và sau này mới có sự giao thoa dần dần với các dân tộc anh em khác về đây sinh sống, ngoài ra còn có Vườn quốc gia Bù Gia Mập, là nơi còn giữ nét hoang sơ, nguyên vẹn của tự nhiên và có tính đa dạng sinh học giàu vào bậc nhất Việt Nam, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Đặc biệt các loài Trà mi phân bố tại VQG Bù Gia Mập là rất độc đáo mà ít nơi có được.
Trà mi hay còn gọi là Chè, nó là những loài thực vật có hoa thuộc họ Chè (Theaceae), đây là chi gần gủi với đời sống con người. Có thể nói Trà đã đi vào đời sống của con người từ rất lâu đời, Trà không còn chỉ là nước uống giải khát thông thường mà đã trở thành nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo (Trà đạo)…, Trà còn được trồng làm cảnh, ứng dụng trong công nghệ thực phẩm, y học…. Hiện nay trên thế giới có khoảng gần 500 loài thuộc 18 chi khác nhau (theo công bố của L.Watson và M.J. Dallwitz), trong đó chi Trà mi (Camellia) có khoảng 100 - 250 loài. Ở Việt Nam, Trà mi được trồng và mọc hoang dại ngoài tự nhiên trải dài từ Bắc vào Nam và có khoảng 68 loài được ghi nhận (Lê Nguyệt Hải Ninh, 2017).
Hồng trà - Camellia longii
Chi Trà mi tại VQG Bù Gia Mập được các nhà khoa học trong nước và ngoài nước vô cùng quan tâm, vì với địa hình là khu vực đại diện duy nhất cho vùng khí hậu chuyển tiếp từ Cao Nguyên xuống đồng bằng Đông Nam Bộ mà không có nơi nào có được, nên các loài thực vật nói chung củng như các loài Trà mi ở đây có nhiều loài rất đặc biệt, mang nhiều giá trị khoa học, bảo tồn và kinh tế... Kết quả nghiên cứu về chi Trà mi đã ghi nhận và cập nhập tạm thời vào danh lục thực vật ở Bù Gia Mập gồm 7 loài, trong đó loài Camellia longii, Camellia bugiamapensis là những loài mới cho khoa học và rất hiếm, có phạm vi phân bố hẹp, tình trạng số lượng cây ít, số cá thể trưởng thành của loài ghi nhận ngoài tự nhiên còn khá ít, nên các nhà khoa học đang xem xét đề nghị đưa loài này vào danh sách những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng mức độ CR (Cực kỳ nguy cấp - IUCN, 2011) và Sách đỏ Việt Nam mức độ Nguy cấp – VU (những loài cần được bảo tồn một cách hiệu quả nhằm tránh nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên).
* Một số loài Trà mi được nghiên cứu mô tả tại VQG Bù Gia Mập.
 - Trà xanh - Camellia sinensis (L.) O.Ktze.: Trà hoặc Chè  là loài phổ biến nhất. Tại VQG Bù Gia Mập các nhà khoa học phát hiện tại khu vực rừng thưa, nơi người đồng bào ngày xưa sinh sống và cho rằng loài trà này không phân bố tự nhiên tại đây mà là do người dân đã đem vào trồng.
 
Chè xanh - Camellia sinensis (L.) O.Ktze
 
Trà hoa đỏ Longii lần đầu tin được phát hiện tại tiểu khu 27, 7 – VQG Bù Gia Mập vào năm 2010. Hình thái cây gỗ nhỡ lâu năm, cao 2,5-4 m. Lá dài 27-31 cm, rộng 6-9 (10,5) cm; phiến lá mỏng, hơi dai, biến đổi, hình elip hẹp đến hình thuôn hẹp. Cuống hoa dài tới 2 cm, rộng 4-5(6) mm. Hoa cô độc, hình elip không đều cho tới hình trứng, không mùi, dài 4,5-5,5 (6) cm, đường kính 3,5-5,5 cm. Nhị hoa nhiều. 
 
Hồng trà - Camellia longii Orel & Luu sp. nov.
Hồng trà - Camellia longii Orel & Luu sp. nov.
 
- Trà hoa vàng bugiamap - Camellia bugiamapensis Orel & Luu sp. Nov:
Trà mi hoa vàng Bugiamap là loài đặc hữu của rừng Bù Gia Mập, được mô tả và công bố một loài hoàn toàn mới cho khoa học vào năm 2014.
Trà mi Bù Gia Mập

Trà mi bugiamap - Camellia bugiamapensis Orel & Luu sp. Nov
Đặc điểm nhận dạng: Cây bụi gỗ nhỏ đến nhỡ, lâu năm, phân cành thưa thớt, cao đến 7 m, đường kính gốc thân cây to đến 20 cm. Chồi non nhẵn, có màu xanh nhạt, sau đó chuyển dần từ xám qua màu nâu, nhẵn. Cành trưởng thành đồng màu. Cuống lá cong hình lưỡi liềm, ngắn và dày từ 1 – 1,5(2) cm x 0,3 -0,5 cm, mép có màu xanh nhạt, gần giữa có màu xanh, ở những lá già hơn thì có màu nâu, thỉnh thoảng có thể bần, như một rãnh dài chạy dọc theo trục bên. Lá non đang phát triển màu xanh nhạt, rất dễ nhận thấy, dường như trơn nhẵn, dạng elip đến ovan và mép lá có răng cưa không đều. Lá trưởng thành hình elip đến ovan, và elip rộng, kích thước từ 18 – 27,5 (29,5) x 12 – 14(15) cm, mép lá có răng cưa bất thường không đều. Hoa dường như hình thuôn, mọc ở tận cùng, đơn độc, thỉnh thoảng mọc theo chùm với 3-5 bông nụ. Hoa chín hoặc già cỗi sắp tàn có sự tương phản mạnh mẽ của cách hoa bị bẻ gập ra bên ngoài để lộ phần nhị đực. Nụ hoa không nhiều lắm, hình cầu không đồng đều, màu vàng tối với những vẩy nổi. Hoa có kích thước 4 x 2(2,5) cm, khi chín nhìn toàn bộ hoa như một cái đấu màu vàng rất đẹp, với 9-11 cánh hoa nổi bật bởi sự bẻ gập cánh hoa và sắp sếp lộn xộn không đều nhau. Nhị đực nhiều màu vàng sáng từ 50 – 100 cái. Quả chín hình cầu không đều nhau. Mùa ra hoa từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Qua khảo sát, nghiên cứu thì vị trí phân bố của loài trong phạm vi khoảng không đến  1 km2 tại vị trí rất đặc trưng tại phía Tây Bắc VQG Bù Gia Mập, cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia 1km. Loài mới này phát triển trong rừng kín mưa ẩm nhiệt đới đất thấp liền kề hệ thống sông suối.
-  Trà đuôi - Camellia caudatum (Wall.)
Tên thường gọi là Trà đuôi, phân bố khá phổ biến tại VQG Bù Gia Mập, thường bắt gặp ở rừng thường xanh trên đồi núi thấp,
Cây gỗ nhỏ cao 2-7 (-10)m, nhánh non mảnh, lúc non có lông, sau nhẵn, màu hồng nâu. Lá thuôn bầu dục, dài 5-11cm, rộng 1,2-3,3cm, tù ở gốc, nhọn có đuôi ở đỉnh, hơi có lông ở mặt dưới và ở mép lá; mép lá khía răng mảnh, đều. Hoa nhỏ xếp 1-2 chiếc ở ngọn; lá đài có lông ngắn ở mặt ngoài, cánh hoa 1cm, màu vàng nhị nhiều, chỉ nhị có lông, bầu có lông, phần vòi tự do xẻ ba. Quả nang hình tròn dài 12-17mm, 1 ô 1 hạt; hạt có đường kính 1-1,2mm, màu nâu. Cây ra hoa từ tháng 4 đến tháng 9 -11 (ảnh 4) .
 
Trà mi hoa đuôi - Camellia caudatum (Wall.)
Trà mi hoa đuôi - Camellia caudatum (Wall.)
 

2. Giá trị của các loài trà mi đối với đời sống con người
Các loài Trà mi nói chung đều có hình thái hoa rất đẹp, được trồng làm cảnh nó còn có tác dụng quan trọng là làm sạch không khí vì nó có thể hấp thụ và giảm bớt những tia bức xạ từ thiết bị điện gia dụng như máy tính, điện thoại… Ngoài giá trị làm cây cảnh thì Trà mi được sử dụng làm nước uống giải khát từ rất lâu đời, đến nay còn được nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe của con người, vì trong các loài Trà mi có chứa khoảng hơn 200 - 400 các hợp chất khác nhau trong đó catechin, các hợp chất polyphenol, flavonoid, hợp chất polysaccharide, axit amin, chất caffeine và vitamin…. Tinh chất trà xanh từ lâu đã được biết đến và sử dụng với vai trò như một chất chống oxy hóa, có tính sát khuẩn nhẹ. Trà xanh cũng giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao. Đối với các vết thương trên da, trà xanh cũng đã được sử dụng rộng rãi hàng thế kỷ qua. Khoa học hiện đại đã chứng minh được các tác dụng của trà xanh trong việc phục hồi thương tổn ngoài da do chúng nó khả năng: Làm dịu vết thương; Sát khuẩn, chống viêm; Làm sạch các tế bào chết, thúc đẩy quá trình tạo hạt và hình thành mô mới tại vết thương…
Chính vì vậy việc nghiên cứu phát hiện và bảo tồn hiệu quả các loài Trà mi phân bố tại VQG Bù Gia Mập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách và cần thiết, nhằm bảo vệ kịp thời những giá trị thiên nhiên quý giá cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau.
Nếu quí khách và các nhà khoa học đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập không nên bỏ lỡ dịp ngắm hoa Trà mi của VQG Bù Gia Mập. Hãy liên hệ với Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế để được hướng dẫn.

Tác giả bài viết: Khương Hữu Thắng