Hoa lan một lá - Loài thực vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập


 
Khi cơn mưa đầu mùa trút xuống những cánh rừng già của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, nó xoa dịu đi sự nóng bức, khô hạn của mùa khô, làm cho đất đai bắt đầu ẩm ướt và mùa khô dần dần nhường chổ cho mùa mưa đến. Lúc này đây, cây rừng bắt đầu cựa mình để sinh trồi, nảy lộc đem mùa sức sống mới cho muôn loài sinh tồn, phát triển, duy trì nòi giống, trong đó loài hoa lan một lá là một trong những loài sinh vật đầu tiên nắm bắt cơ hội này một cách nhanh nhất. Không như những loài cây rừng khác, hoa lan một lá vội vàng nhú những chồi hoa lên khỏi mặt đất để tranh thủ ra hoa, kết quả và sớm đem những hạt giống gieo vào trong đất, rồi sau đó mới ra lá để tổng hợp dinh dưỡng nuôi cây. Hoa lan một lá nở hoa trong vòng thời gian khoảng 5 - 7 ngày rồi lụi tàn nhường chỗ cho lá và quả phát triển, chính vì vậy việc bắt gặp hoa nở trong điều kiện tự nhiên là vô cùng khó khăn, nó đòi hỏi người yêu Hoa lan phải có sự theo dõi tỉ mỉ và cộng với một chút may mắn thì mới có cơ hội được ngắm hoa của loài Hoa lan đặc biệt này.
 Hoa lan một lá bao gồm những loài thực vật thuộc chi lan Nervila, họ Orchidaceae, là một trong loài địa lan có một lá duy nhất trong một vòng đời. Các loài lan Nervilia mọc nơi đất tơi xốp, ẩm độ cao…, chúng mọc cục bộ thành từng đám nhỏ 2m2- 6m2 ở các vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau trên cùng một khu vực. Cây Nervilia  đầu  tiên  được  Roptrostemom  phát  hiện vào năm 1828, ở Việt Nam nó có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng phổ biến và được các nhà khoa học như Giáo sư Trần Hợp gọi là lan “Thanh Thiên Quỳ” , Giáo sư Phạm Hoàng Hộ gọi lan “Trân Châu”, tên lan Diệp Tâm Lan (ghi trong một số tài liệu cây thuốc cổ truyền Việt Nam) và trong dân gian gọi một tên rất giản dị, dễ nhớ đó là “Lan một lá”, đặc biệt người dân tại khu vực xã Bù Gia Mập – tỉnh Bình Phước còn gọi với tên “rau má rừng” vì hình thái lá và cách mọc thành bãi của loài này rất giống cây rau má.
Trên thế giới chi Nervila phân bố rộng từ các vùng nhiệt đới Châu phi, Xrilanka, Châu Á, Đông Nam Á, Úc, các đảo Thái Bình Dương, nhưng số lượng cây rất ít và có khoảng   65 – 80 loài. Tại Việt Nam có khoảng từ 5 đến 8 loài đã được ghi nhận và mô tả. Ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập - tỉnh Bình Phước, cho đến nay kết quả điều tra, nghiên cứu về thành phần các loài hoa lan đã ghi nhận và quy tập trồng bảo tồn thành công được 3 loài hoa lan một lá về “Vườn qui tập hoa lan” gồm: Nervilia gracilis;  Nervilia plicata; Nervilia fordii. Những loài Lan một lá tại VQG Bù Gia Mập thường ra hoa vào cuối tháng 4 dương lịch (chỉ sau 3 -  5 ngày khi có mưa làm ẩm đất), cây lụi tàn vào tháng cuối tháng 9 (khi thời tiết chuyển dịch chuyển dẫn sang mùa khô), chúng ngủ đông trong suốt mùa khô và đợi chờ mùa mưa năm sau để lại bắt đầu một vòng đời mới.
 





HOA LAN MỘT LÁ - TẠI VƯỜN QUỐC GIA BÙ GIA MẬP


* Giá trị của các loài hoa lan một lá (Nervilia)
Theo các tài liệu y học cổ truyền, tài liệu kiến thức bản địa, Nervilia là những loài địa lan có giá trị rất lớn đối với môi trường và con người. Tuy có hoa nhỏ, nhưng rất đẹp về màu sắc và có hình dáng lá, thân rất đặc biệt, thích hợp cho việc nuôi trồng làm cây cảnh trang trí trong nhà, bàn làm việc. Ngoài ra nó cung cấp nguồn gen cho công tác nghiên cứu lai ghép tạo ra những giống lan mới… Đặc biệt nó còn có giá trị rất lớn về dược liệu, theo cuốn Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi) thì có nhiều loài sử dụng làm thuốc trong y học dân gian. Trong 3 loài phân bố tại VQG Bù Gia Mập thì có 2 loài được người dân địa phương và các tài liệu về cây thuốc ghi nhận sử dụng làm thuốc gồm loài Nervilia fordii và Nervilia plicata: Ở nước ta đồng bào dân tộc miền núi thường sử dụng lá làm thuốc giải độc, nhất là ngộ độc nấm; dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, thuốc bổ và mát phổi, chữa lao phổi, ho; trị mụn nhọt, sát trùng, diệt khuẩn vết thương…. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị ho lao phổi, viêm phế quản; viêm miệng, viêm họng cấp tính, tạng lao; trẻ em hấp thụ kém và nuôi dưỡng kém; rối loạn kinh nguyệt; đòn ngã tổn thương, viêm mủ da….
Chính vì chúng có rất nhiều giá trị trong nuôi trồng làm cảnh, trong bài thuốc y học dân gian…., nên hiện nay đang bị khai thác một cách quá mức. Đặc biệt trong những năm qua việc các thương lái người Trung Quốc thường xuyên săn lùng mua về làm thuốc, dẫn đến loài lan một lá ngày càng suy giảm nghiêm trọng hơn và có nguy cơ biến mất ngoài tự nhiên ở nhiều địa phương. Để bảo tồn những loài hoa lan một lá quý hiếm này, trong những năm qua VQG Bù Gia Mập đã không ngừng thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân địa phương cùng tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học cho khu vực. Đồng thời thực hiện điều tra, quy tập và nghiên cứu phương pháp nuôi trồng để nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn cho các loài thực vật nói chung, những loài hoa lan một lá nói riêng.
Loài hoa lan một lá là loài có hoa rất đẹp, cây có sức sống khá mảnh liệt tuy nhiên số lượng cây ngoài tự nhiên rất hiếm, quy trình nuôi trồng nhân tạo là rất khó khăn, trong khi đó ngoài môi trường tự nhiên loài này đang dần mất đi, do môi trường sinh sống bị thu hẹp, nạn khai thác trộm quá mức…, dẫn đến loài đang có nguy cơ có thể không còn ngoài tự nhiên. Chính vì vậy nếu như chúng ta bắt gặp ở đâu đó loài này thì nên liên hệ với các cán bộ VQG Bù Gia Mập để được hỗ trợ về phương pháp, phương án nuôi trồng và bảo tồn một cách hiệu quả nhất.
                                                            
 

Tác giả bài viết: Khương Hữu Thắng