Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam: Ngôi nhà chung của những người làm bảo tồn

 
 Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội), tiền thân là Phân hội các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, được thành lập ngày 24 tháng 2 năm 1995 và được nâng cấp thành Hiệp hội tại Quyết định số 1281/QĐ-BNV ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Bộ Nội vụ.
 
Hiệp hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được thành lập nhằm tăng cường sự hợp tác, chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động quản lý của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các Hội viên; đào tạo nâng cao năng lực; triển khai các đề tài, dự án và nghiên cứu khoa học; là cơ quan đầu mối giữa các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên với các cơ quan nhà nước góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và tư vấn phản biện xã hội.
Trong quá trình hoạt động, công tác phát triển tổ chức được Hiệp hội chú trọng nhằm phát triển mạng lưới Hội viên, các Trung tâm và Chi hội trực thuộc. Thành viên Hiệp hội bao gồm các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, các Trung tâm trực thuộc và các cá nhân là các nhà khoa học, giảng viên Đại học và những người yêu thích bảo tồn thiên nhiên.
Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tập trung vào một số hoạt động trọng tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác tư vấn và phản biện xã hội của Hiệp hội góp phần tích cực vào hoạt động bảo tồn tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Hiệp hội và các thành viên tích cực tham gia vào hoạt động tư vấn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến các Khu bảo tồn thiên nhiên như chính sách đầu tư và phát triển vùng đệm, Luật Lâm nghiệp, Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn, Chương trình hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng... Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tham gia ý kiến phản biện đối với các dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam (Dự án Tam Đảo 2 tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Dự án phát triển Du lịch của Công ty Yến Long tại Vườn quốc gia Bái Tử Long và Dự án tại Khu bảo tồn Easô) thông qua việc gửi thư góp ý đến Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, tham gia các Hội thảo chuyên đề và trao đổi thông tin với các cơ quan truyền thông. Đồng thời, Hiệp hội cũng tham gia hỗ trợ một số Hội viên trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch và Đề án phát triển Du lịch sinh thái tại một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn.
Hội thảo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (25-27/11/2010) do FAO tài trợ
 
Nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Hiệp hội đã chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ để tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các hội viên. Các khóa tập huấn của Hiệp hội được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia và địa phương như Chương trình nâng cao năng lực do Tổ chức JICA tài trợ (từ năm 2006 đến năm 2008), các chương trình tập huấn cho các Vườn Quốc gia  Bái Tử Long, Xuân Thủy, Bidoup-Núi Bà, Bạch Mã... Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề  ưu tiên trong công tác bảo tồn thiên nhiên như  giáo dục môi trường, du lịch sinh thái, phát triển vùng đệm phù hợp với mục tiêu bảo tồn, quản lý Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, sử dụng công cụ giám sát đa dạng sinh học như Phần mềm giám sát và báo cáo không gian (SMART).
Tổ chức tập huấn về SMART cho 05 Khu bảo tồn của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam thuộc Dự án Trường Sơn Xanh năm 2018
 
Ngoài các hoạt động nêu trên, Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã  rất tích cực trong các hoạt động triển khai và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chia sẻ thông tin thông qua Trang mạng của Hiệp hội, tổ chức và tham gia các Hội thảo chuyên đề có liên quan đến các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, tổ chức gặp gỡ hàng năm với các Hội viện tại các Hội nghị giao ban các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, Hiệp hội  tích cực kết nối và tăng cường sự hợp tác với các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu quả của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam như các Tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nhà nước có liên quan và tổ chức quốc tế.
Phối hợp cùng các giảng viên Trường Đại học Tokyo Nhật Bản nghiên cứu về hoạt động du lịch và bảo tồn tại Vườn quốc gia Bái Tử Long (2008)
 
Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên qua các kỳ Đại hội
Sự hình thành và phát triển của Hiệp hội được đánh dấu bằng các kỳ đại hội. Ngày 24 tháng 2 năm 1995, Đại hội thành lập Phân hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam trực thuộc Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội có thể được xem là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự hình thành của Hiệp hội vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Phân hội đã tổ chức tiếp một kỳ đại hội tiếp theo vào năm 2000 cho Nhiệm kỳ 2000-2005. Lãnh đạo Phân hội trong suốt thời gian từ 1995-2006 là ông Nguyễn Đức Kháng - Chủ tịch, ông Nguyễn Bá Thụ - Phó chủ tịch và ông Lê Văn Lanh là Tổng thư ký.
Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ 2006-2012 ngày 29/11/2006 tại Hà Nội
 
Được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Khoa giáo trung ương, Bộ Nội vụ, Đại hội Hiệp hội vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 29 tháng 11 năm 2006. Đây là đại hội thành lập, đánh dấu bước phát triển độc lập và mạnh mẽ của Hiệp hội. Lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ 2006-2012 gồm ông Nguyễn Bá Thụ - Chủ Tịch; ông Nguyễn Đức Kháng- Phó chủ tịch Thường trực, ông Hà Công Tuấn và ông Trần Văn Mùi là phó chủ tịch, ông Lê Văn Lanh là Tổng thư ký.
 
Đại hội Nhiệm kỳ 2012-2017 của Hiệp hội được tổ chức ngày 24 tháng 08 năm 2012. Trong cuộc họp của Ban chấp hành Hiệp hội cùng ngày đã bầu ra các vị trí Lãnh đạo của Hiệp hội trong nhiệm kỳ bao gồm ông Nguyễn Hữu Dũng- Chủ tịch, ông Lê Văn Lanh – Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký, ông Trần Thế Liên và ông Trần Văn Mùi là phó chủ tịch.
Ông Hà Công Tuấn (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhiệm kỳ 2006-2012): phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Nhiệm kỳ 2012-2017 ngày 24/11/2012 tại Hà Nội
 
Đại hội đại biểu toàn quốc của Hiệp hội sẽ được tổ chức vào ngày 8 tháng 6 năm 2018 để bầu ra Ban chấp hành Nhiệm kỳ 2018-2023 và xây dựng Nghị quyết Đại hội. Định hướng hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ tới là phát triển toàn diện các hoạt động Hiệp hội nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa hoạt động của các Hội viên và kịp thời giải quyết các thách thức của sự nghiệp bảo tồn trong giai đoạn mới.
 
Trong 24 năm qua, với sự đóng góp nhiệt tình của các thế hệ Lãnh đạo và của tất cả Hội viên, Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên đã đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn. Trong thời gian tới, Ban chấp hành Hiệp hội cùng toàn thể Hội viên quyết tâm phấn đấu nhằm duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được, để Hiệp hội thực sự trở thành ngôi nhà chung của những người làm bảo tồn.
 
 
 

Tác giả bài viết: Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam