Động vật Việt Nam trong “danh sách tử thần”

SGTT.VN - Ngày 11.9 vừa qua, hội Động vật London (Zoological Society of London – ZSL) và tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature – IUCN) đã công bố danh sách 100 loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Trong danh sách này, Việt Nam có sáu loài. Xin gửi tới bạn đọc một số thông tin cơ bản về những loài xấu số này.
Động vật Việt Nam trong “danh sách tử thần”

Cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei): lớn thân vận mỏng

 

Cá vồ cờ. Ảnh TL

 

Loài cá da trơn nước ngọt có kích thước rất lớn này từng được bắt ở đồng bằng sông Cửu Long với trọng lượng tới 200kg. Vồ cờ có đầu dẹp, bằng, miệng cận dưới không co duỗi được, rộng ngang và có hình vòng cung nằm trên mặt phẳng ngang. Răng nhỏ mịn, răng lá mía kết hợp thành một đám, chiều rộng trước và sau tương đương. Lỗ mũi sau gần lỗ mũi trước hơn gần mắt, nằm trên đường thẳng kẻ từ lỗ mũi trước đến bờ trên của mắt. Râu cằm ngắn hơn râu mép. Phần trước thân có tiết diện tròn và phần sau dẹt. Cuối đuôi thon dài vây lưng có tia vây lưng kéo dài về phía đuôi rất rõ và có răng cưa hướng xuống gốc vi. Loài này sống chủ yếu ở vùng sông Mekong và là loài rất hiếm. Mặc dù vậy, vồ cờ chưa được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và các nghị định nhằm bảo vệ chúng ở Việt Nam.

Rùa hồ Gươm (Rafetus swinhoei): hiền quá hoá hại

 

Rùa hồ Gươm. Ảnh: TL

 

Đây là loài rùa mai mềm sống ở nước ngọt lớn nhất thế giới phân bố ở Việt Nam. Mai dẹp có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật. Xương sống đầu tiên ngăn cách đôi xương sườn thứ nhất. Có bảy xương sống, xương thứ bảy nhỏ tiếp xúc với đôi xương sườn thứ sáu và bảy, đôi khi có xương sống thứ tám rất nhỏ, tách biệt hẳn với xương sống thứ bảy. Đôi xương sườn thứ tám tiêu giảm rất nhỏ và tiếp xúc nhau gần như hoàn toàn, nhưng đường tiếp xúc này nằm lệch so với đường giữa mai. Xương mai có nhiều vết rỗ tròn. Mai màu xanh nâu hoặc nâu đen (ở các mẫu khô ở Việt Nam), mẫu chuẩn lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh có những đốm vàng và nhiều chấm vàng nhỏ xen giữa (đôi khi tạo thành vòng tròn bao quanh đốm lớn hoặc xếp thành các sọc). Các điểm này thường thấy rõ dọc theo phần trước của hai riềm mai. Yếm chỉ có hai chai không phát triển ở vùng xương ức và xương ngực. Các xương trước yếm tách biệt và các xương đòn tạo thành góc vuông với đường giữa yếm. Yếm màu xám hoặc trắng đục.

Loài rùa này thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Tuy kích cỡ lớn nhưng chúng không dữ như loài ba ba mà chậm chạp, không cắn người. Hiện loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis): vừa phát hiện đã sắp biến mất

 

Sao la. Ảnh: Toon Fey (WWF)

 

Thân cỡ lớn, dài tới 1,3 – 1,5m, trọng lượng: 80 – 120kg. Đầu màu nâu sẫm có những vạch trắng hoặc đen nhạt. Mặt nâu sẫm hay nâu đỏ nhạt, cả đực và cái đều có các sọc trắng ở trên và dưới mắt, nhiều vạch trắng ở cằm và cổ. Mặt sau tai màu nâu, mặt trước tai trắng nhạt, chóp tai có túm lông dài màu trắng. Phần lưng màu nâu, hai bên sườn có vạch trắng nhạt phân cách lưng với các chân màu đen nhạt. Bộ lông mềm mượt có các vòng xoáy ở giữa mũi, hai bên cổ và hai vai. Ngay trên móng guốc có vòng trắng ở cả bốn chân. Cả đực và cái đều có sừng dài, gần như thẳng, không phân nhánh, mút sừng nhọn, nhẵn bóng, lõi sừng kéo dài tới mút sừng. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây rừng.

Đây là loài thú mới phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1992. Chúng thích nghi với các vùng rừng núi cao, là đối tượng phục vụ cho du lịch sinh thái. Vùng phân bố hạn hẹp, số lượng không nhiều, lại bị săn bắn và bẫy bắt, vùng sinh sống bị xâm hại và ngày càng thu hẹp do phá rừng làm nương rẫy nên sao la đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi): nguy vì đẹp mã

 

Gà lôi lam mào trắng. Ảnh: Phùng Mỹ Trung

 

Con trống trưởng thành có màu xanh lam thẫm. Mào lông ở trên đỉnh đầu màu trắng. Lông ở lưng, cánh, bao cánh và đuôi đen với mép lông màu lam ánh thép. Đôi lông đuôi ở giữa nhọn, ngắn dần ở các đôi tiếp theo. Da mặt đỏ tía, mắt màu đỏ da cam, mỏ lục vàng nhạt hay màu sừng. Chân đỏ tía. Lần đầu tiên được phát hiện trên vùng rừng thứ sinh rậm rạp thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, trên độ cao 50 – 200m.

Đây là loài đặc hữu của Việt Nam. Kết quả điều tra, nghiên cứu từ năm 1988 đến nay cho thấy các vùng rừng trong khu vực phân bố lịch sử của chúng đã bị huỷ hoại nghiêm trọng trong chiến tranh, và bị khai thác quá mức sau này. Đang bị đe doạ do nạn săn bắt, nuôi làm cảnh và buôn bán trái phép. Gà lôi lam mào trắng đã được coi là loài hiếm của họ trĩ, số lượng ít, vùng phân bố hẹp và đang được quan tâm bảo tồn đặc biệt.

Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus): khôn cũng chết

 

Voọc mũi hếch. Ảnh: Lê Khắc Quyết

 

Loài voọc này bộ lông màu nâu đen hoặc đen. Lông trên đầu và quanh mặt màu trắng nhạt. Không có mào lông trên đỉnh đầu. Vùng bụng, mắt, chi trước và chi sau có màu trắng nhờ, mảng lông trắng này kéo chùm ra phía bên ngoài khuỷu tay. Đuôi dài hơn thân, lông xù. Con non mới đẻ lông vàng nhạt, khi lớn chuyển màu như voọc trưởng thành. Thức ăn chủ yếu là chồi non, lá và quả. Thường sống ở những rừng có nhiều cây gỗ cao trên đỉnh núi đất, dưới thung lũng và trên núi đá có độ cao 200 – 1.200m.

Đây là một trong những linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên trái đất. Hiện chúng chỉ phân bố tại khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, khu bảo tồn thiên nhiên Chạm Chu (tỉnh Tuyên Quang), khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca, và khu rừng Tùng Vài (tỉnh Hà Giang). Đang bị đe doạ bởi các hoạt động săn bắn trái phép và sinh cảnh bị suy giảm nghiêm trọng.

Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus): chỉ còn trong sách

 

Tê giác một sừng. Chụp bằng bẫy ảnh ở vườn quốc gia Cát Tiên.

 

Đã từng sinh sống ở khu vực rừng Cát Lộc – vườn quốc gia Cát Tiên và là biểu tượng của vườn quốc gia này, cá thể cuối cùng của loài được phát hiện chết trong rừng vào năm 2010. Sau nhiều điều tra, nghiên cứu, quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tuyên bố loài này đã tuyệt chủng tại Việt Nam.

Tê giác một sừng có thể dài tới 3m, nặng trên hai tấn. Thị giác kém phát triển. Sừng trên mũi (thường chỉ có ở con đực), do biểu bì tạo thành nên không gắn liền với xương sọ mà gắn với lớp biểu bì. Da dày và cứng, lông rất thưa với ba nếp gấp sâu và nhiều nếp gấp nhỏ chia bề mặt da thành nhiều mảnh. Lưng và hai bên hông màu xám sẫm, bụng hơi đỏ. Chân to, bàn chân ba ngón với móng guốc hình bán nguyệt, móng giữa to hơn hai móng bên. Tê giác sống đơn độc trong rừng già ở những nơi sâu kín ít người qua lại, gần các sình lầy ẩm ướt để chúng có thể ngâm mìmh trong bùn nước.

Hiện nay, chỉ còn tồn tại một quần thể nhỏ không quá 100 cá thể ở vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java, Indonesia.

HOÀNG MINH ĐỨC – PHÙNG MỸ TRUNG

Tác giả bài viết: VĐH ST