Xử phạt 15 triệu đồng đối với hai đối tượng có hành vi săn bắt động vật rừng trái pháp luật tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Việc xử phạt hành chính sẽ răn đe các đối tượng vi phạm lâm luật đồng thời góp phần vào công tác bỏ tồn đa dạng sinh học trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực vùng sâu và cũng là nơi cư trú của các cộng đồng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong thời điểm mùa mưa, điều kiện kinh tế của người dân địa phương càng khó khăn gấp bội. Vì vậy, nhiều người vẫn bất chấp những quy định của pháp luật và xâm nhập rừng để săn bắn trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng sinh học trong lâm phần Vườn.

Trong tháng 9 năm 2021, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã bắt giữ 02 đối tượng vi phạm lâm luật. Hai đối tượng này đều thực hiện hành vi săn bắn trái phép động vật hoang dã. Những người này đều là người dân tộc tại chỗ và cư trú trên địa bàn các xã vùng đệm của Vườn.

Ngày 08 tháng 9 năm 2021, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Điểu Thức về hành vi vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng. Điểu Thức sinh năm 2001 và là người dân tộc tại chỗ có hộ khẩu thường trú tại thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Khi bị bắt, đối tượng đã thực hiện hành vi xâm nhập vào rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập săn bắt một cá thể khỉ đuôi lợn trái pháp luật.


Đối tượng Điểu Thức cùng tang vật là cá thể khỉ đuôi lợn

Ngày 14 tháng 9 năm 2021, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Điểu Pa Lơn sinh năm 1984. Đối tượng trú tại thôn Bù Khơn, xã Đắk ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và đã săn bắt một cá thể động vật rừng (Nhím) trái pháp luật trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tổng hình phạt vi phạm hành chính cho cả hai đối tượng này là 15 triệu đồng.


Đối tượng Điểu Pa Lơn và một cá thể nhím đã chết

Việc xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật góp phần vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.  Các đối tượng là người dân tộc và thực hiện hành vi vi phạm vào thời kỳ thiếu đói nhất trong năm cho thấy cần phải có sự nỗ lực trong công tác tuần tra bảo vệ rừng đồng thời tìm các giải pháp góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân sống trong vùng đệm. Bằng việc thực thi pháp luật kết hợp với cải thiện sinh kế của người dân sẽ đảm bảo được các mục tiêu lâu dài của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Tác giả bài viết: Phạm Tuấn Thực (Bộ phận Pháp chế - Thanh tra hạt Kiểm Lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập)