Chức năng và nhiệm vụ của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Thứ sáu - 31/07/2020 10:37
Theo quyết định số 62/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ngày 18 tháng 11 năm 2011 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Ban Quản lý Vườn có chức năng bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, duy trì tác dụng phòng hộ bền vững của rừng. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái, giáo dục môi trường và đầu tư phát triển vùng lõi và vùng đệm của Vườn.
Ngày 27 tháng 11 năm 2002, Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 170/QĐ-TTg về việc chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập thành vườn quốc gia nhằm bảo tồn hữu hiệu hệ sinh thái rừng thường xanh và bán thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1000 m so với mực nước biển. Kể từ ngày thành lập, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang kiện toàn cơ cấu tổ chức nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, và UBND tỉnh Bình Phước giao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần vườn. Ban quản lý Vườn quốc Gia Bù Gia Mập luôn căn cứ vào các chức năng và nhiệm vụ được giao để bảo vệ hữu hiệu nguồn tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Theo quyết định số 62/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ngày 18 tháng 11 năm 2011 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Ban Quản lý Vườn có chức năng bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, duy trì tác dụng phòng hộ bền vững của rừng. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái, giáo dục môi trường và đầu tư phát triển vùng lõi và vùng đệm của Vườn.
Cũng theo quyết định này, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập:
1. Bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của Vườn.
a) Bảo tồn nguồn gen quý hiếm của hệ động thực vật, các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm thường xanh - rừng lá trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam bộ;
b) Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố tự nhiên;
c) Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn tính đa dạng sinh học.
2. Phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, sinh vật ngoại lai xâm hại rừng. Ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan.
3. Xây dựng các dự án đầu tư phát triển Vườn quốc gia và vùng đệm Vườn quốc gia, tổ chức thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
4. Tổ chức nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ công tác bảo tồn.
a) Tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển động thực vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động thực vật quý hiếm đặc biệt nguy cấp;
b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Vườn;
c) Xây dựng chương trình kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn, phát triển các nguồn gen động, thực vật;
đ) Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn phát triển tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế khi được cấp trên phê duyệt.
5. Tổ chức thực hiện dịch vụ môi trường.
a) Xây dựng, bảo vệ quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái của Vườn và tổ chức thực hiện, tạo nguồn thu để hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Tổ chức liên doanh, liên kết cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và được sự đồng ý của UBND tỉnh.
6. Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình tuyên truyền giáo dục cho nhân dân địa phương về đa dạng sinh học và pháp luật về bảo vệ rừng. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng lõi và vùng đệm của rừng.
7. Nghiên cứu xây dựng mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, nông, ngư ở vùng đệm, mô hình du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.
8. Tổ chức họp giao ban về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hàng quý với UBND các xã giáp ranh, các Nông lâm trường, các đơn vị đang đứng chân trên địa bàn, để bàn bạc, thống nhất các phương án phối kết hợp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng hiệu quả nhất.
9. Quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương, chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Vườn theo quy định của pháp luật.
10. Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản, vật tư, kinh phí nhà nước được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
11. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất với UBND tỉnh về các nhiệm vụ được giao.