Đề tài “Điều tra tổng thể đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập” được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt theo quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 30/11/2010 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ năm 2010. Đơn vị chủ trì đề tài Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, đơn vị phối hợp Trung tâm đa dạng và phát triển thuộc Viện Sinh học nhiệt đới nay là Viện Sinh thái học Miền Nam, chủ nhiệm đề tài Thạc sỹ Vương Đức Hòa Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Qua hai năm thực hiện, ngày 01 tháng 11 năm 2012, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù gia Mập đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả Đề tài. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia về động vật, thực vật và sinh thái rừng thuộc Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE), Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà quản lý thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước, Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia , cùng toàn thể nhóm nghiên cứu đề tài…vv.
Mục tiêu chính của đề tài:
1. Điều tra đa dạng sinh học một số nhóm loài của Vườn quốc gia Bù Gia Mập;
2. Sưu tập và bảo quản mẫu thực vật và động vật, nấm cho Vườn quốc gia Bù Gia Mập phục vụ nghiên cứu Khoa học, quy hoạch bảo tồn, trưng bày giới thiệu cho hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường;
3. Nâng cao năng lực cho cán bộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập trong nghiên cứu đa dạng sinh học.
Theo báo cáo kết quả đề tài của Chủ nhiệm đề tài : Đề tài đã thiết lập được 14 tuyến điều tra, tổng chiều dài các tuyến là 150,2km, trong đó tuyến điều tra chính là 110,2 km, tuyến phụ là 40km. Các tuyến điều tra ghi nhận các loài, thu thập mẫu vật được thiết kế đi qua các kiểu địa hình, các trạng thái rừng và các sinh cảnh của các loài động, thực vật rừng. Công tác điều tra được tiến hành mỗi năm theo hai mùa, mùa khô và mùa mưa, theo thời gian cả ban ngày và ban đêm tùy theo tập tính của các đối tượng điều tra. Kết quả của đề tài đạt được như sau;
Ảnh: buổi hội thảo đề tài điều tra tổng thể đa dạng sinh học tại VQg Bù Gia Mập
Ảnh: Đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Về thực vật: Đã hoàn thành báo cáo chuyên đề thực vật: Đã thu thập, xử lý, bảo quản và giám định tên 300 loài thực vật, gồm cây gỗ lớn và khuyết thực vật. Cập nhật và danh lục các loài thực vật. Theo đó số loài thực vật của Vườn quốc gia hiện nay là 1.117 loài, thuộc 475 chi, 127 họ, 59 bộ, 5 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 06 loài thực vật có tên trong danh sách các loài nguy cấp quý hiếm ban hành theo nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/03/2006 của Chính Phủ; 17 loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007); 19 loài thực vật nằm trong sách đỏ thế giới IUCN năm 2012 như: Gõ đỏ, cẩm lai, trầm hương, giáng hương …vv.
Gõ đỏ - Một loài thực vật quý hiếm tại VQg Bù Gia Mập
Về động vật: - Nhóm thú: Hoàn thành báo cáo chuyên đề thú, Cập nhật và lập danh lục các loài thú theo đó danh mục thú hiện tại 105 loài thú thuộc 29 họ, 12 bộ. Trong đó có 39 loài thú có tên trong danh sách các loài nguy cấp quý hiếm ban hành theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/03/2006 của Chính Phủ, 36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007, phần động vật); 32 loài có tên trong Danh lục đỏ của IUCN năm 2012 như: Voi, hổ, Báo hoa mai, Bò tót, Gấu, Sói đỏ, Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly ….vv. Thu 05 mẫu vật các loài thú.
- Nhóm chim: Đã hoàn thành báo cáo chuyên đề chim , cập nhật và lập danh luch chim, qua đó tổng số loài chim tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là: 246 loài, thuộc 56 họ, 16 bộ. Trong đó có 17 loài chim có tên trong danh sách các loài chim nguy cấp quý hiếm ban hành theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, ngày 30/03/2006 của Chính Phủ, 10 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam (2007, phần động vật); 05 loài có tên trong Danh lục đỏ của thế giới IUCN (2012) như: Gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, Hồng hoàng, công, diều cá bé. Thu 04 mẫu tiêu bản chim.
- Nhóm lưỡng cư, bò sát: Đã lập báo cáo chuyên đề Lưỡng cư – Bò sát, cập nhật và lập danh lục được 86 loài. Trong đó lưỡng cư có 28 loài, thuộc 8 họ, 02 bộ. Bò sát có 58 loài, thuộc 14 họ, 02 bộ. Có 10 loài Bò sát - Ếch nhái nằm trong danh sách các loài nguy cấp quý hiếm ban hành theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính Phủ, 16 loài Bò sát - Ếch nhái có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007, phần động vật), 08 loài có tên trong Danh lục đỏ của IUCN (2012). Thu mẫu 20 loài ếch nhái, 30 loài bò sát
Một số hình ảnh về lưỡng cư - bò sát ở VQG Bù Gia Mập
- Nhóm cá: Qua nghiên cứu đã xác định được 31 loài cá, thuộc 14 họ, 06 bộ. Hoàn thành báo cáo chuyên đề cá
- Nhóm côn trùng: Qua nghiên cứu đã ghi nhận, cập nhật danh lục 289 loài côn trùng, thuộc 55 họ, 09 bộ. Báo cáo chuyên đề côn trùng.
Hình ảnh về một số loài bướm ở VQg Bù Gia Mập
- Nhóm Nấm: Điều tra ghi nhận 71 loài Nấm lớn thuộc 25 họ, 03 bộ, 03 ngành nấm. Báo cáo chuyên đề nấm
Ngoài ra đề tài đã Điều tra phỏng vấn về nhu cầu sử dụng các loài động, thực vật của 150 hộ, thuộc 3 xã vùng đệm; Thiết lập Modul liên kết dữ liệu các loài động vật, thực vật, nấm vào Website của Vườn phục vụ cho việc tra cứu thông tin đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia; Xây dựng bản đồ phân bố các loài động vật, thực vật quý hiếm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập phục vụ cho công tác quản lý, công tác tuần tra bảo vệ. Đồng thời báo cáo của đề tài cũng đưa ra các kiến nghị đối với Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, UBND tỉnh Bình Phước về các biện pháp trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh các loài động vật rừng, thực vật rừng đặc biệt là các loài quý hiếm và nâng cao năng lực về bảo tồn thiên nhiên cho đội ngũ cán bộ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Kết quả của đề tài đã ghi nhận số loài nhiều hơn các nghiên cứu trước rất nhiều là nhóm lưỡng cư, bò sát, chim, thú. Đặc biệt ghi nhận một số loài động vật, thực vật mới cho Việt Nam như loài Thằn lằn ngón Bù Gia Mập, Loài Trà hoa vàng mang tên Bù Gia Mập và loài ếch giun và nhiều loài thực vật đang chuẩn bị được công bố trên tạp chí khoa học của quốc tế.
Đánh giá của các nhà khoa học, các nhà quản lýCác chuyên gia, các nhà quản lý đã đánh giá cao kết quả đề tài, và sự nỗ lực của nhóm thực hiện đề tài. Kết quả của đề tài đáp ứng đầy đủ các mục tiêu của bản đề cương thuyết minh, sản phẩm của đề tài đạt chất lượng, báo cáo đầy đủ các phương pháp, nội dung nghiên cứu, hình ảnh chụp và mẫu vật thu thập đạt theo tiêu chuẩn. Các chuyên gia, nhà quản lý cũng đưa ra khuyết nghị: Nhóm chủ nhiệm đề tài cần đề nghị với UBND tỉnh Bình Phước trang bị phòng bảo quản mẫu, trang thiết bị cho phòng bảo quản, đào tạo cán bộ phục vụ phòng bảo quản mẫu để bảo vệ số mẫu vật để tránh hư hại. Kinh phí để thiết kế in ấn 02 cuốn sách mô tả về 100 loài động vật, thực vật để phục vụ nghiên cứu, du lịch sinh thái. Ngoài ra Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cần tiếp tục đề xuất xin tài trợ ở trong và ngoài nước để nghiên cứu sâu hơn về các nhóm loài động, thực vật quan trọng và quý hiếm, nhằm duy trì và bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học quý báu của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Các chuyên gia thăm quan và chụp ảnh một số tiêu bản của đề tài.