Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Tin công nghệ

Sử dụng bẫy ảnh kỹ thuật số trong công tác nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ tư - 26/08/2020 19:28
Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập được các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật có giá trị về mặt khoa học và giá trị bảo tồn. Với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, việc áp dụng các phương pháp điều tra và giám sát để đánh giá một cách chính xác nguồn tài nguyên này luôn là một trong những nhiệm vụ được chú trọng để bảo tồn tính đa dạng sinh học của Vườn. Trong những năm qua, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập luôn đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn và được thực hiện điều tra và giám sát hàng năm. Số lượng các loài động hoang dã (ĐVHD) trong lâm phần được ghi nhận tăng lên đáng kể theo hàng năm, nhưng phần lớn thông tin thu thập được thiếu độ tin cậy và các bằng chứng thiếu thuyết phục từ điều tra phỏng vấn hay tài liệu cũ. Bên cạnh đó, nhiều loài động vật hoạt động vào ban đêm hoặc rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người cản trở việc ghi nhận hình ảnh và các dấu vết nên khó để khẳng định về sự hiện diện của loài trong lâm phần Vườn. Vì vậy, các cán bộ của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập đã tiến hành cài đặt bẫy ảnh hồng ngoại để ghi nhận và khẳng định sự hiện diện các loài động vật hoang dã trong lâm phần Vườn. Nhờ các bẫy ảnh này, chúng tôi đã ghi nhận và khẳng định sự hiện diện của một số loài thú nguy cấp, quí, hiếm, có giá trị bảo tồn cao đã được các chuyên gia nghiên cứu, ghi nhận trước đây. Đây là cơ sở để Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập xây dựng và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn các loài ĐVHD trong lâm phần Vườn.

Loại bẫy ảnh kỹ thuật số (KTS) được các cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập sử dụng hiện nay là loại bẫy ảnh hồng ngoại nhãn hiệu Bushnell Trophy Cam 8.0. Loại bẫy ảnh này được thiết kế với camera có độ phân giải 8.0 Megapixel, có thể ghi nhận được hình ảnh với chất lượng rõ nét. Máy sử dụng 8 pin tiểu AA và nếu sử dụng loại pin có thương hiệu tốt thì thời gian đặt máy ở trong rừng có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Bushnell Trophy Cam là loại bẫy ảnh KTS có sử dụng các loại thẻ nhớ với dung lượng có thể lên đến từ vài chục cho đến hàng trăm Gigabyte (Gb). Loại bẫy ảnh này rất nhỏ gọn, có 2 chức năng là chụp hình và quay phim tự động và có thể hoạt động trong những điều kiện nhiệt độ khắc nhiệt từ từ -21°C tới 60°C.


Bẫy ảnh hiệu Bushnell Trophy Cam 8.0  (https://www.tinduc.vn)      
 
Để có thể ghi nhận được những hình ảnh về các loài ĐVHD trong rừng tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, công tác khảo sát thực địa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực tham gia đến các hoạt động thực địa. Trong mỗi đợt công tác, các cán bộ kỹ thuật của Vườn thường đi theo nhóm từ 2 – 3 người để đảm bảo thực hiện được nhiều hoạt động đồng thời trong mỗi chuyến đi. Đầu tiên, nhóm công tác sẽ tiến hành khảo sát hiện trường để xác định những khu vực mà các loài động vật hoang dã thường hoạt động hoặc ngủ và nghỉ (kiếm ăn, uống nước, ăn muối khoáng, và các hoạt động ngủ, nghỉ khác). Những khu vực này thường là các điểm muối khoáng, các bãi sình lầy hiện có trong lâm phần Vườn, hoặc các viên đá liếm nhân tạo được các cán bộ kỹ thuật của Vườn đặt để bổ sung nguồn thức ăn cho động vật. Đó chính là những vị trí tốt để thiết lập bẫy ảnh ghi nhận về sự hiện diện của chúng. Tại những điểm này, chúng tôi thường thiết lập nhiều bẫy ảnh cùng lúc và đặt trong thời gian khoảng vài tháng.

Các thiết bị cần thiết mỗi khi tiến hành đặt bẫy ảnh bao gồm:
  •  Bẫy ảnh và sợi dây để buộc đính bẫy ảnh vào thân cây hoặc buộc vào một cái cọc (búa và kìm cắt dây trong trường hợp cần thiết);
  •  Thẻ nhớ và pin;
  •  Máy định vị GPS cầm tay để xác định vị trí đặt bẫy ảnh;
  •  Máy ảnh KTS cầm tay để ghi nhận hình ảnh sinh cảnh tại khu vực đặt bẫy ảnh và kiểm tra hình ảnh ghi nhận từ bẫy ảnh trước khi rời khu vực đặt bẫy;
  •  Mẫu biểu ghi chép thông tin tại vị trí đặt bẫy ảnh (số hiệu máy, vị trí đặt máy, ngày đặt máy, mô tả sinh cảnh tại vị trí đặt máy, tên người ghi chép, ...);
  •  Một số thiết bị ngụy trang cho bẫy ảnh và mồi nhử (trường hợp nếu cần thiết).
Tại những vị trí mà bẫy ảnh có nguy cơ bị lấy trộm hoặc bị các loài thú làm hư hại thì nên ngụy trang cho máy và có thể thiết kế một cái hộp kim loại để bỏ máy vào trong đó và khóa máy vào một thân cây to bằng một loại khóa chuyên dụng.

Phương pháp thiết lập bẫy ảnh để ghi nhận ĐVHD trong rừng tự nhiên:

Trong quá trình thực hiện các hoạt động thực địa, chúng tôi luôn nghiên cứu một cách chi tiết về vị trí và điều kiện hiện hữu để đưa ra các giải pháp về số lượng cũng như phương pháp đặt máy phù hợp nhằm thu thập được số liệu chính xác và hiệu quả. Tại mỗi vị trí, chúng tôi thường bố trí từ 2 – 3 bẫy ảnh ở các góc chụp khác nhau để có thể ghi nhận đầy đủ các hình ảnh về hoạt động của loài muốn ghi nhận. Nơi được đặt bẫy ảnh thường có vị trí thông thoáng và ít bị các vật cản ở phía trước góc chụp của máy. Các bẫy ảnh được thiết lập ở độ cao khoảng 40 – 120 cm so với mặt đất (tùy vào mục đích để ghi nhận hình ảnh của từng loài cụ thể). Các bẫy ảnh này được buộc đính vào những thân cây thẳng hoặc những cái cọc được cắm sâu xuống đất. Tuy nhiên, những thân cây hoặc những cái cọc được xác định để gắn bẫy ảnh phải có khoảng cách tối ưu từ vị trí bẫy ảnh đến vị trí trung tâm mà bẫy ảnh có thể ghi hình được (khoảng cách tối ưu từ 2 – 10 m tùy thuộc vào độ cảm biến, tốc độ chụp của máy, và mục đích muốn ghi nhận hình ảnh của từng loài).

Ngoài việc bố trí về số lượng, khoảng cách và độ cao, việc điều chỉnh vị trí bẫy ảnh đòi hỏi có độ chính xác cao nhằm thu thập được hình ảnh tối ưu nhất. Các bẫy ảnh phải được thiết lập theo phương thẳng đứng (vuông góc với mặt đất) và hướng camera được bố trí vuông góc (tương đối) với hướng mặt trời mọc và lặn (nghĩa là theo hướng Bắc - Nam). Cách bố trí như thế là để tránh trường hợp bẫy ảnh bị ngược sáng vào những lúc có ánh nắng mặt trời thì sẽ không ghi nhận được hình ảnh rõ nét của loài muốn ghi nhận. Hơn nữa, cách bố trí này sẽ tránh được ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào máy làm hỏng ống kính và bộ cảm biến. Khi có những vật cản ở phía trước góc chụp của máy (bụi cây, cành cây hoặc lá cây) thì chúng ta nên phát dọn thông thoáng vật cản ở khu vực mặt đất phía trước bẫy ảnh. Sau khi thiết lập bẫy ảnh, chúng ta phải tiến hành kiểm tra lại sự hoạt động của bẫy ảnh một vài lần trước khi rời khỏi vị trí đặt máy (bẫy ảnh kỹ thuật số có sử dụng thẻ nhớ giúp chúng ta kiểm tra và xem thử hình ảnh mà máy sẽ ghi nhận được thông qua máy ảnh KTS cầm tay mang theo hoặc đối với một số loại bẫy ảnh hiện đại hơn thì chúng ta có thể xem được ngay hình ảnh trên màn hình của bẫy ảnh).

Sau khi thiết lập, chúng ta cần ghi chép cẩn trọng các thông tin liên quan đến thời gian, vị trí và môi trường xung quanh bẫy ảnh cho công tác giám sát và theo dõi. Chúng ta cần sử dụng máy định vị GPS cầm tay để xác định tọa độ vị trí nơi đặt máy và ghi chép vị trí đặt máy, số hiệu máy, loại mồi nhử (nếu có), giờ/ngày/tháng/năm thiết lập máy bắt đầu hoạt động, độ nhạy của máy, khoảng thời gian giữa các lần chụp (30 giây, 1 phút hay 5 phút). Ngoài ra, chúng ta cần mô tả sinh cảnh nơi đặt máy, thời tiết lúc đặt máy và tên người thiết lập máy.

Những kết quả ghi nhận bằng bẫy ảnh về sự hiện diện của một số ĐVHD tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Với việc sử dụng bẫy ảnh kỹ thuật số (KTS) trong công tác nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, các cán bộ kỹ thuật của Vườn đã ghi nhận được hình ảnh về sự hiện diện của một số loài ĐVHD hiện có tại Vườn. Chúng tôi đã chụp được một số loài thú nguy cấp, quí, hiếm liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Sách đỏ Thế giới IUCN 2019 và Nghị định 06/2019/NĐ-CP, như loài Bò tót (Bos gaurus), Nai xám (Rusa unicolor), Cheo cheo Nam dương (Tragulus kanchil), Hoẵng (Muntiacus muntjac), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), Khỉ đuôi lợn (Macaca leonine). Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật của Vườn cũng đã ghi nhận được hình ảnh của số loài khác như Gà rừng (Gallus gallus), Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) và Heo rừng (Sus scrofa) thông qua các thiết bị bẫy ảnh đã được thiết lập tại một số tiểu khu trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn.

Dưới đây là một số hình ảnh đã ghi nhận được bằng bẫy ảnh để khẳng định một cách chắc chắn về sự hiện diện của các loài động vật hoang dã tại các tiểu khu trong lâm phần VQG Bù Gia Mập.

Một cá thể Bò tót được ghi nhận
 

Một cá thể Hoẵng được chụp bằng bẫy ảnh


Cá thể Cầy vòi hương


Cá thể Nai xám


Cá thể Khỉ đuôi lợn


Cá thể Khỉ mặt đỏ
 
Việc thiết lập bẫy ảnh ở trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập được duy trì xuyên suốt các tháng trong năm và được điều chỉnh khi cần thiết. Định kỳ 2 – 3 tháng, chúng tôi tiến hành kiểm tra bẫy ảnh và pin (hoặc thay pin) một lần để biết có loài thú nào đã di chuyển qua khu vực được thiết lập bẫy ảnh hay không đồng thời kiểm tra xem bẫy ảnh có bị mất mát, hư hại hay không. Nếu bẫy ảnh không ghi nhận được thông tin/hình ảnh về các loài thú thì chúng tôi tiến hành thay đổi vị trí khác để thiết lập máy. Quy trình đặt máy ở vị trí mới cũng phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và ghi chép thông tin đầy đủ vào mẫu biểu sẵn có như ở vị trí cũ.

Khi tiến hành kiểm tra bẫy ảnh, các thông tin sau đây cần được ghi chép vào một mẫu biểu sẵn có. Chúng ta cần ghi lại vị trí đặt máy, số hiệu máy, giờ/ngày/tháng/năm kiểm tra máy và pin hoặc thay pin, tuổi thọ của pin còn bao nhiêu hay đã hết pin, số ngày/đêm mà bẫy ảnh đã được thiết lập ở đó, số ảnh đã ghi nhận được, mồi nhử còn bao nhiêu hay đã hết, những dấu vết của loài thú đã để lại tại hiện trường (dấu phân, dấu chân, lông, da, vết ăn, ...), tên của người kiểm tra máy và các dấu hiệu về tác động của con người.

Việc thiết lập các bẫy ảnh trong rừng tự nhiên trong một khoảng thời gian khá dài để ghi nhận sự hiện diện của các loài ĐVHD là cơ sở để thực hiện các hoạt động bảo tồn trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Các thông tin cụ thể về thời gian và địa điểm ghi nhận loài kết hợp với tọa độ các vị trí mà loài thường hay xuất hiện sẽ giúp các cán bộ kỹ thuật của Vườn xây dựng bản đồ phân bố của từng loài và sinh cảnh sống. Dựa vào những hình ảnh rõ nét của các loài ĐVHD đã ghi nhận được sẽ giúp các cán bộ kỹ thuật của Vườn ra soát lại danh lục các loài ĐVHD hiện có trong lâm phần Vườn. Ngoài ra, nếu các bẫy ảnh được thiết lập ở chế độ quay phim thì chúng ta cũng sẽ ghi nhận được tập tính hoạt động của một số loài. Trên cơ sở đó, các cán bộ kỹ thuật của Vườn sẽ đề xuất những giải pháp bảo tồn hữu hiệu nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài ĐVHD trong môi trường sống tự nhiên của chúng.

Những ưu điểm của việc sử dụng bẫy ảnh trong nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD

Hiện nay, bẫy ảnh được xem công cụ hữu ích cho các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD. Khi sử dụng bẫy ảnh có sử dụng thẻ nhớ với dung lượng bộ nhớ lên đến hàng chục hoặc hàng trăm Gigabyte (Gb) và tuổi thọ của pin có thể kéo dài vài tháng đến một năm để tiến hành điều tra và nghiên cứu ĐVHD sẽ hạn chế những ảnh hưởng tác động của con người đến các loài và môi trường sống tự nhiên của chúng trong một khoảng thời gian khá dài cho đến khi các nhà nghiên cứu có thể quay trở lại khu vực nghiên cứu để tiến hành các hoạt động nghiên cứu tiếp theo. Bẫy ảnh KTS sẽ có tốc độ chụp nhanh và liên tục (3 đến 5 hình ảnh/giây) và lưu trữ được nhiều hình ảnh hơn máy ảnh chụp bằng phim (máy cơ). Do đó, nó sẽ có nhiều tiện ích hơn trong việc chuyển tải hình ảnh, xem, và in ấn thông qua thiết bị máy tính. Với chất lượng hình ảnh rõ nét, một số bẫy ảnh KTS vừa có chức năng quay phim và chụp hình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu về tập tính và sinh thái của một số loài ĐVHD (có thể thiết lập bẫy ảnh ở những vị trí có tần suất ghi nhận cao nhất về các hoạt động của loài) cũng như việc xác định số lượng, thành phần loài ĐVHD trong từng khu vực điều tra nhất định và thậm chí có thể xác định được cả giới tính của loài hoặc các vết thương trên cơ thể của chúng để xác định những mối đe dọa đối với loài.

Những nhược điểm của việc sử dụng bẫy ảnh trong nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD

Bên cạnh những ưu điểm như đã trình bày ở trên, việc sử dụng bẫy ảnh trong nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD cũng có một số nhược điểm cần lưu ý. Những chiếc bẫy ảnh có góc chụp hẹp chỉ có thể cho phép ghi nhận được hình ảnh của các loài ĐVHD trong một phạm vi nhất định. Do đó, nếu muốn mở rộng khu vực điều tra để ghi nhận sự hiện của loài, chúng ta cần phải có số lượng bẫy ảnh nhiều, nhưng chi phí phải bỏ ra để mua được một chiếc bẫy ảnh là không nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng và hiệu quả thực hiện các hoạt động điều tra và nghiên cứu. Ngoài ra, các bẫy ảnh được thiết lập ở trong rừng trong một khoảng thời gian dài rất dễ bị mất trộm hoặc bị các loài thú làm hư hại, và điều này sẽ gây tốn chi phí sửa chữa hoặc mua máy mới. Ngoài chất lượng của từng loại, bẫy ảnh có thể ghi nhận được những hình ảnh rõ nét hay không còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chất lượng ánh sáng, kỹ năng và kinh nghiệm của người sử dụng.

Tuy nhiên, cho đến nay bẫy ảnh vẫn là một công cụ hữu hiệu và được ưu tiên hàng đầu trong công tác nghiên cứu và bảo tồn ĐVHD tại VQG Bù Gia Mập. Chính vì vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ cả về kinh phí và nguồn nhân lực, cũng như sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn ĐVHD nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
 

Tác giả bài viết: Phan Văn Biên (Phòng KH&HTQT)

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn