Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Tin công nghệ

Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022

Thứ ba - 04/04/2023 06:01
Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022

Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022

Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022 tại Đà Nẵng
          Ngày 09/3/2023, tại Tp. Đà Nẵng, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội nghị SMART toàn quốc và tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022. Hội nghị do ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, với sự tham dự của đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ), các Bộ, ngành Trung ương; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); các Hiệp hội; các cơ quan về Lâm nghiệp ở Trung ương; đại diện các tổ chức bảo tồn quốc tế (GIZ, WWF, FFI), các tổ chức bảo tồn trong nước (SVW, CCD) và hơn 130 đại biểu đến từ các khu bảo tồn và ban quản lý các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên cả nước.
Ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng, chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phan Văn Biên.
 

 
Bà Anja Barth – Cố vấn trưởng Dự án GIZ-BiO phát biểu tại lễ Khai mạc Hội nghị. Ảnh: Phan Văn Biên.
 
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Phan Văn Biên.

Chương trình Hội nghị gồm có 02 phần chính:
       - Phần thứ nhất: Tổng kết công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
        - Phần thứ hai: Đánh giá kết quả ứng dụng Bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) trong tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại các khu vực đặc dụng, phòng hộ; Thảo luận và góp ý nhằm thông qua mô hình dữ liệu chuẩn hóa SMART và dự thảo Quy chế hoạt động của Mạng lưới SMART quốc gia để hướng tới áp dụng thống nhất trong hệ thống khu rừng đặc dụng và phòng hộ trên toàn quốc trong thời gian tới.
        Tại Phần thứ nhất của Hội nghị, đại diện Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, Phòng hộ (DOPAM) đã thông qua Báo cáo kết quả công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo kết quả Báo cáo tổng hợp, hiện nay cả nước đã hình thành hệ thống gồm 168 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích là 2.576.395 ha (bao gồm 34 Vườn quốc gia, 57 Khu Dự trữ thiên nhiên, 14 Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh, 54 Khu Bảo vệ cảnh quan và 9 Khu rừng Nghiên cứu khoa học); trong đó, tổng diện tích của các khu dự trữ thiên nhiên là 1.129.726 ha và diện tích của các Vườn quốc gia 1.278.519 ha (lần lượt chiếm 46% và 47% diện tích của hệ thống rừng đặc dụng cả nước) và 216 khu rừng phòng hộ vớ i tổng diện tích là 5.905.060 ha; trong đó, tổng diện tích của rừng phòng hộ đầu nguồn là 5.365.282 ha (chiếm 92% diện tích của hệ thống rừng phòng hộ cả nước).
        Theo kết quả đánh giá tại Hội nghị, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trong năm 2022 đều đạt được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn so với năm 2021, cụ thể: về diện tích trồng mới, năm 2022 rừng đặc dụng được trồng mới 1.611 ha (tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021); rừng phòng hộ được trồng mới 8.636 ha (tăng 5,7 % so với cùng kỳ năm 2021); kết quả ghi nhận các vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp trong năm 2022 trên cả nước là 8.124 vụ, giảm 310 vụ (giảm 4%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, đã xử lý hình sự 334 vụ, xử lý hành chính 6.834 vụ; còn 956 vụ vi phạm chưa được xử lý; tổng hợp kết quả ghi nhận diện tích rừng bị cháy trong năm 2022 là 73 vụ cháy rừng, giảm 127 vụ (tương ứng giảm 64%) so với cùng kỳ năm 2021; diện tích thiệt hại do cháy là 38 ha, giảm 1.454 ha (tương ứng giảm 97%) với cùng kỳ năm 2021.
         Trong năm 2022, lượng khách du lịch đến tham quan tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ là 3,1 triệu lượt khách, tăng 124% so với năm 2019 thời kỳ trước đại dịch (năm 2019 đạt 2,5 triệu lượt khách), tổng doanh thu đạt 310,2 tỷ đồng, tăng 167% so với năm 2019 thời kỳ trước đại dịch (năm 2019 đạt 185 tỷ đồng). Trong đó, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đạt doanh thu hơn 200 tỷ đồng tiền thu vé tham quan DLST (bằng tổng thu của các VQG khác cộng lại). Năm 2022, cả nước có 73 Ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích 1.328.305 ha, tương ứng với số tiền được nhận là 404 tỷ đồng; có 149 Ban quản lý rừng phòng hộ được chi trả trên 2.843.087 ha rừng, tương ứng với số tiền được nhận là 743,7 tỷ đồng.
         Các hoạt động hợp tác quốc tế đã được triển khai tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trong năm 2022 gồm: hợp tác với Vườn thú Leipzig - Cộng hòa Liên Bang Đức và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong lĩnh vực bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG/KBT; hợp tác với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) thực hiện Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại VQG Côn Đảo; hợp tác với Tổ chức IUCN thực hiện Bảo tồn rùa biển tại VQG Bái Tử Long; hợp tác với Tổ chức Monkey World Ping Tung Đài Loan thực hiện Dự án cứu hộ bảo tồn các loài linh trưởng tại VQG Cát Tiên; hợp tác với Tổ chức WWF thực hiện Dự án “Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế của người dân thông qua sử dụng và quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng ở VQG Tràm Chim” và thực hiện Dự án Tăng cường các hoạt động bảo tồn hổ tại VQG Yok Đôn nhằm hướng đến mục tiêu quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 – 2022.
          Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2022, xác định các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
          Tiếp đến, tại Phần thứ hai của Hội nghị, đại diện Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, Phòng hộ đã thông qua Báo cáo quá trình triển khai, áp dụng SMART tại Việt Nam và định hướng triển khai SMART tại các khu rừng đặc dụng và phòng hộ trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, Phòng hộ đã thông qua Báo cáo quá trình triển khai, áp dụng SMART tại Việt Nam. Ảnh: Phan Văn Biên.
 
          Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới chuyển đổi số nhằm tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên rừng trên cả nước, Tổng cục Lâm nghiệp đã đưa SMART vào triển khai tại các VQG/KBT kể từ năm 2013 đến nay. Năm 2013, Vụ Bảo tồn thiên nhiên (nay là Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, Phòng hộ (DOPAM)) – Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với GIZ-Bio và WWF tổ chức và triển khai và hỗ trợ SMART ở 13 khu rừng đặc dụng. Trong khuôn khổ Dự án “Chương trình Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam (GIZ-BiO)” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam triển khai, và được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) đã hỗ trợ đội ngũ chuyên gia SMART xây dựng Mô hình dữ liệu tiếng Việt, hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế như Save Vietnam’s Wildlife (SVW), GreenViet, FFI, FZS, PRCF và các dự án bảo tồn thiên nhiên cũng ứng dụng SMART nhằm tăng cường chất lượng làm việc của cán bộ, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý KBT, tính nhất quán và khả năng so sánh của dữ liệu thông tin được thu thập một cách hệ thống. Ngày 10/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 626/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó SMART được xác định là một trong những giải pháp xúc tiến và cải thiện nâng cao năng lực trong tuần tra, thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học ở các VQG và KBT. Năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 197/QĐ-TCLN-ĐDPH ngày 04/7/2022 quy định về quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 33 Vườn quốc gia/Khu bảo tồn thiên nhiên/khu rừng phòng hộ, một số Chi cục Kiểm lâm như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã triển khai ứng dụng SMART trong công tác thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học. Tháng 12/2022, mô hình dữ liệu chuẩn quốc gia đã được chỉnh sửa hoàn thiện và triển khai áp dụng cho các rừng đặc dụng, phòng hộ được WWF và Dự án GIZ-Bio tài trợ trang thiết bị.
          Tại Hội nghị, nhóm chuyên gia SMART cũng đã giới thiệu về mô hình dữ liệu và mẫu báo cáo SMART dùng chung cho các VQG/KBT. Mô hình dữ liệu chuẩn được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá của 22 mô hình dữ liệu SMART đang sử dụng tại Việt Nam, sự tham gia của chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và cán bộ kỹ thuật SMART của các cơ quan liên quan. Để hoàn thiện Mô hình dữ liệu SMART chuẩn, dưới sự hỗ trợ của WWF và Dự án GIZ-Bio, trong năm 2021-2022 Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức 02 Hội thảo góp ý; 08 cuộc họp nhóm chuyên đề với 4 nhóm kỹ thuật; sự tham gia của 28 Vườn quốc gia, Khu bảo tồn và 16 tổ chức có liên quan với tổng số 360 lượt người tham dự để hoàn thiện Mô hình dữ liệu. Quá trình thử nghiệm Mô hình dữ liệu cũng được tổ chức tại 6 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn để thử nghiệm, xử lý các lỗi phát sinh và chỉnh sửa, hoàn thiện.
            Mô hình dữ liệu SMART chuẩn hóa gồm:
          - 01 danh mục loài với 651 loài động, thực vật (loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật + loài cần quan tâm, loài mục tiêu);
          - 01 danh mục các hành vi vi phạm (dựa trên khung pháp lý tại Việt Nam);
          - 01 danh sách các thuật ngữ và bảng thuật ngữ SMART chuẩn hóa tiếng Việt;
        - 03 mẫu báo cáo ở cấp VQG/KBT, cấp trạm và báo cáo của khu bảo tồn biển để báo cáo dựa trên số liệu thu thập và mô hình dữ liệu SMART chuẩn.
       Hiện nay, bộ mô hình dữ liệu SMART dùng chung đã được chuẩn hóa và các mẫu báo cáo đã được thiết kế và đăng tải lên trang website của Tổng cục Lâm nghiệp: https://tongcuclamnghiep.gov.vn/LamNghiep/Index/thong-tin-khu-rung-dac-dung-viet-nam-4584. Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã đăng tải 03 tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật SMART đã được dịch và hiệu chỉnh nhằm chia sẻ với cộng đồng SMART Việt Nam.
          Hội nghị cũng đã thông qua Dự thảo Quy chế hoạt động của Mạng lưới SMART Việt Nam và thảo luận các giải pháp thống nhất áp dụng SMART trong hệ thống khu rừng đặc dụng và phòng hộ trên toàn quốc trong thời gian tới.
          Nội dung của Dự thảo Quy chế gồm có 4 phần và các phụ lục kèm theo (bao gồm: Phụ lục 1_Cam kết hỗ trợ của các thành viên chủ chốt để thúc đẩy và triển khai các hoạt động của Mạng lưới; Phụ lục 2_Danh sách nhóm kỹ thuật. Phụ lục 3_Danh sách các thành viên mạng lưới. Phụ lục 4_Mẫu đơn xin gia nhập mạng lưới dành cho tổ chức; Phụ lục 5_Mẫu đơn xin gia nhập mạng lưới dành cho cá nhân). Trong Dự thảo Quy chế cũng chỉ rõ Cơ quan chủ trì là Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) và cơ quan đầu mối là Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ (DOPAM). Phần nội dung của Quy chế cũng đã nêu lên các hoạt động ưu tiên của “Mạng lưới SMART Việt Nam đến năm 2030”, trong đó hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% các khu bảo tồn, vườn quốc gia áp dụng SMART trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại các đơn vị.

 
 
Nội dung Dự thảo Quy chế hoạt động của Mạng lưới SMART Việt Nam. Nguồn: DOPAM.

          Tại Hội nghị, các đại diện của VQG Pù Mát, Khu bảo tồn Sao La Huế và Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cũng đã có bài trình bày để chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai áp dụng SMART và những khó khăn và thách thức tại các đơn vị trong thời gian qua.Cán bộ phụ trách SMART tại VQG Pù Mát chia sẻ kinh nghiệm về triển khai SMART.
Ảnh: Phan Văn Biên
          Sau đó, các đại biểu cùng thảo luận về các thuận lợi, khó khăn khi áp dụng SMART tại địa phương và các giải pháp/đề nghị hỗ trợ để áp dụng SMART tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ chưa có kinh nghiệm trong triển khai áp dụng SMART.


Các đại biểu cùng tham gia góp ý và thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Phan Văn Biên.

Tác giả bài viết: Phan Văn Biên - Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin cũ hơn