Khai giảng Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật đan lát truyền thống của người M’nông tỉnh Bình Phước
Trong các loại hình thủ công truyền thống của các tộc người thiểu số ở tỉnh Bình Phước thì đan lát thủ công đóng vai trò quan trọng và có truyền thống từ lâu đời. Trong đó nghề đan lát thủ công của người M’nông là tiêu biểu nhất. Các sản phẩm đan lát dùng trong canh tác nương rẫy và dùng trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào ở đây rất đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại.
Sáng ngày 18 tháng 07 năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Gia Mập và UBND xã Bù Gia Mập tổ chức khai giảng Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật đan lát truyền thống của người M’nông tỉnh Bình Phước. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng văn hoá và thông tin huyện Bù Gia Mập; Lãnh đạo và công chức văn hoá xã Bù Gia Mập; Các nghệ nhân, giảng viên, báo cáo viên và gần 50 học viên là người dân tộc M'nông trên địa bàn tỉnh Bình Phước cùng tham gia Lớp tập huấn.
Hình ảnh: Toàn cảnh Lớp tập huấn
Trong các loại hình thủ công truyền thống của các tộc người thiểu số ở tỉnh Bình Phước thì đan lát thủ công đóng vai trò quan trọng và có truyền thống từ lâu đời. Trong đó nghề đan lát thủ công của người M’nông là tiêu biểu nhất. Các sản phẩm đan lát dùng trong canh tác nương rẫy và dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: Gùi (Xá); Nia (Z’ông); Đồ súc cá (K’rẹt); Giỏ đựng cá (Z’ul);…của đồng bào ở Bình Phước rất đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại.
Lớp tập huấn được tổ chức tại thôn Bù La, xã Bù Gia Mập trong thời gian từ 18/7/2024 đến ngày 29/7/2024. Các Nghệ nhân sẽ hướng dẫn (cả phần lý thuyết và thực hành) cho học viên nắm kỹ các bước kỹ thuật để hoàn thiện một sản phẩm đan lát truyền thống (từ khâu chọn vật liệu đan đến kỹ thuật vót nan, kỹ thuật đan, đến trình tự các bước để hoàn thiện 01 sản phẩm). Mục tiêu đề ra sau khi kết thúc Lớp tập huấn là các học viên phải lắm vững kỹ năng, kỹ thuật các bước và đan thành thục được ít nhất 01 hay nhiều loại sản phẩm như: Gùi (Xá); Nia (Z’ông); Đồ súc cá (K’rẹt); Giỏ đựng cá (Z’ul);…
Việc tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy về bảo tồn, phát huy kỹ thuật đan lát truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của người M’nông trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung và trên địa bàn Huyện Bù Gia Mập nói riêng. Ban Tổ chức cũng đã quan tâm, tạo điều kiện cho các học viên là thanh niên người đồng bào dân tộc M’nông tham gia Lớp tập huấn lần này để họ có cơ hội học hỏi, lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nhằm phát huy khả năng sáng tạo của họ trong việc tạo ra những sản phẩm đan lát truyền thống của chính dân tộc mình mang lại giá trí cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống cho người dân góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đây chính là nguồn lực nòng cốt tại địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thơi gian tới.
Hình ảnh: Các nghệ nhân và học viên tham gia Lớp tập huấn
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Hồ Tiến Duật - Trưởng phòng Quản lý Văn hoá - Phó Trưởng Ban tổ chức lớp cho biết: Việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc là rất cần thiết, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế mà, mô hình các Lớp tập huấn như thế này cần được nhân rộng nhiều hơn nữa để những nét bản sắc văn hóa của các dân tộc sớm được bảo tồn, không bị mai một theo thời gian. Để có được kết quả tốt và đảm bảo mục tiêu đề ra, Ban tổ chức Lớp tập huấn yêu cầu các nghệ nhân phải nhiệt huyết truyền đạt cho học viên hết những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong nghề và học viên tham gia lớp học phải thực sự nghiêm túc trong học tập, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật mà nghệ nhân đã chỉ dậy, phát huy hơn nữa năng lực sở trường, tiềm năng sẵn có, niềm tự hào dân tộc để học nghề thành thục nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình tại địa phương.
Để nghề đan lát truyền thống của người M’nông tiếp tục được bảo tồn và phát triển trên địa bàn tỉnh, ngoài sự nỗ lực cố gắng của người dân tại chỗ thì rất cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, nhất là các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương nơi mà người M’nông đang sinh sống, nghề đan lát thủ công truyền thống của họ đang được duy trì.
Hình ảnh: Đồng chí Hồ Tiến Duật – Trưởng Phòng Quản lý Văn hoá – Phó Trưởng Ban tổ chức Lớp tập huấn phát biểu tại buổi Lễ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://vuonquocgiabugiamap.vn là vi phạm bản quyền