Ngày 01/4/2021, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện – thị xã Bù Gia Mập-Phước Long và đội Tình nguyện viên Cứu hộ động vật hoang dã tiến hành thả 05 cá thể động vật về rừng tự nhiên.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật có vai trò cứu hộ, bảo tồn và tiến hành tái thả các loài sinh vật đã phục hồi bản năng hoang dã về môi trường tự nhiên. Trong lần tái thả này, Trung tâm CHBT và PTSV đã tiến hành tái thả 02 cá thể Khỉ đuôi lợn, 02 Rùa núi vàng và 01 cá thể Trăn gấm
. Những cá thể này đã được tập luyện và theo dõi để đảm bảo khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên trước khi được tái thả vào sinh cảnh của chúng.
Nhân viên và tình nguyện viên cứu hộ động vật trước khi vào rừng
Mặc dù việc tập luyện và phục hồi bản năng hoang dã đã được chuẩn bị nhưng vẫn có những cá thể khôn gthichs nghi trở lại với môi trường tự nhiên. Trong số động vật mới tái thả, một cá thể Khỉ chưa thích nghi được với môi trường sống mới. Sau khi được tái thả vào rừng tự nhiên, cá thể động vật hoang dã nói trên đã tìm đến chốt bảo vệ rừng. Do vậy, trung tâm đã tiến hành thu giữ để tiếp tục quá trình cứu hộ phục hồi bản năng hoang dã.
Cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia tham gia thả động vật
Tái thả các cá thể rùa về môi trường tự nhiên
Việc tập luyện phục hồi bản năng hoang dã cho động vật bị nuôi nhốt lâu ngày gặp rất nhiều khó khăn. Động vật hoang dã được con người nuôi dưỡng trong thời gian dài nên chúng đã mất đi bản năng phòng tránh nguy cơ bị các đối tượng xấu săn bắt hoặc khả năng tồn tại trong môi trường tự nhiên. Vì vậy, động vật hoang dã cần có không gian tập luyện phù hợp và thời gian trương xứng để phục hồi bản năng hoang dã.
Thả cá thể Trăn gấm về môi trường tự nhiên
Thả khỉ đuôi lợn về môi trường rừng
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của Trung tâm CHBT và PTSV còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong công tác tiếp nhận, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã. Kinh phí cho công tác cứu hộ rất hạn chế nên Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng khu tập luyện chuyên biệt cho các loài linh trưởng. Từ sự thiếu thốn cơ sở vật chất dẫn đến việc tập luyện phục hồi bản năng cho những loài này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều cá thể linh trưởng được Trung tâm tiếp nhận từ 2 đến 3 năm nhưng không thể thả về rừng tự nhiên. Có những cá thể phải nuôi dưỡng lâu dài do chúng không thích nghi được với cuộc sống trong rừng. Vì vậy, những yếu tố này đã và đang là thách thức cho công tác cứu hộ tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Khỉ đuôi lợn khi được tái thả
Hiện nay, nhiều cá nhân đã và đang tình nguyện giao nộp các loài động vật hoang dã để cứu hộ và tái thả về môi trường tự nhiên do người dân đã được nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh và khuyến khích. Tuy nhiên, trước hiện trạng về việc thiếu hụt cơ sở vật chất tại các trung tâm cứu hộ, người dân nên nói không với các hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã ngay từ đầu để giảm tải lên các trung tâm cứu hộ và góp phần bảo vệ tốt hơn các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.