Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Hợp tác » Động vật

Nhân nuôi cheo cheo tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Thứ hai - 16/11/2020 13:16
Việc nhân nuôi cheo cheo là một việc làm cần thiết nhằm gia tăng quần thể loài và giảm áp lực từ các hoạt động săn bắn đến loài trong môi trường tự nhiên
Cheo cheo (Trangulus javanicus) là loài động vật hoang dã thuộc bộ móng guốc ngón chẵn. Đây là loài động vật hoang dã thuộc nhóm IIB theo văn bản pháp luật của nhà nước. Qua các cuộc điều tra, khảo sát, các nhà khoa học đã ghi nhận loài cheo cheo trong rừng tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Loài cheo cheo có kích thước khá khiêm tốn với chiều dài thân-đầu là 42-48cm trong khi trọng lượng của chúng từ 0,7-2kg. Loài cheo cheo có lông trên thân có màu nâu và dưới bụng có màu trắng hoặc vàng nhạt.

Cheo cheo

Theo các tài liệu khoa học, cheo cheo trong môi trường hoang dã thường sinh sống và kiếm ăn một mình vào ban đêm với các loại thức ăn ưa thích là các loại hoa quả, lá cây, chồi, thân non, củ, nấm, và các bộ phận khác của các loài thực vật khác. Cũng giống như các loài động vật nhai lại khác, dạ dày Cheo cheo bao gồm 4 ngăn nhằm giúp loài động vật nhỏ bé này có thể lên men và tiêu hóa các loại thức ăn nhiều chất xơ. Cheo cheo thường giao phối từ tháng 9 đến tháng 12 và thời gian mang thai của chúng khoảng 120 ngày. Mỗi lứa, cheo cheo sinh từ 1 đến 2 con non.

Cheo cheo là loài động vật nhút nhát nhưng dễ bị bẫy bắt nên nếu không có các biện pháp bảo vệ phù hợp thì quần thể loài có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các nhà bảo tồn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và loài cheo cheo nói riêng. Các biện pháp bảo tồn các loài động vật hoang dã bao gồm bảo tồn tại chỗ (bảo vệ khu vực sinh sống tự nhiên của loài), bảo tồn chuyển vị (đưa loài về các khu vực được bảo vệ tránh khỏi sự bẫy bắt của con người) và. Ngoài công tác bảo tồn nguyên vị và chuyển vị, các nhà bảo tồn cũng tiến hành hoạt động gây nuôi nhằm gia tang quần thể loài trong tự nhiên và giảm tác động của con người đến các loài động vật hoang dã nói chung và loài Cheo cheo trong tự nhiên nói riêng.

Cheo cheo nuôi tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Việc hân nuôi loài cheo cheo đòi hỏi phải chuẩn bị một cách cẩn trọng nhằm tạo nên môi trường sống và nguồn thức ăn của loài mô phỏng sinh cảnh tự nhiên. Môi trường sống trong nhân nuôi đòi hỏi phải có nhiều tán cây tạo bóng mát và lùm cỏ để ẩn nấp. Ngoài ra, thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công trong việc nhân nuôi loài động vật này. Thức ăn của chúng là những loài rau dại, củ quả ngoài tự nhiên, và các loại rau củ được trồng trọt. Tập tính của loài trong nuôi nhốt khá giống với các quần thể trong tự nhiên. Cheo cheo thường kiếm ăn vào ban đêm, nhưng môi trường nuôi nhốt thường chật hẹp và yên tĩnh nên chúng cũng kiếm ăn vào ban ngày. Ngoài ra, chúng ta cần vệ sinh khu vực chuồng trại, máng ăn và đảm bảo vệ sinh nước uống để phòng bệnh. Đến mùa giao phối và sinh sản, chúng ta cần tăng cường dinh dưỡng cho chúng bằng các loại quả, hạt giàu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, chúng ta cần có biện pháp bảo vệ chúng khỏi các loài thiên địch như mèo, chim cắt, rắn, chồn và một số loài khác.

Việc nhân nuôi cheo cheo là một biện pháp để gia tăng quần thể loài trong môi trường tự nhiên đồng thời giảm áp lực từ các hoạt động săn bắn đến loài trong môi trường tự nhiên. Cá nhân, tổ chức muốn tìm hiểu quy trình nuôi Cheo cheo tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Số điện thoại 0978404739

Tác giả bài viết: Trần Văn Trưởng (Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật)

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn