Ngày 18/5/2021, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện – thị xã Bù Gia Mập - Phước Long, và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiến hành thả 04 cá thể động vật về rừng tự nhiên
Động vật hoang dã được bàn giao về Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thường bị mất đi những khả năng sinh tồn nên chúng được cứu hộ và tập luyện trước khi tái thả vào môi trường tự nhiên. Ngày 18/5/2021, Trung tâm CHBT và PTSV đã kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tái thả các cá thể động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên sau khi đã kiểm tra tình trạng sức khỏe và mức độ phục hồi bản năng hoang dã. Lần tái thả này, Trung tâm CHBT và PTSV đã tiến hành tái thả vào rừng 01 cá thể Culi nhỏ, 01 cá thể Mèo rừng và 02 cá thể Khỉ đuôi dài
. Những động vật nói trên do người dân bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật.
Tái thả Cu li nhỏ về rừng tự nhiên
Cu li nhỏ lần này được tái thả là một cá thể được người dân bàn giao và người chủ đã thu giữ cá thể này từ vườn điều. Cá thể Culi nhỏ được bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở Thị xã Phước Long thu giữ và bàn giao ngày 22 tháng 1 năm 2021. Bà Lệ cho biết trong quá trình đi làm và gặp con thú lạ ở trong vườn nên đã bắt về nuôi. Sau khi tìm hiểu, bà Lệ biết được đó là cá thể Cu li và là loài động vật quý hiếm nên đã chủ động liên hệ với Hạt Kiểm lâm và Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật để bàn giao lại. Mặc dù cá thể culi được bà Lệ nuôi trong chuồng thoáng và cho ăn trái cây như chuối, dưa hấu và nhiều thức ăn khác nhưng chuồng nuôi và thức ăn tại gia đình bà Lệ không phù hợp khiến cá thể Cu li bị ảnh hưởng về tập tính và sức khỏe. Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã tiếp nhận, tiến hành chăm sóc, và theo dõi tình trạng sức khoẻ động vật. Culi được thả trong chuồng có chỗ ẩn nấp để tránh ánh sáng ban ngày và cung cấp thức ăn với chế độ dinh dưỡng phù hợp bao gồm các loại trái cây mềm, nhựa cây, trứng, và nhiều thức ăn khác. Sau hơn 4 tháng, cá thể Culi đã bình thường trở lại và đáp ứng được khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên.
Tái thả cá thể Mèo rừng
Ngày 25 tháng 2 năm 2021, Trung tâm CHBT và PTSV tiếp nhận cá thể Mèo rừng từ ông Đỗ Văn Thanh ở huyện Hớn Quản tỉnh Bình Phước. Ông Thanh cho biết gia đình phát hiện đàn gia cầm bị một con vật lạ tấn công và tiến hành đặt bẫy. Ông đã bắt được con vật có hình dáng giống mèo sau đó nhờ người tìm hiểu và biết được cá thể động vật bẫy được là Mèo rừng quý hiếm. Mặc dù nhiều người hỏi mua lại con vật nhưng ông không bán. Ông đã chủ động liên hệ với Trung tâm CHBT và PTSV để bàn giao nhằm tái thả về môi trường tự nhiên. Khi được tiếp nhận, cá thể mèo rừng bị một số vết thương nhỏ đồng thời có phản ứng vùng vẫy và hoảng loạn. Cá thể mèo rừng được Trung tâm CHBT và PTSV sơ cứu vết thương và thả trong chuồng kín để ổn định tâm lý. Sau 03 tháng được Trung tâm chăm sóc, các vết thương trên cơ thể mèo rừng được phục hồi nhanh chóng và cá thể mèo có khả năng tự săn mồi nên đủ điều kiện để tái thả về rừng tự nhiên.
Thả 02 cá thể Khỉ đuôi dài
Ngày 04 và 22 tháng 1 năm 2021, Trung tâm CHBT và PTSV tiếp nhận 02 cá thể Khỉ đuôi dài do người dân ở huyện Phú Riềng và Thị xã Phước Long bàn giao. Những cá thể khỉ nói trên do người dân nuôi từ nhỏ và không được cho ăn đầy đủ nên cơ thể gầy ốm. Trung tâm CHBT và PTSV đã tiến hành chăm sóc sức khoẻ, ghép cặp, cho ăn các loại thức ăn tự nhiên và tập luyện phục hồi khả năng vận động. Sau 04 tháng được cứu hộ, các cá thể khỉ đã phục hồi các bản năng sinh tồn nên Trung tâm đã tiến hành tái thả về môi trường tự nhiên.
Cá thể khỉ đuôi dài sau khi tái thả
Sau khi tiến hành tái thả các cá thể động vật hoang dã, Trung tâm CHBT và PTSV tiếp tục theo dõi sự thích nghi của động vật với môi trường sống trong vòng 15 ngày. Việc theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho các cá thể động vật hoang dã trong môi trường sau khi tái thả. Những cá thể nào chưa thực sự thích nghi với môi trường sau khi tái thả sẽ được thu hồi và tiếp tục các hoạt động cứu hộ nhằm đảm bảo sự sinh tồn cho các cá thể khi được tái thả về môi trường tự nhiên.