Vườn quốc gia Bù Gia Mập được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập theo quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2002 của thủ tướng chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương và khu vực. Trước hết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập được thành lập để bảo tồn và phát triển mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m và đại diện cho khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam bộ. Lâm phần của Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích là 25.601,18 ha, trong
đó diện tích rừng tự nhiên là 25.505 ha (4.134 ha rừng giàu, 1.310 ha rừng trung bình, 169 ha rừng nghèo, 304,8 ha rừng phục hồi, rừng hỗn giao 17.851 ha, và rừng tre nứa, lồ ô 1.776,5 ha). Đây là nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gien quý hiếm của các loài động, thực vật. Với hệ sinh thái rừng thường xanh có độ che phủ trên 90%, Vườn quốc gia Bù Gia Mập góp phần phòng hộ và điều tiết nguồn nước cho các hồ thủy điện và hồ thủy lợi vùng hạ du sông Bé. Với những giá trị về cảnh quan và sinh thái, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi hệ sinh thái rừng và các dãy núi chuyển tiếp từ khu vực cao nguyên xuống đồng bằng.
Văn phòng trụ sở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
(Ảnh: Nguyễn Văn Toại) Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực chuyển tiếp từ khu vực Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ nên có những đặc điểm riêng biệt về địa hình đồi núi và sông suối. Địa hình của vườn chủ yếu là đồi núi thấp và độ cao giảm dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Đỉnh núi cao nhất của vườn có độ cao 738m so với mực nước biển và những ngọn núi ở các độ cao này xuất hiện chủ yếu tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đăk Nông. Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của lâm phần vườn bị chia cắt mạnh. Các dãy núi thường đan xen với các dòng suối tạo nên sự đa dạng về cảnh quan cũng như sinh cảnh sống cho các loài động thực vật trên toàn lâm phần vườn. Sự chia cắt về địa hình cũng tạo nên những thác nước nên thơ trong lâm phần vườn và là những cảnh quan hấp dẫn phục vụ cho các hoạt động du lịch sinh thái. Ngoài ra, những đặc điểm này tạo nên tính đa dạng của hệ động, thực vật cũng như thể hiện rõ vai trò của hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Sinh cảnh rừng vườn quốc gia Bù Gia Mập
(Ảnh: Nguyễn Văn Toại) Vườn quốc gia Bù Gia Mập đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ đối với quốc gia mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm liền kề với các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vương quốc Cam Pu Chia, và các khu bảo tồn này tạo ra hành lang sinh thái Đông – Tây góp phần vào công tác bảo tồn các loài nguy cấp toàn cầu như vượn đen má vàng, tê tê java, voi châu Á, chà vá chân đen và nhiều loài quý hiếm khác. Đối với trong nước, vườn Quốc gia Bù Gia Mập là khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên và vùng đồng bằng trong đoạn cuối dãy Nam Trường Sơn, với các kiểu rừng đặc trưng của hệ sinh thái bán thường xanh và rừng thường xanh trên núi thấp, phân bố trên địa hình núi thấp có cao độ trung bình từ 300 – 750 m so với mực nước biển. Những đặc điểm địa hình này đã tạo ra sự đa dạng về loài và sinh cảnh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Một khe suối trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập
(Ảnh: Phan Văn Biên) Vườn quốc gia Bù Gia Mập có hai kiểu rừng chính bao gồm kiểu rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới. Hai kiểu rừng này tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật và cung cấp sinh cảnh cho nhiều loài động vật. Những cuộc điều tra gần đây đã ghi nhận 1.117 loài thực vật thuộc 475 chi, 128 họ, 59 bộ, và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Thông đất (Lycopodiophyta), Cỏ tháp bút (Equisetophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), Thông (Pinophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Tất cả các chi loài đã được cập nhật theo danh pháp mới nhất, đồng thời loại bỏ toàn bộ các loài có nguồn gốc cây trồng ra ngoài danh lục thực vật.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn nhiều loài thực vật quý hiếm được xếp hạng theo thang đánh giá của liên minh bảo tồn thế giới và chính phủ Việt Nam. Theo thang đánh giá của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN-2009), Sách đỏ Việt Nam (SĐVN-2007) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ32CP), thì hệ thực vật ở VQG Bù Gia Mập có 52 loài thực vật cần được áp dụng các biện pháp bảo tồn cấp bách chiếm 5,07% tổng số loài. Nếu xét theo thứ hạng quí hiếm thì có 18 loài ở cấp độ Ít nguy cấp (Lower risk - LR) chiếm 1,75%, 15 loài ở cấp độ Sẽ nguy cấp (Vulnerable - VU) chiếm 1,46%, 13 loài ở cấp độ Nguy cấp (Endangered - EN) chiếm 1,27% và 6 loài ở cấp độ Rất nguy cấp (Critically Endangered - CR) chiếm 0,58%. Ðặc biệt, khu rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những loài cây họ dầu và nhiều loài cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương. Sự phong phú của các loài thực vật và sự đa dạng về địa hình tạo nên những sinh cảnh cho các loài động vật sinh sôi phát triển.
Vượn đen má vàng
(Ảnh: Phan Văn Biên & Trần Văn Bằng) Tính đa dạng về thực vật tạo nên nhiều sinh cảnh phù hợp cho các loài động vật vì vậy lâm phần của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ghi nhận được tính đa dạng cao của các loài động vật. Theo đề tài điều tra tổng thể đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bù Gia Mập năm 2012, các nhà khoa học đã ghi nhận có ít nhất 104 loài thú thuộc 70 chi, 29 họ, và 12 bộ. Cũng trong nghiên cứu này, 246 loài chim đã được phát hiện và các loài này thuộc 45 họ và 15 bộ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu thực địa cũng đã đưa ra danh lục mới nhất của 63 loài bò sát – lưỡng cư thuộc 19 họ, 3 bộ, và 2 lớp. Các nhà khoa học cũng đã ghi nhận 39 loài cá nước ngọt trong sinh cảnh sông suối của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài ra, kết quả điều tra đã báo cáo danh lục của hơn 273 loài côn trùng tại vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tính đa dạng sinh học cao đã góp phần tạo nên một môi trường sống phù hợp cho các cộng đồng dân tộc tại chỗ về các phương diện văn hóa, kinh tế, và xã hội.
Chà vá chân đen
(Ảnh: Phan Văn Biên)
Cu li nhỏ
(Ảnh: Phan văn Biên)
Có hai nhóm dân tộc tại chỗ bao gồm người S’Tiêng và người M’Nông, và họ có truyền thống gắn kết lâu đời với núi rừng Bù Gia Mập. Trong quá khứ, các dân tộc này sống chủ yếu ven những cánh rừng nguyên sinh và cuộc sống dựa vào các hoạt động săn bắt, hái lượm, và canh tác nương rẫy. Từ đặc điểm tự nhiên, kinh tế, và xã hội, các dân tộc này đã tạo cho mình những nét văn hóa truyền thống gắn liền với núi rừng thiên nhiên như lễ hội cồng chiêng, tập tục chơi nước, các khu rừng thiêng, thổi kèn lá và nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng khác. Hiện nay, với những chính sách hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương, những nhóm dân tộc này đã giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng và đang chuyển sang sử dụng những kiến thức bản địa sẵn có để góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần vườn quốc gia Bù Gia Mập. Các cộng đồng tham gia bảo vệ rừng theo các chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong lâm phần vườn.
Lễ hội cồng chiêng của cộng đồng người S'Tiêng
(Ảnh: Đỗ Trường Giang)
Các cộng đồng dân tộc bản địa đã và đang tham gia tích cực vào việc sử dụng nội lực trong việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái trong và xung quanh lâm phần vườn. Những cộng đồng này hiện nay vẫn còn bảo tồn nhiều nét văn hóa phục vụ cho du khách tham quan như lễ hội cồng chiêng, thổi kèn truyền thống, bảo vệ các khu rừng thiêng, dệt thổ cẩm, chế tác các dụng cụ truyền thống. Ngoài ra, họ còn chế biến các loại thực phẩm đặc trưng cho nền văn hóa của các dân tộc tại chỗ như làm rượu cần, nấu canh thục, canh bồi, cơm lam, và nhiều món ăn truyền thống đặc sắc khác. Các hoạt động này kết hợp với điều kiện tự nhiên của rừng vườn quốc gia Bù Gia Mập và những chứng tích lịch sử từ cuộc chiến tranh vệ quốc đã tạo nên một không gian văn hóa phi vật thể mang đậm nét riêng của vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Bên cạnh những giá trị về môi trường và không gian văn hóa truyền thống, lâm phần vườn quốc gia Bù Gia Mập còn là nới lưu dấu nhiều chứng tích lịch sử tái hiện một thời hào hùng của dân tộc. Con đường chính ĐT741 đi qua lâm phần vườn là con đường huyết mạch nối liền Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông được thiết kế trên địa hình đồi núi. Mặc dù được thiết kế trên địa hình đồi núi chia cắt bởi sông suối nhưng tuyến đường với chiều dài hơn 20km nối liền tỉnh Bình Phước và Đăk Nông không có bất kể một công trình vượt sông nào trong khi vẫn đảm bảo tính tối ưu trong quá trình thiết kế và thi công con đường này. Dọc tuyến ĐT741 này, chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng điểm cuối của tuyến đường ống xăng dầu dài hàng ngàn km nối từ miền bắc để cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ chiến trường miền nam. Ngoài ra, chúng ta còn có cơ hội tham quan bếp Hoàng Cầm, một loại bếp được mang tên người anh nuôi chế tạo ra sản phẩm này, đã được sử dụng phổ biến trong hai cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc.
Di tích lịch sử kháng chiến - Điểm cuối đường ống xăng dầu
(Ảnh: Nguyễn Văn Toại)
Với những đặc điểm về tự nhiên và xã hội, vườn quốc gia Bù Gia Mập đã và đang thực hiện tốt vai trò bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, phát triển du lịch sinh thái, và góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương. Để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của vườn quốc gia Bù Gia Mập, chúng ta có thể tham gia các hoạt động tìm hiểu phong tục văn hóa địa phương, đi dọc tuyến tuần tra biên giới hoặc ĐT 741, các hoạt động dã ngoại, ngủ lán, tắm suối, tìm hiểu rừng thiêng, thăm khu cứu hộ, tham gia lễ hội cồng chiêng, thưởng thức món ăn truyền thống và nhiều hoạt động khác. Những hoạt động này sẽ cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về nhịp sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên xung quanh Vườn quốc gia Bù Gia Mập.