Trang nhất » Tin Tức » Tin tức

Bạt ngàn màu xanh - Miên man Bù Gia Mập

Thứ tư - 09/09/2020 23:49
Ngày cuối hạ, mới sáng sớm cơn mưa rừng nặng hạt, bầu trời phủ một màu trắng. Thời tiết đang là cao điểm của mùa mưa nên khi chúng tôi (những Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ) có chuyến làm việc và trải nghiệm với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã đón nhận nhiều sự cuốn hút, hấp dẫn, ấn tượng từ những cánh rừng nguyên sinh giàu sức sống. Theo anh Vương Đức Hòa - Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: mưa suốt cả tuần nay, thỉnh thoảng có nắng lên; rừng mùa này đẹp nhất trong năm bởi sức sống được tưới đầy ắp nước; có dịp thưởng ngoạn các dòng thác mạnh; màu xanh bạt ngàn phủ kín gần 26.000 hecta; hệ thực vật phong phú ở đây có đến 724 loài khác nhau; trong đời sống cộng sinh động vật hoang dã được cung cấp thừa thức ăn và dinh dưỡng cho hàng nghìn loại sinh sống và phát triển đa dạng.
1. Choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn: xuyên qua 25 km đường rừng, chúng tôi lấy làm lạ; cây rừng đan xen như dệt tre già, măng non với thân gỗ mấy người ôm… giữa những đoạn quanh co, khúc khuỷu nhưng không hề vượt cầu hoặc suối cạn, chỉ có hai trạm barie và ba chốt kiểm lâm làm nhiệm vụ kiểm tra - bảo vệ rừng. Theo chân anh Huỳnh Phúc Đa - Cán bộ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, anh cho biết: con đường này có từ thời Pháp thuộc. Hiện nay, rừng có đường vành đai kiểm tra an ninh biên giới, khách tham quan có thể trải nghiệm nhưng khó di chuyển và nguy hiểm bởi đồi dốc cao, suối nước chảy xiết, cây đổ do mưa gió chưa xử lý kịp… khiến du khách không an toàn nên chủ yếu đi con đường này và tiện ích cho khách nếu ai tiếp tục đi qua tỉnh Đăk Nông. Vườn quốc gia Bù Gia Mập vừa là nơi bảo tồn hệ động vật, thực vật hoang dã, nguồn dược liệu quý hiếm, đồng thời vừa là rừng phòng hộ đầu nguồn cho những hồ chứa nước của thủy điện Thác Mơ và thủy điện Cần Ðơn. Rừng còn phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Đây là nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú đặc trưng cho miền Đông Nam bộ.

Nơi đây vẫn còn đảm bảo tính chất rừng nguyên sinh với những loài gỗ quý hiếm như: cẩm lai, gõ đỏ, mun, thạch tùng, giáng hương, trắc…Ngoài ra vườn có 278 giống cây dược liệu. Động vật hoang dã có 437 loài, trong đó có 59 loài có mặt trong Sách Đỏ Việt Nam, đó là: gấu chó, sói lửa, bò tót, bò rừng, gấu ngựa, voi, chà và chân đen… Nếu quý khách đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và leo lên tháp quan sát của chốt kiểm lâm nằm ngay trung tâm rừng sẽ có cơ hội phóng hết tầm mắt và thưởng ngoạn một bức tranh sinh động được dệt nên bởi thảm màu xanh, sâu thẳm, bao la, tuyệt đẹp. Xa xa, thấp thoáng những màu đỏ, vàng sặc sỡ của hoa rừng hay những dòng nước trắng xóa rơi tự do mang theo tiếng ầm ào của thác.


Ông Phạm Hiến - Phó Tổng Biên tập trao tặng Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, sách nhạc và đĩa DVD viết về chủ đề bảo vệ rừng cho Tiến sĩ Vương Đức Hòa - Giám đốc vườn quốc gia Bù Gia Mập.

2. Điểm đến lý tưởng cho du lịch trải nghiệm:
Chỉ cách Sài Gòn khoảng 200km, bạn có thể di chuyển đến đây bằng xe máy, xe khách, để khám phá khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Di chuyển bằng xe máy: Bạn xuất phát từ Sài Gòn theo hướng QL 13 về Bình Dương. Đến ngã tư, gần khu du lịch Đại Nam, rẽ phải theo hướng đi Phú Giáo. Bạn chạy hết con đường này sẽ tới một vòng xoay lớn chỉ đường đi Tân Uyên và Bình Phước thì bạn rẽ trái. Tiếp tục chạy xe theo hướng đi thị xã Phước Long, tới nơi bạn đi đường tới Đăk Ơ (một xã cũng thuộc huyện Bù Gia Mập) mất khoảng 25km, là tới đường đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Đến với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, bạn có thể cắm trại qua đêm trong rừng hay tổ chức nướng BBQ, vui chơi thỏa thích tại đây. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người S’tiêng, M’nông ở vùng đất Bù Gia Mập như: cơm nấu ống nứa, thịt nướng, gà nướng, măng rừng, rau rừng… Đây thực sự là một nơi rất lý tưởng cho những ai thích khám phá, tìm hiểu và hòa mình vào thiên nhiên. Nơi đây có thời tiết cực kỳ dễ chịu, trong lành, mát mẻ, giúp bạn có thể cân bằng lại công việc và cuộc sống. Trải nghiệm hòa mình vào hệ thực vật đa dạng với 1026 loài, thuộc 430 chi, 120 họ. Cùng với các loài nấm và phong lan rừng đẹp mắt. Hệ động vật phong phú với 261 loài chim, 115 loài bướm, 87 loài thú, 63 loài bò sát và lưỡng cư. Ngoài ra còn được thưởng ngoạn các thắng cảnh, sinh cảnh có tiếng như: hồ Hoa Mai, vườn lan, vườn quy tụ thực vật rộng 50ha, khu cứu hộ động vật...; thác Đắk Mai, thác Lưu Ly...; hang dơi, hang nai...; hay những di tích qua hai cuộc kháng chiến là sân bay Bù Gia Mập và điểm cuối của đường ống dẫn dầu dài 5000km...

Khách đến làm việc, tham quan có cơ hội thưởng thức thực phẩm đặc sản tại căn tin của Vườn có sức chứa khoảng 50 khách, phục vụ các món ăn truyền thống địa phương như: cơm lam, canh thụt, canh bồi, thịt nướng kiểu đồng bào dân tộc thiểu số, vịt quay mắc mật, thịt xào lá nhíp... với giá cả phải chăng, và còn có chuối rừng, măng rừng khô, rượu cần, hàng lưu niệm mà bạn có thể mua về làm quà. Được biết, giá phục vụ cho một du khách trọn gói trong 24 giờ sẽ hết 850 nghìn đồng; lộ trình thời gian bắt bầu đón khách từ trưa hôm nay và tiễn khách vào trưa hôm sau: trung tâm sẽ phục vụ bốn bữa ăn (bao gồm cả một buổi giao lưu), bố trí cán hộ hướng dẫn khách giới thiệu, chỗ nghỉ qua đêm. Nếu đoàn đi nhiều người sẽ được giảm giá!

3. Quản lý rừng chuyên nghiệp, an toàn:
Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Sau Ban Giám đốc là các phòng ban chuyên môn: Tổ chức - Hành chính; Kế hoạch - Tài chính; Khoa học và hợp tác Quốc tế; Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng; Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật; Ban quản lý dự án bảo vệ phát triển rừng; Hạt kiểm lâm và một số đơn vị phối hợp cộng đồng nhận khoán.

Cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp cả trong nước và một số nước tiên tiến Mỹ, Úc, Nhật… Trong 80 cán bộ quản lý, nhân viên tại Vườn Quốc gia có 2 Tiến sĩ, 5 Thạc sĩ và nhiều cán bộ, nhân viên có trình độ Đại học. Hiện nay, ngoài nguồn ngân sách được cấp cho hoạt động và bảo vệ rừng, lãnh đạo Vườn Quốc gia đã có những giải pháp, chiến lược thu hút du lịch trải nghiệm để tăng thêm nguồn thu và kết hợp các tổ chức khoa học các nước về đầu tư ứng dụng công nghệ, ngân sách bảo vệ rừng…

Khi được hỏi có quản lý rừng bằng flycam? Tiến sĩ Vương Đức Hòa cho biết: vì tính chất an ninh biên giới nên không được sử dụng thiết bị bay, thay vào đó chúng tôi dùng phương pháp định vị kiểm soát cây và rừng cây, nếu bị lâm tặc đốn mất một cây hoặc có khởi phát cháy một điểm nào đó trong rừng chúng tôi kiểm tra hệ thống sẽ biết ngay. Tất nhiên vẫn còn những hạn chế, khó khăn về phương tiện, lực lượng ứng cứu khi có sự cố cháy rừng quy mô vào mùa khô; đặc biệt đấu tranh với lâm tặc phải khôn khéo kết hợp biện pháp vận động và sẵn sàng phòng vệ, năm 2009 có cán bộ bảo vệ rừng trong khi làm nhiệm vụ đã bị lâm tặc chém lìa cánh tay. Cũng may thời gian gần đây chưa có sự cố nào xảy ra.

Đam mê, yêu nghề và sự hy sinh thầm lặng, cán bộ kiểm lâm anh Nguyễn Văn Nam - chốt chặn barie ngay cổng vào rừng cũng là điểm có nhà bia ghi điểm cuối đường ống dẫn nhiên liệu từ miền Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ, anh đã kiêm luôn công tác hướng dẫn du lịch giải thích lý lịch nhà bia với tinh thần lạc quan, trách nhiệm. Đi sâu thêm 15km, có điểm chốt kiểm lâm cho 2 người luân phiên trực trong ngày, chúng tôi gặp anh Trần Văn Phương trò chuyện, được biết sự khắc nghiệt khi ở đây: muỗi, sốt rét, thời tiết lạnh kéo dài; hơn hết là buồn, nhớ nhà, nhớ vợ con; anh quê Quảng Trị, lập gia đình với vợ là giáo viên đang công tác tại tỉnh Bình Thuận, gần 30 tuổi nhưng đã có thâm niên 7 năm ở trong rừng, với đồng lương khiêm tốn khoảng 6 triệu đồng tháng, hàng tuần đi chợ huyện Bù Gia Mập một lần để mua đủ lương thực cho cả tuần, và chủ yếu là thực phẩm khô dễ bảo quản, 3 tháng về thăm vợ con một lần (có khi dài hơn), tôi chợt nghĩ không kém gì lính đảo! Nhưng với các anh khi trò chuyện vẫn bảo là “quen rồi, xa rừng nhớ”. Nhưng chúng tôi ngầm hiểu họ yêu rừng, trách nhiệm và cả chuyện mưu sinh. Bên cạnh đó là sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia thăm hỏi, động viên thường xuyên và cả những vị khách vãng lai như chúng tôi chia sẻ động viên cũng làm cho những cán bộ bảo vệ rừng thêm nghị lực, niềm tin tiếp tục công tác. Chia tay các anh chúng tôi không quên có những cái ôm thật chặt bằng cả tấm lòng trân trọng và ghi hình kỷ niệm, hẹn ngày gặp lại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thân yêu!

Câu chuyện của dòng chảy về Vườn Quốc gia Bù Gia Mập khiến người viết liên tưởng đến một đoạn ca từ sâu sắc và đáng yêu trong bài hát “Màu xanh của rừng” của cố nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã sáng tác trong một lần Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mời về đi thực tế sáng tác tại Bình Phước “Trong trăm năm một kiếp người, nghe thiên thu gọi nhớ đời…”. Chúng tôi đã trao tặng bài hát này và đĩa VCD cho Giám đốc Vương Đức Hòa để giới thiệu, quảng bá đến cán bộ, nhân viên và du khách về Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
 

Tác giả bài viết: Phạm Hiến (Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn