Liệu chúng ta có thể cứu những đàn voi cuối cùng của trái đất?
Thứ tư - 12/08/2020 08:49
Liệu chúng ta có thể cứu những đàn voi cuối cùng của trái đất?
Voi là một loài động vật thông minh và giàu cảm xúc. Chúng có hành vi và khả năng biểu cảm gần giống con người nhất. Chúng có tập tính xã hội cao – gắn kết sâu sắc, thân tình với đồng loại. Voi biết yêu thương, che chở, giận dữ và nhớ lâu. Sự hung hãn của những con voi độc đàn cũng bắt đầu từ sự cô độc. Cũng như chúng ta cần sống trong gia đình, voi cần sống theo đàn, thường là một gia đình với 3 thế hệ - voi bà, voi mẹ và voi con. Cổ súy cho việc sử dụng và mua bán các sản phẩm ngà voi là chúng ta đang đẩy voi đến cảnh tan đàn, đến bờ vực tuyệt chủng.
Việt Nam đã từng là nước có nhiều đàn voi lớn. Nhưng chỉ trong 40 năm trở lại đây, quần thể voi hoang dã của nước ta đã giảm trên 90%. Còn ở Châu Phi, từ hơn một triệu cá thể vào thập kỷ 80, hiện chỉ còn hơn 400 ngàn cá thể. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các quần thể voi hoang dã trên toàn thế giới suy giảm nghiêm trọng là do voi bị săn bắn để lấy ngà.
Việt Nam ngày càng trở thành thị trường trung chuyển và sử dụng trái phép ngà voi từ châu Phi với khối lượng lớn. Ước tính mỗi năm, những cánh rừng châu Phi mất đi khoảng 23.000 cá thể voi do bị săn bắn để lấy ngà nhằm thỏa mãn nhu cầu của các thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Theo tổ chức FATF, một tổ chức liên chính phủ chuyên theo dõi vấn đề rửa tiền, nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, trong đó có ngà voi, là mối đe dọa toàn cầu, có liên quan đến các tội phạm có tổ chức khác như khủng bố, buôn ma túy và buôn bán vũ khí. Loại hình buôn bán bất hơp pháp này ước tính có doanh thu lên tới 23 tỷ USD mỗi năm.
Luật pháp Việt Nam qui định voi là loài được bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tác, quảng cáo các sản phẩm từ voi, đặc biệt là ngà voi đều vi phạm pháp luật. Theo qui định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi năm 2017, các vi phạm trên có thể bị xử tù đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỷ đồng.
Đặc biệt, sự lây truyền các bệnh từ động vật hoang dã sang người trong đó có COVID-19 đã thúc giục mạnh mẽ các chính phủ mạnh tay chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Mới đây thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị số 29/2020/TTg ngày 23/7 kiên quyết dẹp bỏ các chợ, tụ điểm mua, bán động vật hoang dã trái pháp luật và có chế tài xử phạt việc tiêu thụ trái pháp luật động vật hoang dã. Thủ Tướng còn yêu cầu các bộ ngành phối hợp tốt hơn để xử lý các vấn đề buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, thắt chặt việc gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại; nghiêm cấm cán bộ nhà nước và thân nhân của họ tham gia vào mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, chế biến các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.
Tác giả bài viết: Vườn quốc gia Bù Gia Mập