Trang nhất » Tin Tức » Tin tức

Nhiều loài sinh vật mới được ghi nhận, mô tả và công bố quốc tế tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ hai - 04/11/2024 13:46
Nhiều loài sinh vật mới được ghi nhận, mô tả và công bố quốc tế tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Nhiều loài sinh vật mới được ghi nhận, mô tả và công bố quốc tế tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

         Hoạt động nghiên cứu phân loại sinh vật là hoạt động khoa học cơ bản, có một vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, giúp chúng ta nắm được một cách hệ thống các đặc điểm của sinh vật, thông qua việc mô tả, đặt tên loài và sắp xếp sinh vật thành hệ thống phân loại sinh vật. Từ đó ứng dụng trong nghiên cứu tiến hóa của sinh vật, bảo tồn, nghiên cứu lai tạo giống, nuôi trồng và phát triển sản phẩm hàng hóa phục vụ xã hội…
          VQG Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước là khu rừng đặc dụng nằm ở vị trí chuyển tiếp từ cao nguyên M’Nông xuống đồng bằng Đông Nam Bộ với nhiều giá trị đa dạng sinh học đặc biệt, có ý nghĩa khoa học và môi trường to lớn đối với xã hội. Trong những năm qua các hoạt động nghiên cứu đa dạng sinh học đã phát hiện 1.114 loài thực vật có mạch, thuộc 5 nghành, 59 bộ, 129 họ. Đối với động vật có 105 loài thú, 249 loài chim, 86 loài bò sát ếch nhái, 163 loài côn trùng và hiện nay còn rất nhiều nhóm loài chưa có nghiên cứu chi tiết (Thực vật bậc thấp, sinh vật thủy sinh, khu hệ Nấm, động vật đất…).
          Trong nghiên cứu phân loại sinh vật tại VQG Bù Gia Mập các nhà khoa học đã có nhiều phát hiện và công bố thế giới nhiều loài sinh vật quan trọng, trong đó có những loài vô cùng quý giá trực tiếp đến con người (giá trị dược liệu) và những loài đặc hữu và không nơi nào có được.
          * Năm 2012 Các nhà khoa học đến từ Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga công bố loài Nhện mới cho khoa học là Dolicheremaeus buigiamapensis sp. nov, và 02 loài loài thuộc bộ Ve giáp là Pergalumna pseudosejugalis sp. nov. và Oribatella gerdweigmanni sp. nov. Các nghiên cứu được công bố trên chí của Trường Đại học Wroclaw và tạp chí ZOOSYSTEMATICA ROSSICA năm 2012.


* Thằn lằn móng ngón bù gia mập (Cyrtodactylus bugiamapensis sp. nov.) thuộc họ tắc kè (Gekkondidae), được công bố trên tạp chí Zootaxa năm 2012. Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học đến Viện sinh học Nhiệt Đới, Viện Tài nguyên Sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bảo tàng động vật Moscow – Liêng Bang Nga, Vườn Bách thú – Cộng Hòa Liêng Bang Đức.

Thằn lằn móng ngón bù gia mập là loài sinh vật đặc hữu tại VQG Bù Gia Mập, cho đến nay không có công bố ghi nhận ở bất kỳ khu vực nào khác.
          Đối với thực vật, đến nay có nhiều phát hiện mới vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển sinh vật:
          * Năm 2013 công bố loài nghệ Leonid (Curcuma leonidii Škorničk. & Lưu) trên tạp chí Phytotaxa, bởi các nhà khoa học đến từ Vườn Bách thảo Singapore hợp tác cùng Viện Sinh thái học Miền Nam. Đây là loài có tiềm năng lớn cho nghiên cứu ứng dụng gây trồng dưới tán cây công nghiệp tại địa phương.

Loài Nam tinh được công bố trên tạp chí Annales Botanici Fennici năm 2014, có tên khoa học là Arisaema chauvanminhii Luu, Q.D. Nguyen & N.L. Vu, sp. nova, thuộc chi Nam tinh (Arisaema), họ Ráy (Araceae). Công bố này thuộc chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Sinh thái học Miền Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) và VQG Bù Gia Mập trong hoạt động nghiên cứu loài và sinh cảnh rừng quan trọng tại Bù Gia Mập giai đoạn từ năm 2008 – 2012. Các loài thuộc chi Arisaema có tiềm trong nghiên cứu trồng làm cảnh và nghiên cứu phát triển dược liệu và thực phẩm chức năng.

* Loài Trà hoa vàng bù gia mập được công bố trên tạp chí Novon A Journal for Botanical Nomenclature năm 2024, có tên khoa học Camellia bugiamapensis Orel, Curry, Luu & Q. D. Nguyen, sp. nov, thuộc chi chè (Camellia), họ chè (Theaceae). Công bố này thuộc chương trình hợp tác quốc tế giữa Vườn thực vật Hoàng gia Úc và Viện Sinh thái học Miền Nam triển khai thực hiện nghiên cứu tại VQG Bù Gia Mập. Trà hoa vàng bù gia mập là loài thực vật đặc hữu tại VQG Bù Gia Mập, loài phân bố khá hẹp (trong vòng bán kính 01km2, tại khu vực đường biên giới với Campuchia), số lượng cá thể trưởng thành ngoài tự nhiên là vô cùng ít, các nhà khoa học xếp ở mức độ bảo tồn là cực kỳ nguy cấp (Bậc: CR - IUCN Redlist, 2018), cho thấy đây là loài vô cùng quý hiếm.
          Đến năm 2015 tiếp tục hợp tác giữa Vườn thực vật Hoàng gia Úc và Viện Sinh thái học Miền Nam nghiên cứu tại VQG Bù Gia Mập phát hiện và ghi nhận một loài trà mi mới, có tên khoa học là Camellia campanulata Orel, Curry & Lưu và công bố trong In Pursuit of Hidden Camellias – Vietnam and China.


Tuy nhiên sau khi so sánh với loài Camellia longii spp.nov. được phát hiện và công bố tại VQG Cát Tiên trên tạp chí Nordic Journal of Botany năm 2014, thì thấy rằng hai loài nay có hình thái là loài đồng danh với nhau.
          Đến đầu năm 2024 tiếp tục công bố một loài trà mi mới thuộc họ chè (Theaceae), có tên khoa học Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. nov trên tạp chí DA LAT UNIVERSYTI JOURNAL OF SCIENCE (Volume: 14, Issue 1, 2024. 37-44). Loài trà hòa là một loài thực vật thuộc họ chè, có nhiều điều thú vị đặc biệt và vô cùng bí ẩn, được các nhà khoa học đánh giá là loài có tiềm năng rất lớn cho hoạt động nghiên cứu phát triển dược liệu

* Đối với khu hệ Nấm
          VQG Bù Gia Mập nằm trong vùng nhiệt đới, hàng năm có mùa mưa kéo dài 6-7 tháng, lượng mưa lớn và đổ ẩm cao, nơi có sự đa dạng về thực vật cao, chính vì vậy khu hệ Nấm là vô cùng phong phú, tuy nhiên do việc phân loại loài nấm cần nhiều thiết bị kỹ thuật, củng như việc tiếp cận khu vực nghiên cứu có rất nhiều khó khăn, nên việc điều tra các loài nấm còn rất nhiều thiếu sót.
          Trong năm 2013, các nhà khoa học Liên Bang Nga phối hợp cùng với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga đã phát hiện và công bố 2 loài nấm xốp, thuộc chi Lactifluus, họ Nấm xốp (Russulaceae) trên tạp chí tiếng Nga (Микология и фитопатология) và 02 loài nấm xốp mới có tên khoa học là: Lactifluus chrysocarpusLactifluur igniculus. Đây là phát hiện loài mới cho khoa học về đa dạng dạng của ngành Nấm đầu tin tại VQG Bù Gia Mập.
 
          Việc công bố loài mới cho khoa học tại VQG Bù Gia Mập đã góp phần phát hiện sự phong phú và đa dạng loài sinh vật, từ đó chứng minh vai trò và giá trị của VQG Bù Gia Mập đối với hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn gen sinh vật rừng, bảo vệ môi trường sinh thái chung cho toàn xã hội. Các phát hiện loài mới không chỉ đóng góp giá trị về môi trường sinh thái, mà còn cung cấp tư liệu quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản về sự sống, về tiến hóa và các nghiên cứu ứng dụng phục vụ xã hội (phát triển lương thực, thực phẩm, dược liệu, nguyên liệu, hóa chất …). VQG Bù Gia Mập có vị trí đặc thù, là nơi chuyển tiếp từ Cao nguyên độ cao 1.000 m xuống Đồng bằng Nam Bộ, tiếp giáp tự nhiên và giao thoa đa dạng sinh học với hơn 70.000ha rừng tự nhiên của Campuchia, hơn 40.000ha rừng tỉnh Đắk Nông và gần 9.000 ha rừng phòng hộ Đắk Mai. Các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận định nơi đây là ngôi nhà chung và là nơi bảo tồn sự sống cho nhiều loài sinh vật quý hiếm, nhưng do điều kiện tự nhiên nằm ở vùng sâu, xa, khu vực biên giới, giao thông đi lại khó khăn, địa hình rừng phức tạp do hệ thống đồi núi, khe, suối dày đặc… việc tiếp cận nghiên cứu tại VQG Bù Gia Mập chỉ mới đạt được một phần nhỏ so với giá trị thực tế.
          Trong những năm qua được sự quan tâm của UBND tỉnh và các sở ban nghành tỉnh Bình Phước trong việc đầu tư xây dựng đường giao thông, cơ cở vật chất xã hội được nâng cao và luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, hỗ trợ các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học quốc tế đến nghiên cứu … Vì vậy trong thời gian tới sẽ có nhiều phát hiện và công bố nhiều loài sinh vật quý hiếm khác, củng như công bố các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương…

Tác giả bài viết: Khương Hữu Thắng - Phòng KHHTQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn