Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Bản tin nội bộ

Phát triển mô hình nuôi heo rừng lai theo công nghệ hữu cơ, vi sinh

Chủ nhật - 16/10/2022 20:43
Phát triển mô hình nuôi heo rừng lai theo công nghệ hữu cơ, vi sinh

Phát triển mô hình nuôi heo rừng lai theo công nghệ hữu cơ, vi sinh

Chăn nuôi bán hoang dã heo rừng lai tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật theo hướng hữu cơ an toàn sinh học giúp bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ừng nhu cầu của người tiêu dùng, hướng đến phát triển bền vững.
          Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được thành lập năm 2017. Trung tâm có các chức năng, nhiệm vụ như: Cứu hộ và tái thả động vật hoang dã; Lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; Phát triển bền vững các loài sinh vật và cung ứng nguồn giống cho phát triển gây nuôi bền vững. Nhiệm vụ Phát triển bền vững và cung cấp giống là cơ sở tạo nguồn thu tái đầu tư, phục vụ cho công tác cứu hộ, bảo tồn. Vì vậy, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi các loại động vật có nguồn gốc hoang dã để mang lại nguồn thu. Trong đó, mô hình chăn nuôi heo rừng lai theo hướng bán hoang dã đã bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình này phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên như: diện tích chăn thả, lượng thức ăn trong khu chăn thả, thời tiết… nên Trung tâm đã tìm hiểu để kết hợp mô hình nuôi heo lai hiện tại của Trung tâm với mô hình nuôi heo lai theo công nghệ hữu cơ, vi sinh.
Hình 1: Đàn heo rừng lai tại Trung tâm CHBT và PTSV
 
          Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng tồn dư nhiều hóa chất độc hại gây những hệ lụy tới sức khỏe con người. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa mà một trong những nguyên nhân là do thực phẩm chứa nhiều hoá chất gây bệnh. Do đó, nhu cầu về thực phẩm sạch của con người trở lên cấp thiết. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi hữu cơ theo hướng an toàn sinh học hay công nghệ vi sinh là giải pháp giúp người chăn nuôi tiết kiệm chí phí, bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh đồng thời tạo ra những sản phẩm hữu cơ an toàn và chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững.

         Mô hình chăn nuôi hữu cơ, vi sinh đang dần khẳng định vai trò và hiệu quả trong chăn nuôi các loài vật nuôi nói chung và heo rừng lai nói riêng. Mô hình này không chỉ tối ưu chi phí cho người chăn nuôi mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng cao, điều này sẽ giúp cho các cơ sở chăn nuôi giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Chăn nuôi hữu cơ là loại hình chăn nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn từ tự nhiên, không chất phụ gia. Trong đó bao gồm việc tận dụng nguyên liệu như trái cây thải loại, phế phụ phẩm… để cung cấp chất dinh dưỡng giúp vật nuôi phát triển. Áp dụng công nghệ vi sinh giúp xử lý thức ăn, môi trường trở nên sạch và an toàn cho động vật, loại bỏ hóa chất trong chăn nuôi. Trong đó, người nuôi có thể lựa chọn đa dạng giống vật nuôi, kết hợp với quy trình chăn nuôi gắn với tự nhiên qua đó góp phần duy trì sự đa dạng giống vật nuôi và lưu giữ nguồn gen quý. Chăn nuôi hữu cơ giúp tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái. Chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ bảo vệ sức khỏe của vật nuôi mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất và đảm bảo sự ổn định của môi trường.
Hình 2: Đàn Heo rừng lai với chuồng nuôi có đệm lót sinh học
 
        Thời gian qua, trong lần đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi chúng tôi đã đi tham quan mô hình chăn nuôi heo rừng lai theo hướng hữu cơ tại gia đình anh Bùi Văn Dũng (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông). Trang trại có gần 100 con heo rừng lai và nhiều vật nuôi khác. Trại bắt đầu áp dụng quy trình công nghệ vi sinh khoảng 3 năm nay. Thời gian đầu chăn nuôi theo hướng công nghiệp nhỏ lẻ không hiệu quả. Vật nuôi được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2018, giá heo hơi trên thị trường xuống thấp, giá thức ăn tăng cao. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hạch toán kinh tế không có lợi nhuận. Do đó, anh đã quyết định chuyển sang mô hình nuôi theo phương pháp hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng thịt heo được nâng cao khiến nguồn cung loại thịt này không đủ đáp ứng nhu cầu. Anh Dũng mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại với 7 ô chuồng lớn và 3 ô chuồng nhỏ xử dụng công nghệ đệm lót sinh học. Điều đó giúp phân giải tốt chất thải, bảo vệ môi trường. Đến nay quy mô trang trại được mở rộng theo hướng hữu cơ vi sinh lên hơn 1 ha. Trang trại đã thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín từ sinh sản đến xuất chuồng. Thức ăn được chế biến theo công nghệ vi sinh: các phế phụ phẩm nông nghiệp, như rau cỏ các loại, cây chuối băm nhuyễn trộn với cám xay. Điều đó vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng thức ăn cho đàn heo. Hiện trang trại tự sản xuất được 80% nguồn thức ăn, 20% còn lại là nguồn cám bắp, cám gạo mua bên ngoài. Việc chủ động, tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên giúp trang trại tránh được tác động khi giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến. Quá trình chăn nuôi của trang trại hoàn toàn không sử dụng chất tăng trọng, hạn chế sử dụng kháng sinh nên thời gian nuôi dài hơn so với nuôi công nghiệp. Tuy nhiên sản phẩm chăn nuôi chất lượng tốt nên luôn bán được giá cao gấp gần 2 lần so với sản phẩm thông thường. 
Hình 3: Thức ăn tự nhiên an toàn cho đàn heo tại Trung tâm CHBT và PTSV
 
        Mô hình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ, bán hoang dã đang được triển khai thực hiện tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Trại nuôi được thiết kế phân khu riêng biệt gồm: chuồng sinh sản, chuồng heo con sau cai sữa, chuồng nuôi thương phẩm… Bên cạnh đó, Trung tâm có khu vực chăn thả để heo tự kiếm ăn. Chăn nuôi hữu cơ kết hợp thả bán hoang dã giúp tiết kiệm lượng lớn thức ăn. Tuy nhiên, thời tiết là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến đàn heo. Chúng thường bị bệnh hàng loạt vào những thời điểm giao mùa và khi thời tiết mưa nhiều khiến tỉ lệ hao hụt tăng cao dẫn tới lợi nhuận giảm. Điều đó khiến Trung tâm phải thay đổi bằng việc kết hợp giữa chăn thả bán hoang dã và công nghệ hữu cơ vi sinh. Chuồng nuôi được thiết kế lại một cách liên hoàn và sử dụng đệm lót sinh học. Heo con được nuôi trong chuồng đến khi đạt trọng lượng từ 10kg sẽ được thả bán hoang dã. Thức ăn được chế biến bằng công nghệ vi sinh.
Hình 4: Nguồn heo rừng lai giống tại Trung tâm CHBT và PTSV
 
          Việc áp dụng công nghệ hữu cơ vi sinh kết hợp chăn thả bán hoang dã mang lại nhiều lợi ích như: tỉ lệ hao hụt heo con giảm, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, tránh gây ô nhiễm môi trường. Heo con được nuôi trong các ô chuồng đệm lót sinh học rất đảm bảo vệ sinh, được ăn thức ăn xử lý vi sinh nên giảm bệnh tật. Nguồn thức ăn tự nhiên được chế biến theo công nghệ hữu cơ vi sinh giúp nâng cao khả năng hấp thụ của vật nuôi, giảm chi phí mua thức ăn. Đệm lót sinh học giúp xử lý mùi và chất thải trong chuồng nuôi làm giảm ô nhiễm môi trường. Đó là các mục tiêu mà Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật hướng đến. Trung tâm sẽ tiến hành chuyển giao mô hình cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đồng thời thực hiện hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi, tư vấn xây dựng chuồng trại, cung cấp dịch vụ thú y… và thu mua lại sản phẩm. Qua đó tạo dựng được môi trường phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng bền vững. Hiện tại, nhờ chăn nuôi bán hoang dã và cho ăn các loại rau, củ tự nhiên nên chất lượng thịt heo rất tốt. Sản phẩm của Trung tâm được ưa chuộng và đặt mua với giá cao. Trung tâm đã chủ động được nguồn heo giống tại chỗ đảm bảo tiêu chuẩn sẵn sàng cung cấp cho cơ sở khác có nhu cầu. Mô hình kết hợp chăn thả bán hoang dã với công nghệ hữu cơ vi sinh hứa hẹn sẽ giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Trọng – Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn