Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Bản tin nội bộ

Ứng dụng SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Chủ nhật - 29/05/2022 11:54
Ứng dụng SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Ứng dụng SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

           SMART là từ viết tắt tiếng Anh của “Spatial Monitoring and Reporting Tool”. SMART là công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện khả năng thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn. Công cụ SMART có tính ứng dụng cao được phát triển bởi sự hợp tác đa phương giữa các tổ chức bảo tồn và các tổ chức liên quan bao gồm: Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Chương trình giám sát săn bắn Voi trái phép của CITES (CITES-MIKE), Hội động vật Frankfurt (FZS), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC), Vườn thú Bắc Carolina (NCZ), Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Hiệp hội Vườn thú Luân Đôn (ZSL) và Quỹ quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF).
          Phiên bản đầu tiên của SMART đã được các nhà phát triển giới thiệu vào tháng 2/2013, tại Seoul, Hàn Quốc. Sau một thời gian thử nghiệm, ngày 21/3/2013, cộng đồng các tổ chức bảo tồn đã công bố SMART như một phần mềm miễn phí được xây dựng để hỗ trợ công tác tuần tra trên thực địa và giám sát đa dạng sinh học, ngăn chặn các hoạt động săn, bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã bất hợp pháp. Hiện nay, SMART đã được triển khai ứng dụng rộng rãi tại hơn 70 quốc gia thuộc Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Á; đặc biệt tại Khu vực Đông Nam Á đã có một số nước đã và đang triển khai ứng dụng SMART như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
          Tại Việt Nam, công cụ SMART đã bắt đầu được triển khai áp dụng kể từ tháng 11/2013 tại 03 khu rừng đặc dụng bao gồm: VQG Bái Tử Long, VQG Bidoup - Núi Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế để đưa SMART đến Việt Nam với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thông qua dự án “Chương trình Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam (GIZ-Bio)”, Vụ Bảo tồn thiên nhiên của Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Vụ QLRĐDPH) và Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn Việt Nam (VNPPA).
          Tháng 7/2016, Vụ BTTN (nay là Vụ QLRĐDPH) tiếp tục phối hợp với Dự án GIZ triển khai SMART tại 07 đơn vị, bao gồm các Vườn quốc gia: Cúc Phương, Bù Gia Mập, Du Già - Cao nguyên Đá Đồng Văn, Núi Chúa, Xuân Sơn; các Khu bảo tồn thiên nhiên: Hoàng Liên - Văn Bàn, Xuân Liên. Việc mở rộng quy mô áp dụng SMART nhằm đánh giá tính hiệu quả của công cụ trong quá trình thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học, từ đó cơ quan cấp quản lý có cơ sở nhân rộng triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 34 đơn vị đang triển khai SMART tại Việt Nam, bao gồm: 15 Vườn quốc gia, 17 Khu bảo tồn và 02 Khu rừng phòng hộ.
          VQG Bù Gia Mập đã triển khai ứng dụng SMART kể từ tháng 7/2016, với phiên bản đầu tiên được sử dụng tại Vườn là SMART Desktop (smart.3.3.1.win32_vi). Sau 05 năm triển khai ứng dụng SMART Desktop tại Vườn, kết quả cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích cho Vườn trong việc quản lý, chỉ đạo công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng SMART Desktop thực tế tại Vườn cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và gặp các vấn đề trục trặc về kỹ thuật như: phiên bản áp dụng (cũ), ngôn ngữ và mô hình dữ liệu chưa đồng bộ. Ngoài ra, các quy định về ghi chép, thu thập thông tin vào phiếu/biểu giấy, truyền tải và lưu trữ dữ liệu, cũng như quy trình báo cáo và sử dụng báo cáo phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược quản lý vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Năm 2021, dưới sự hỗ trợ của dự án GIZ-Bio thông qua Vụ QLRĐDPN - Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Vườn và Khu bảo tồn Việt Nam (VNPPA), VQG Bù Gia Mập đã tiếp nhận các máy móc, trang thiết bị hiện đại để triển khai áp dụng SMART Mobile tại Vườn.
          Sau 02 tháng triển khai áp dụng SMART Mobile trên thiết bị điện thoại thông minh (từ ngày 01/11 đến 31/12/2021), các cán bộ phụ trách SMART của Vườn đã bước đầu đánh giá được những ưu điểm của SMART Mobile vượt trội hơn hẳn so với phiên bản SMART Desktop trước đây. Cụ thể, với SMART Desktop trước đây, việc thu thập các thông tin trên hiện trường được thực hiện thông qua các công cụ như máy định vị GPS cầm tay, phiếu/biểu giấy và máy ảnh, sau đó được nhập một cách thủ công vào máy tính. Việc thu thập và nhập thông tin, báo cáo kết quả tuần tra, giám sát trên hiện trường theo phương pháp cũ trước đây tốn nhiều thời và phát sinh nhiều rủi ro khi quản lý phiếu, lỗi khi ghi chép hoặc lỗi khi nhập dữ liệu (đặc biệt là khi số phiếu/biểu giấy nhiều). Tuy nhiên, theo phương pháp thu thập thông tin và số liệu trên hiện trường thông SMART Mobile như hiện nay sẽ nhanh chóng và chính xác hơn vì đã có mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau để thu thập các dữ liệu cần thiết trên thực địa. Ngoài ra, SMART Mobile còn được tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của Vườn, kèm theo các tính năng khác như định vị (sử dụng sóng vệ tinh), xác định góc phương vị, độ cao so với mực nước biển, tốc độ di chuyển và tính năng đính kèm hình ảnh tại vị trí ghi nhận thông tin trên thực địa.


Bản đồ nền VQG và các trường thông tin đã được tích hợp sẵn trong SMART Mobile (Ảnh Phan Văn Biên)


Các trường thông tin chi tiết đã được tích hợp sẵn trong SMART Mobile (Ảnh Phan Văn Biên)

Cán bộ kiểm lâm và lực lượng nhận khoán BVR ứng dụng SMART Mobile trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học (Ảnh Phan Văn Biên)

Sau khi kết thúc tuần tra, các thông tin, số liệu thu thập được trên hiện trường thông qua SMART Mobile sẽ được chuyển tải vào SMART Desktop để lập truy vấn và truy xuất báo cáo thông qua hệ thống máy tính chủ.

Dữ liệu tuần tra từ SMART Mobile được nhập vào SMART Desktop trên máy tính
 
Như vây, SMART là công cụ hữu hiệu, đã hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo Vườn trong việc quản lý và giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học. Từ đó, lãnh đạo Vườn sẽ có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn của cán bộ, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Vườn.

Tác giả bài viết: Phan Văn Biên- Nguyễn Cảnh Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn