Trang nhất » Tin Tức » Du lịch – Bảo tồn » Giáo dục Bảo tồn

Văn hóa bản địa của người M’Nông "Lễ ăn hỏi"

Thứ năm - 30/06/2022 22:43
Văn hóa bản địa của người M’Nông "Lễ ăn hỏi"

Văn hóa bản địa của người M’Nông "Lễ ăn hỏi"

Lễ ăn hỏi của người M’nông ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Lễ dạm ngõ là lễ ăn hỏi (lễ hỏi) là nghi lễ không kém phần quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người M’nông. Lễ hỏi được dịch sang tiếng người M’Nông là “Tăm wăng, tăm ốp, wăng ur” được diễn ra ít nhất là một năm sau lễ dạm ngõ. Lễ này có thể được gộp chung với lễ cưới hoặc tách ra tùy hai bên gia đình.
          Sau thời gian dạm ngõ chàng trai và cô gái vẫn khẳng định yêu nhau thì hai bên gia đình sẽ tiến hành lễ ăn hỏi, mọi nghi thức trong lễ này đều nhằm mục đích mong muốn cho đôi trai gái được đến với nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc.

          Nhà trai tiến hành lễ hỏi vợ cho con trai mình với lễ vật gồm: Hai ống nứa đựng măng chua, ché rượu, gạo trắng, con dao, chiếc lao, chiếc lược (bằng sừng trâu), một chuỗi cườm, một chiếc vòng bằng đồng…và heo, gà. Trong lễ này, một lần nữa hai bên gia đình hỏi lại ý kiến của đôi trai gái có gì thay đổi không trước khi chính thức tiến hành nhận lễ vật. Khi chàng trai và cô gái đều không thay đổi, Ông mối (Bà mối) đeo chuỗi cườm cho cô gái, đeo vòng đồng cho chàng trai. Với nghi thức này hai gia đình đã công nhận cho đôi trai gái thành vợ, chồng. Cũng tại buổi lễ nhà gái bàn bạc tính công nuôi dưỡng cô dâu để thách đố lễ vật đối với nhà trai xin làm lễ cưới (tục thách cưới). Lễ vật nhiều hay ít là tùy ở nhà gái yêu cầu, thường là họ sẽ dựa vào các lễ vật mà bố cô dâu trước đây đi cưới mẹ cô dâu thế nào thì bây giờ nhà trai cũng phải theo y như vậy. Lễ vật gồm: một con trâu to (trâu to hay nhỏ họ căn cứ vào chiếc sừng dài hay ngắn), một thanh la, một con gà, 7 con heo (heo cưới, heo đám hỏi, heo cho ba mẹ, heo cho các chú các bác, cô dì “đền” cho các chị; 10 tố (ché rượu không), 2 sa lung (tố quý của người M’nông), (tố, sa lung nếu không có thì có thể quy ra tiền để đưa cho nhà gái); 2 kiềng đồng (hoặc vàng). Nếu nhà trai không lo đủ lễ mà nhà gái đưa ra như thiếu con trâu có thể xin nhà gái khất lại và cho “cưới tạm” (có nhiều cặp vợ chồng sinh sống với nhau đã 10 -20 năm rồi cưới lại vì thiếu lễ mà nhà gái đưa ra).

           Người M’nông chú rể là người chủ động trong cưới hỏi nhưng phải về ở rể bên nhà gái. Nếu muốn đón dâu về ở nhà trai thì chú rể phải trả đủ lễ cho nhà gái thay vì 1 con trâu, 7 con heo thì nay phải gấp đôi là 2 con trâu, heo có thể 7-9 con tùy nhà gái yêu cầu. Một con trâu để mổ trong ngày cưới còn một con để cho nhà gái nuôi. Người M’nông xem như con họ đã đi theo chồng ở nhà không ai đảm đương việc và con trâu sẽ thay con họ như sự bù đắp (người M’nông họ xem việc cho con gái theo chồng như là bán con nên người M’nông ít khi cho con gái theo chồng). Sau khi hai bên giao ước và đã nhất trí về lễ cưới, họ mới tiến hành bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.
Hình 1: Nhà trai đến hỏi vợ cho con trai (Tiếng của người M’nông là: Tăm wăng, tăm ốp, wăng ur)
       
         Lúc này ở ngoài nhà những người được giao nhiệm vụ bếp núc mới tiến hành mổ heo, gà để ăn mừng. Trong nhà, nhà gái mang ra một con gà trống thiến buộc vào ché rượu làm lễ cúng thần linh, tổ tiên, ông bà. Lấy rượu pha tiết gà bôi lên trán đôi trai gái khẳng định họ là người một nhà không thể chia lìa.

         Khi đoàn nhà trai ra khỏi cửa, người dẫn đầu (bà mối hoặc bố chàng trai) sẽ đọc lời khấn cầu các vị thần linh phù hộ cho cặp vợ chồng trẻ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, con cái trưởng thành giỏi giang…

        Trên đường đi hỏi vợ, nếu nhà trai gặp những dấu hiệu không lành như vượn kêu, quạ kêu, chim ó bay ngang đường, rắn bò ngang đường… (“sêr ma” đó là những đềm báo không lành) thì đoàn hỏi vợ phải quay về đợi đến hôm sau khởi hành. Người M’nông có tín ngưỡng đa thần nên mọi sự vật xung quanh trong tự nhiên đều ảnh hưởng đến đời sống của họ, điều đó thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên và khát vọng chinh phục, chế ngự, giải thích thiên nhiên hiển hiện trong đời sống tâm linh của người M’nông.

          Lễ ăn hỏi là lễ hỏi vợ chỉ thời điểm nhà trai đem lễ vật sang nhà gái để xin kết duyên. Sau khi lễ ăn hỏi hoàn thành, hai bên gia đình sẽ thống nhất và ấn định ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ.

Tác giả bài viết: Điểu Thị Hoa - Trung tâm GDMT và DVMTR

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn