Trang nhất » Tin Tức » Tin tức

Xây dựng Vườn quốc gia Bù Gia Mập thành “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”

Thứ hai - 25/12/2023 16:48
Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước hiện đã được công nhận là khu du lịch sinh thái quốc gia, đạt tiêu chí đề cử di sản thiên nhiên cấp quốc gia và khu Vườn di sản ASEAN (AHP).
Hiện tỉnh Bình Phước và Ủy ban nhà nước đang khảo sát lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” tỉnh Bình Phước với vùng lõi là toàn bộ VQG hiện hữu, vùng đệm bao gồm huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và 1 phần huyện Tuy Đức của Đắk Nông.
VQG Bù Gia Mập nằm ở điểm cuối dãy Trường Sơn Nam, trên địa phận hành chính huyện Bù Gia Mập, đây là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với diện tích gần 26.000ha, độ che phủ trên 90%. Phần lớn là rừng tự nhiên với hai kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới tạo nên tính đa dạng của các loài thực vật, từ đó tạo sinh cảnh thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển.
                      
                                    Du khách tham quan, khám phá Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Mặc dù địa giới liền kề Đắk Nông, một tỉnh Tây Nguyên, nhưng VQG Bù Gia Mập không thuộc Tây Nguyên, không thuộc dãy Trường Sơn. Đỉnh núi cao nhất nằm sát Đắk Nông chỉ 738m so với mực nước biển, còn địa hình Tây Nguyên có độ cao từ 1.000m trở lên… Sự khác nhau về thổ nhưỡng, thời tiết cũng tạo ra một khu rừng có hệ sinh thái mang những đặc trưng riêng của khu vực Đông Nam bộ, đặc tính sinh học khác hẳn với rừng khu vực Tây Nguyên.
Thác Đắk Bô có 3 tầng, mỗi tầng có 1 bãi tắm rộng, đủ cho cả trăm người tắm. Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của VQG Bù Gia Mập bị chia cắt mạnh, tạo ra những đồi núi, thung lũng, đan xen với khoảng 20 con suối lớn nhỏ và những thác nước rất đẹp như: Đắk Mai, Đắk Bô, Đắk Ca, Đắk Rốt, Lưu Ly, Đắk Sam... Cảnh quan của Vườn rất đa dạng và hấp dẫn.
Kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học gần nhất tại VQG Bù Gia Mập cho thấy, đây là nơi có hệ sinh thái đặc hữu với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Về hệ thực vật, VQG có 1.114 loài thuộc 480 chi và 126 họ, với nhiều cây thuộc họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao. Trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm, 11 loài nằm trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 14 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007), 76 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, có 5 loài được ghi trong Công ước Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES)… cùng với 278 giống cây dùng làm thuốc.
Về hệ động vật, có 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá. Có 106 loài nguy cấp quý hiếm, 9 loài trong Sách Đỏ thế giới (IUCN năm 2020), 15 loài trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 84 loài được ghi trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và 40 loài được ghi trong danh lục của CITES năm 2019.
Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng, VQG Bù Gia Mập còn là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật đặc hữu phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái, không chỉ trong nước mà mang tầm quốc tế. Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập cho biết, ại VQG Bù Gia Mập có 2 cộng đồng dân cư bản địa sống lâu đời và đóng góp cho Vườn một nét văn hoá bản địa đặc trưng, đó là cộng đồng người Stiêng và MNông.
VQG Bù Gia Mập còn là nơi ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14C hay còn gọi ĐT741 dài hơn 20km nối Tây Nguyên với khu vực Đông Nam bộ. Trong lõi VQG Bù Gia Mập còn có một Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt: Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96. Cùng với Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, đây là 2 di tích thuộc mạng lưới di tích Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh.
 “Trong một tương lai không xa, VQG Bù Gia Mập sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 của Việt Nam và thứ 3 ở khu vực Đông Nam bộ”, ông Vương Đức Hoà cho biết.
Từ năm 2003 đến nay, Vườn đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, các đồn biên phòng, diện tích năm sau tăng hơn năm trước. Nếu như năm 2003 diện tích giao khoán chỉ mới 2.600ha với 2 đơn vị tham gia, thì đến nay hơn 90% diện tích rừng đã được giao cho 15 đơn vị nhận khoán với hơn 500 hộ dân tham gia.
Theo ông Hòa, mỗi hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể nhằm tăng thu nhập cho các hộ đồng bào tham gia nhận khoán, đồng thời giảm áp lực vào rừng, nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tại cộng đồng thôn Bù Rên, anh Điểu Thiên, 37 tuổi, Tổ trưởng cho biết, tổ có 30 hộ, nhận khoán gần 1.800ha. Anh vào cộng đồng đã được 10 năm. Mỗi tháng anh làm từ 10-15 ngày, bình quân mỗi tháng được 3 triệu đồng. Theo anh Thiên: “Người ở đây ít phá rừng lắm, chuyện phá rừng là toàn người vùng khác đến phá thôi. Nhưng giờ không còn ai dám phá rừng nữa, phá đi tù chết luôn đó”.
Ngày 25/11/2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 39 cây thuộc quản lý của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập, bao gồm: Quần thể 37 cây săng lẻ, 1 cây sộp và 1 cây tung. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Phước tiên phong làm hồ sơ đăng ký đề nghị xét duyệt Cây di sản Việt Nam theo tiêu chí cây đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên; có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử....
 

Tác giả bài viết: fb

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: quốc gia

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn