Trang nhất » Tin Tức » Du lịch – Bảo tồn » Giáo dục Bảo tồn

Bảo tồn loài Vượn đen má vàng

Thứ ba - 17/04/2018 10:48
BẢO TỒN LOÀI VƯỢN ĐEN MÁ VÀNG LÀ BẢO VỆ GIÁ TRỊ CỦA CUỘC SỐNG      
Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae (Thomas, 1909)) có con đực màu đen, túm lông ở 2 bên má màu vàng. Con cái toàn thân màu vàng, có chỏm lông màu đen ở đỉnh đầu, sống theo gia đình từ 3 – 5 cá thể gồm có bố mẹ và các con. Thức ăn của chúng là lá cây, chồi non, quả cây và côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Bắt đầu sinh sản vào năm thứ 7 – 8. Thời gian mang thai 7 – 8 tháng. Hai năm đẻ một lần, mỗi lần đẻ một con. Ngoài ra Vượn đen má vàng có cánh tay khỏe, đặc biệt cổ tay rất dẻo để chuyền từ cành này sang cành khác. Cú quăng mình của chúng xa tới cả chục mét. Vì vậy chúng  còn được mệnh danh là 1 diễn viên xiếc siêu đẳng. Đây cũng là điều đáng chú ý để chúng ta học tập, nghiên cứu và tìm hiểu. Nó được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, Vượn đen má vàng hiện tại nằm trong sách đỏ thế giới IUCN ở cấp EN (nguy cấp) và sách đỏ Việt Nam (EN), và theo báo cáo của tổ chức Bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) trong 10 năm qua số lượng các loài Vượn của Việt nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Và không chỉ có 2 tổ chức và nhiều nhà bảo tồn khác quan tâm, mà Hiệp hội cá và động vật hoang dã hoa kỳ cũng có sự quan tâm rất lớn. Vì vây trong những năm gần đây họ đã tài trợ để bảo tồn loài Vượn đen má vàng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo báo cáo về loài Vượn đen má vàng, thì Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có khoảng 400 cá thể (Hoang Minh Duc et al., 2010)
Vậy tại sao lại có sự quan tâm rất lớn của các tổ chức và các nhà bảo tồn trên thế giới đối với loài này? Bởi vì trong 1 hệ sinh thái mỗi loài đều có vị trí, vai trò nhất định trong quá trình vận hành và tồn tại của hệ sinh thái đó. Mỗi loài đều là 1 mảnh ghép của cuộc sống, một loài mất đi có thể dẫn đến các loài khác vĩnh viễn mất đi và thậm chí là cả hệ sinh thái đó sẽ bị thay đổi và phá hủy. Loài Vượn đen má vàng bị tuyệt chủng rất có thể cũng có loài khác bị tuyệt chủng, bởi mất đi sự cân bằng sinh thái. Ngoài ra Vượn đen má vàng còn được coi là tổ tiên của loài người, vì chúng có nhiều đặc điểm giống con người về bộ gen, không có đuôi, có 4 chi, di chuyển chủ yếu bằng tay, nhưng cũng có thể đi bằng 2 chân. Chúng là loài thông minh, sống thành gia đình, và rất chung thủy, theo chế độ 1 vợ, 1 chồng theo suốt cuộc đời. Nếu 1 con đực hoặc con cái bị chết thì con kia có thể sẽ chết theo. Đây là một giá trị mang tính giáo dục rất cao, mà con người chúng ta cần phải tìm hiểu. Không chỉ vậy Vượn đen má vàng còn có tiếng hót rất hay, vì vậy chúng được mệnh danh là ca sỹ của rừng xanh, tiếng hót của chúng ngân vang, ngân xa, giống như những bản tình ca làm đắm say lòng người khi đi dạo trong rừng vào mỗi buổi sớm mai. Và bản nhạc rừng này cũng có ý nghĩa sâu sắc, nó dùng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, củng cố quan hệ vợ chồng hay tìm bạn đời. Không thể diễn tả hết được cảm xúc về những bản nhạc rừng này, nhưng khi nghe xong mọi lo âu buồn phiền của cuộc sống hiện tại sẽ biến mất, chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhàng và sảng khoái khi được hòa mình và thưởng thức những điều kỳ diệu của thiên nhiên.
            Trên đây chỉ là những điều chúng ta biết về loài Vượn đen má vàng. Tuy nhiên còn rất nhiều điều bí ẩn thú vị khác của Vượn đen má vàng và thiên nhiên đang chờ con người chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu.
            Vậy, nếu loài Vượn không tồn tại ngoài thiên nhiên, mà chỉ còn trên tranh vẽ, sách vở, thì chúng ta sẽ nghĩ sao? Con cháu của chúng ta có còn được nghe bản hợp khúc rừng xanh, được thấy vẻ khéo léo, bộ óc thông minh và bộ gen nguyên thủy… vv của loài Vượn đen má vàng, nếu loài này thực sự mất đi, thì chúng ta sẽ mất đi một miếng ghép tuyệt đẹp của thiên nhiên, mất đi sự cân bằng sinh thái và có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống trên trái đất. Như thế chúng ta mới thấy thiên nhiên đã ban tặng cho con người quá nhiều điều đẹp đẽ. Vì vây ngay từ bây giờ chúng ta phải có những hành động để bảo vệ loài Vượn đen má vàng và các loài động vật khác để không phải nghe những tiếng than thở giống như khi Tê giác một sừng của Việt Nam bị tuyệt chủng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lời bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF tại Việt Nam) “Thật đau lòng khi những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam".
                                                                                                Tác giả: Kiều Đình Tháp
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ VƯỢN ĐEN MÁ VÀNG TẠI VQG BÙ GIA MẬP
Vượn đen má vàng (Con cái)

Vượn đen má vàng (Con đực)
 
 
 
 

 
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn