Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Hợp tác

Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ tư - 15/09/2021 15:37
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn tính đa dạng sinh học là một bước đi cần thiết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển
Nằm ở phía bắc của tỉnh Bình Phước, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập (Vườn) có tổng diện tích tự nhiên là 25.651,58 ha, trong đó có 25.363,69 ha diện tích đất rừng tự nhiên (chiếm tỷ lệ 98,9%). Vườn còn mang nhiều nét nguyên sơ với tính đa dạng sinh học rất cao được các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Từ những điều tra trong lâm phần Vườn, các nhà khoa học đã ghi nhận sự đa dạng về các loài động, thực vật nguy cấp, quí, hiếm được liệt kê trong Sách đỏ của Thế giới (IUCN), Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí, hiếm như chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gấu, voi, bò tót, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, các loài hoa lan và các loài cây khác có giá trị làm dược liệu.


Cán bộ khoa học, kiểm lâm, và các cộng đồng tham gia tuần tra bảo vệ trong lâm phần Vườn

Xác định được vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Ban giám đốc và tập thể CBNV đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thực tiễn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tại khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hàng năm, BQLVQG Bù Gia Mập triển khai các hoạt động giám sát ĐDSH trên toàn lâm phần với sự tham gia của phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Hạt kiểm lâm các cộng đồng địa phương đang làm công tác nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) tại Vườn. Đây là một hoạt động nhằm đánh giá hiệu quả và xây dựng các chiến lược tuần tra nhằm bảo vệ hữu hiệu rừng VQG Bù Gia Mập. Khi tham gia vào các hoạt động điều tra và giám sát ĐDSH, các cộng đồng sẽ có cơ hội nhận biết và đánh giá thực tiễn khu vực nhận khoán để đảm bảo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ rừng đã ký kết.


Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tham gia gỡ bẫy trong lâm phần vườn

Các hoạt động giám sát ĐDSH tại Vườn được duy trì thường xuyên và liên tục nhằm kịp thời đánh giá những biến động về tài nguyên trong lâm phần. Việc giám sát ĐDSH được thực hiện trên 07 tuyến và 06 điểm cố định trong các sinh cảnh rừng khác nhau thuộc lâm phần Vườn. Hàng quí, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thu thập, phân tích thông tin, và xây dựng báo cáo giám sát đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm góp phần vào công tác quản lý và bảo tồn hiệu quả tài nguyên rừng của Vườn.


Một cá thể bò tót được ghi nhận bằng bẫy ảnh trong lâm phần Vườn

Việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những bước tiến mới nhằm đảm bảo thông tin trong quá trình giám sát ĐDSH tại Vườn. Trong những năm qua, bẫy ảnh đã được sử dụng để ghi nhận sự hiện diện của các loài động vật hoang dã đồng thời tăng độ tin cậy về thông tin của phân bố loài trong lâm phần vườn. Nhiều điểm đã được lắp đặt bẫy ảnh để ghi nhận các loài chim và thú hoạt động ở mặt đất. Các cán bộ khoa học của Vườn đã ghi nhận được những hình ảnh rõ nét về các loài động vật nhút nhát và nhạy cảm với sự xuất hiện của con người như Bò tót, Nai, Hoẵng, Cheo cheo, Heo rừng, Khỉ đuôi lợn, Chồn vàng, và Gà lôi hông tía.


Một cá thể gà lôi hông tía được ghi nhận bằng bẫy ảnh


Một cá thể hoẵng được ghi nhận bằng bẫy ảnh

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát ĐDSH làm tăng độ tin cậy của thông tin về các loài trong lâm phần Vườn. Trước đây, kết quả nghiên cứu chủ yếu dựa vào thông tin phỏng vấn và thiếu những hình ảnh trực quan về sự hiện của loài. Việc sử dụng bẫy ảnh  tạo ra độ tin cậy rất cao và khẳng định một cách chắc chắn về sự hiện diện của các loài nói trên tại Vườn. Những kết quả ghi nhận kể trên là những thông tin đầu vào rất quan trọng BQLVQG Bù Gia Mập lập kế hoạch bảo tồn và giám sát sự thay đổi của các quần thể loài, giám sát ĐDSH và hiệu quả của các chương trình dự án trong tương lai.


Đàn heo rừng được ghi nhận bằng bẫy ảnh trong lâm phần Vườn


Hai cá thể chồn vàng được ghi nhận bằng bẫy ảnh trong lâm phần vườn

Bên cạnh việc sử dụng thiết bị bẫy ảnh để ghi nhận thông tin về các loài động vật hoang dã, BQLVQG Bù Gia Mập đã sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) được tích hợp ứng dụng Avenza Maps cho phép tải bản đồ địa hình và bản đồ hiện trạng rừng để hỗ trợ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Các bản đồ này đã hỗ trợ đắc lực cho các cán bộ Khoa học, cán bộ Kiểm lâm và lực lượng nhận khoán BVR trong quá trình thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát ĐDSH và tuần tra BVR. Với những tính năng vượt trội như định vị GPS không cần kết nối internet (thông qua sóng vệ tinh) và tích hợp la bàn định hướng, ứng dụng Avenza Maps có thể tự động lưu lại các lộ trình di chuyển ở trong rừng. Khi phát hiện các loài động, thực vật quí, hiếm và các tác động của con người, điện thoại thông minh có thể cho phép ghi lại những hình ảnh về các chứng cứ ghi nhận có hiển thị đầy đủ các thông tin như ngày, giờ, tọa độ địa lý, độ cao so với mực nước biển và góc phương vị thông qua ứng dụng chụp hình Timestamp Camera.


Đàn khỉ đuôi lợn được ghi nhận trong lâm phần Vườn

Việc ứng dụng công nghệ di động cho phép các hoạt động cập nhật thông tin được kịp thời và liên tục. Điện thoại thông minh được tích hợp các ứng dụng trên sẽ tự động cập nhật thông tin tuần tra bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH bất kể khi nào thiết bị này được kết nối với mạng internet. Điều này giúp cho lãnh đạo Vườn kịp thời cập nhật, nắm bắt các thông tin, phát hiện các điểm nóng, những lỗ hổng trong tuần tra BVR để chỉ đạo và đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả nhất.


Ứng dụng Timestamp Camera cho phép chụp hình có hiển thị đầy đủ các thông tin

Nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công tác bảo vệ rừng của BQLVQG Bù Gia Mập đã và đang đạt được những hiệu quả cụ thể. Các hành vi vi phạm lâm luật trong lâm phần vườn có dấu hiệu giảm rõ rệt trong những năm vừa qua. Các quần thể động thực vật được bảo vệ hữu hiệu và đáp ứng được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Tác giả bài viết: Phan Văn Biên (Phòng KH và HTQT)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn