Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Hợp tác

Công bố loài trà my quý hiếm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ tư - 21/02/2024 09:47
Công bố loài trà my quý hiếm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Công bố loài trà my quý hiếm tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

          Đầu năm 2024 Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập phối hợp với các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học đến từ Viện Thực vật học - Côn Minh – Vân Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, công bố một loài Trà my mới cho khoa học trên tạp chí khoa học DALAT UNIVERSITY JOURNAL OF SCIENCE (Volume 14, Issue 1, 2024; 37 44)”, đây là một loài thực vật là vô cùng quý, mang nhiều giá trị khoa học ứng dụng và giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm tại VQG Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước.
 
 
 

          Loài trà my mới được công bố có tên khoa học Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. nov, là loài trà hoa trắng thuộc chi Trà (Camellia) - họ Chè (Theaceae) – bộ Chè (Theales), được ghi nhận phân bố trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) của VQG Bù Gia Mập. Cây mọc rải rác dưới tán rừng thường xanh giàu (TXG) và một số cây được ghi nhận dưới tán rừng hỗn giao gỗ - lồ ô (HG1).
 Đặc điểm nhận dạng: Cây thân gỗ nhỏ, gỗ cứng và thớ gỗ chắc mịn; vỏ thân màu nâu xám, không bong vỏ; cây cao khoảng 04 m – 07 m, đường kính gốc khoảng từ 07cm – 13 cm; tán hình cầu. Lá có hình dạng elip, màu đỏ gạch sáng và có lông mịn (khi còn non) và đến khi lá già thường có hình trứng ngược, đỉnh lá nhọn, gốc lá hình nêm; phía trên lá có màu xanh đậm, bóng và không thấy lông mịn (nhẵn); phía dưới lá màu xanh nhạt hơn phía trên và có lông mịn rải rác dọc theo gân chính; lá rộng: 3 cm – 3,5 cm, dài: 5 cm – 7 cm; cuống lá ngắn (0,3cm), có lông thưa. Hoa mọc đơn độc hoặc chùm (từ 1-2 hoa) ở nách lá hoặc ngọn. Lá bắc có 1, hoặc tiêu biến, có lông tơ bền ở hai bên. Lá đài có 4 – 5 lá (to 0,3 cm – 0,5 cm), có lông mịn và bền ở hai bên. Hoa có 5-6 cánh, màu trắng, đầu cánh hoa có 1- 2 lông tơ ở đỉnh hai bên, còn lại là nhẵn. Nhị nhiều, có màu vàng tươi, mọc thành vòng (có 2 – 3 vòng). Nhụy có 3 ngăn độc lập và hợp ở gốc, có lông tơ trắng, gốc nhụy màu sáng bóng. Quả nang, hình cầu (to 1,5 cm – 3 cm), lông thưa thớt; quả có từ 1 – 3 ô hạt; đối với quả có 3 ô hạt, thì lần lượt có ô chứa 01 hạt (hạt hình cầu), ô chứa 02 hạt (hạt hình bán cầu), ô chứa 03 hạt (hạt hình 3 cạnh). Hạt màu nâu đen, có lông mịn.
         
Tên Việt Nam của loài:
Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. nov, có tên Việt Nam là “Trà hòa”, được đặt theo tên TS Vương Đức Hòa (Giám đốc VQG Bù Gia Mập) nhằm vinh danh người phát hiện cây và thu mẫu nghiên cứu, cũng như nhằm tôn vinh những đóng góp của TS Vương Đức Hòa trong hoạt nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng tại VQG Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Trà hòa lần đầu tin được ghi nhận vào tháng 10 năm 2019, ở độ cao 467 m (so với mực nước biển) dưới tán rừng thường xanh giàu, thuộc tiểu khu 14 – VQG Bù Gia Mập. Từ đó nhóm nghiên cứu thực hiện theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây và thu mẫu cành lá, hoa, quả … để giải phẩu và phân tích mô tả đặc điểm của loài (Đến tháng 5 năm 2023 hoàn thành mô tả đặc điểm sinh học của loài). Sau đó so sánh với mẫu chuẩn của các loài trà my tương tự, thấy có sự khác biệt rõ rệt và chắc chắn đây là một loài hoàn toàn mới cho khoa học (Bảng mô tả, so sánh chi tiết đặc điểm của loài tại https://tckh.dlu.edu.vn/index.php/tckhdhdl/article/view/1207/526).

         
Giá trị của “Trà hòa”
Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong các Trà my (Camellia spp) có nhiều loài mang giá trị dược liệu cao, đã được sử dụng lâu đời làm nước uống giải khát, làm dầu ăn từ hạt, làm thuốc trị bệnh … Một số nghiên cứu cho thấy vỏ quả một số loài Trà my chứa acid tanic được sử dụng trong quá trình tạo độ dính bám và tăng sự đông tụ của bê tông; lá của Camellia các chứa hợp chất quan trọng trong y học như: xanthin, theophylin theobromin, adenine, theanine, glycoside, oleic acid, ancaloid, esters…; hoa và búp non còn chứa các nguyên tố như: Se, Ge, Mo, Mn, V, Zn và một số nguyên tố khác có tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa tiêu diệt tế bào ung thư, củng cố tính đàn hồi của thành mạch, điều hoà các enzyme hoạt hoá cholesterol.Trà hòa (Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. Nov), bước đầu được các nhà khoa học tiến hành phân tích sơ bộ thành phần hóa học của lá cây và đã phát hiện nhiều hợp chất quan trọng có trong Trà hòa (như: Saponin, polyphenol, polysaccharide, flavonoids…), đây đều là những hợp chất quan trọng trong y học, trong đó có một số hợp chất có hoạt tính kháng tế bào ung thư rất mạnh, vượt trên nhiều lần số với các loài trà my có trong khu vực đã được phân tích, khảo nghiệm; ngoài ra còn phát hiện có một số hợp chất quan trọng trong điều trị bệnh mất trí nhớ (bệnh Alzermer)… Tuy nhiên kết quả của các nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát định tính nên chưa có thể ứng dụng với thực tiễn. Để có thể ứng dụng các hợp chất có lợi từ Trà hòa vào phát triển sản phẩm thực phẩm, dược liệu…, phục vụ đời sống con người, thì cần phải có sự đầu tư nghiên cứu về định lượng, nghiên cứu hóa sinh, thử nghiệm lâm sàn … Nhưng từ kết quả khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học cho thấy Trà hòa không chỉ có những chất quan trọng trong các loài trà my (Camellia spp) mà còn chứa nhiều hợp chất quan trọng khác cho y học, đây là tiềm năng rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiếp theo.
Việc phát hiện và công bố loài Trà hòa (Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. nov) tại VQG Bù Gia Mập có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen thực vật rừng quý hiếm và các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dựng phát triển sinh vật rừng tại VQG Bù Gia Mập. Công bố này là loài trà my thứ 2 chỉ duy nhất được phát hiện tại VQG Bù Gia Mập (Trà hoa vàng – Camellia bugiamapensi, công bố năm 2014), điều này cho thấy VQG Bù Gia Mập là nơi có tính đa dạng sinh học cao và có tính đặc thù riêng biệt mà không nơi nào có được. Hiện nay công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học ứng dụng, bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng quý hiếm tại VQG Bù Gia Mập đang được quan tâm phát triển, cụ thể trong năm 2023 UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài Trà my tại VQG Bù Gia Mập, đây là cơ hội để VQG Bù Gia Mập nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, cũng như nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát triển nguồn gen sinh vật quý hiếm trong khu vực.
          Để có được công bố loài Trà hòa, chúng tôi vô cùng cảm ơn đến các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu Trà my (Camellia) đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi trong việc phản biện khoa học về mô tả, so sánh đặc điểm sinh học loài mới, hướng dẫn phương pháp mô tả và công bố …, cho đến các công việc liên quan để hoàn thành công bố này. VQG Bù Gia Mập rất mong trong thời gian tới các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục hợp tác và giúp đỡ VQG Bù Gia Mập nhiều hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là trong các hoạt động nghiên cứu ứng dụng sinh vật rừng vào phát triển sản phẩm phục vụ xã hội tại địa phương.

Tác giả bài viết: Khương Hữu Thắng - Phó trưởng phòng KH&HTQT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn