Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu - Hợp tác » Động vật

Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật

Thứ hai - 30/07/2018 10:23
 Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
         
Động thực vật hoang dã trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như:  môi trường bị tác động, nạn săn bắt và khai thác trái phép… Vì vậy việc cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật là việc làm rất cần thiết.
          Rừng ở Vườn Quốc gia Bù Gia mập là cánh rừng nguyên sinh lớn nhất còn sót lại của tỉnh Bình Phước. Đây là lá phổi xanh của cả khu vực Đông Nam Bộ, là nguồn cung cấp nước cho nhiều nhà máy thủy điện như Thác Mơ, Cần Đơn, Sóc Phu Miên. Đa dạng sinh học ở Bù Gia Mập được đánh giá rất cao. Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như Gấu chó, Báo gấm, Sói lửa, Bò tót, Bò rừng, Gà tiền mặt đỏ, Gấu ngựa, Voi, Chà và chân đen... Thời gian qua, mặc dù việc vào rừng đã bị cấm hoàn toàn, song nhiều người dân ở xung quanh vùng đệm Vườn Quốc gia và các nơi khác vẫn tìm mọi cách xâm nhập để săn bắt các loài động vật. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã thu giữ được số lượng lớn động vật hoang dã bị bẫy bắt. Nhiều cá thể động vật bị thương, không thể sinh tồn trong điều kiện tự nhiên. Có những con thú bị bắt và nuôi nhốt từ nhỏ nên mất hoàn toàn bản năng hoang dã. Chúng bị tước đi cuộc sống tự do, bị nuôi nhốt trong chuồng chật trội và hoàn toàn không tự kiếm ăn được trong môi trường tự nhiên. Trước tình hình đó, Lãnh đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia đã thành lập Bộ phận Cứu hộ động vật hoang dã, xây dựng chuồng trại để tiếp nhận và cứu hộ các loài động vật hoang dã thu giữ được.
          Công tác cứu hộ và thả vào môi trường tự nhiên các loài thú hoang dã đã được thực hiện từ những năm 2010. Lần đầu tiên, Bộ phận cứu hộ tiếp nhận 02 cá thể Vượn đen má vàng và thả vào khu vực thuộc tiểu khu 24 VQG Bù Gia Mập. Nhiều loài khác như: culi nhỏ, tê tê, vọoc chà vá, rùa, trăn, rắn, kỳ đà, khỉ… do các tổ chức và cá nhân bàn giao đã được cứu hộ thành công và thả lại rừng. Đến ngày 22/8/2013, Phòng Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật được thành lập; sau đó, ngày 14 tháng 11 năm 2016 được nâng cấp thành Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật theo Quyết định của UBND Tỉnh Bình Phước. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận cứu hộ và phối hợp thả tổng số thả 149 cá thể động vật hoang dã thuộc 15 loài khác nhau.  Trong đó có 22 cá thể Vượn đen má vàng, 11 cá thể cu li nhỏ là các loài động vật quý hiếm nguy cơ cao bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Hiện tại, Trung tâm đang tiếp tục nuôi cứu hộ 30 cá thể động vật hoang dã. Bao gồm 06 cá thể Vượn đen má vàng, 01 cá thể Culi nhỏ, 01 cá thể Mèo rừng, 01 cá thể Rái cá, 01 cá thể Vọoc chà vá chân đen… và tiếp tục thu nhận thêm các cá thể khác để cứu hộ. Các loài động vật được Trung tâm cứu hộ đến khi đủ sức khỏe và phục hồi được bản năng sẽ được thả về rừng tự nhiên.
 
 
  Cứu hộ loài Culi nhỏ                                                          Cứu hộ loài Vượn đen mávàng
  
Tiếp nhận cứu hộ động vật hoang dã
                Ngoài việc cứu hộ các loài động vật hoang dã, trung tâm còn phát triển chăn nuôi một số loài động vật có nguồn gốc hoang dã. Mục đích của việc chăn nuôi là để làm mô hình cho các hộ, cá nhân, tổ chức học tập. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, làm giảm các tác động của người dân đến hệ động vật rừng ở Vườn Quốc gia. Mặt khác việc phát triển chăn nuôi tạo ra nguồn thu để bổ sung cho công tác cứu hộ các loại động vật hoang dã.
 
                    Đàn heo rừng lai                                                    Đàn Hươu sao, Nai xám
Tuy vậy  công tác cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn gặp rất nhiều khó khăn, như không đủ năng lực tiếp nhận cứu hộ với số lượng lớn, các động vật có kích thước lớn do hạn chế về số lượng chuồng trại, trang thiết bị; Nguồn kinh phí để thực hiện công tác từ ngân sách của nhà nước rất hạn hẹp; nhân lực thực hiện công việc còn thiếu, anh em vừa làm công tác cứu hộ động vật vừa tăng gia sản xuất để có thêm nguồn thức ăn và kinh phí để phục vụ việc chuyên môn. Trung tâm được Ủy ban nhân tỉnh thành lập nhưng lại sử dụng biên chế của Ban quản lý Vườn. Vì vậy, Trung tâm chỉ có 02 viên chức (thuộc biên chế của Vườn) và 06 lao động hợp đồng. Năm 2018, tỉnh Bình Phước triển khai Đề án kèm theo Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đến năm 2020, số lượng lao động hợp đồng của Trung tâm sẽ bị cắt giảm nên chỉ còn 02 viên chức. Như vậy trung tâm sẽ không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, hiện tại còn nhiều vấn đề về tổ chức khiến sự phát triển của trung tâm gặp khó khăn. Thiết nghĩ cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để công tác Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật ngày càng phát triển như cái tên của nó vậy.
                                                                                                                                                                                                                              

Tác giả bài viết: Trần Văn Trưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn