Nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập không chỉ là nơi bảo tồn các nguồn sinh quyển ở Đông Nam Bộ mà từ đây còn có thể tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa của người S’tiêng, M'Nông cũng như khám phá những tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo.
VQG Bù Gia Mập có tổng diện tích 26.032ha, trong đó diện tích vùng đệm là 15.200ha nằm trên 3 xã: xã Bù Gia Mập, xã Đắk Ơ (tỉnh Bình Phước) và xã Quảng Trực (tỉnh Đắk Nông). VQG thuộc vùng đất thấp của Nam Tây Nguyên với hệ thống sông suối gồm các dòng Ðắk Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, Ðắk Sa, Ðắk Ka và suối Ðắk K'me.
VQG Bù Gia Mập là một trong hai VQG của Việt Nam nằm trong vùng sinh thái rừng khô của trung tâm Đông Dương, thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của Tiểu vùng Mekong. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Thác Lưu Ly trong VQG Bù Gia Mập.
Rừng lồ ô xen cây gỗ là một hệ sinh thái đặc trưng của VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Đồng bào dân tộc S'tiêng sinh sống ở VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Đọt mây non, một món rau rừng nổi tiếng của VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Bữa cơm đơn giản và thân mật của đồng bào dân tộc S'tiêng và cán bộ kiểm lâm trong một chuyến đi kiểm tra rừng. (Ảnh: Nguyễn Luân)
VQG Bù Gia Mập là nơi có chức năng bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã và nguồn dược liệu quý hiếm... để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Ngoài ra, VQG Bù Gia Mập còn là rừng phòng hộ đầu nguồn đảm bảo nguồn nước cho những hồ chứa của thủy điện Sork Phu Miêng, Cần Đơn, Thác Mơ.
Hiện tại, VQG Bù Gia Mập có 724 loài thực vật nằm trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Ðặc biệt, nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh với nhiều loài cây thuộc họ dầu và cây gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và hàng trăm giống cây dùng làm thuốc.
Bên cạnh đó, đây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, chà và chân đen... Do còn mang đậm nét hoang sơ của rừng nguyên sinh với rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên VQG Bù Gia Mập là nơi cư trú lí tưởng của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...
Một loài nấm có màu sắc bắt mắt mọc trên lớp thảm mục của VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Kiều Tháp)
Voọc ngũ sắc là loài động vật quý hiếm thuộc sách đỏ được bảo tồn tại VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Kiều Tháp)
Chim hồng hoàng, một loài chim quý thường sinh sống sâu trong rừng VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Kiều Tháp)
Chim sả đầu nâu của VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Kiều Tháp)
Con đường phục vụ tuần tra và khám phá trong rừng nguyên sinh VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Nhiều cây gỗ quý vươn cao giữa rừng nguyên sinh. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Rừng nhiệt đới nhiều cây dây leo chằng chịt. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Đội kiểm lâm VQG Bù Gia Mập tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Biển cảnh báo cấm đốt rừng trong VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Một chuyến khảo sát hệ sinh thái rừng của các cán bộ VQG Bù Gia Mập.(Ảnh: Nguyễn Luân)
Một tháp canh rừng của VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Một chuyên gia nước ngoài đang tiến hành khảo sát hệ động vật ở VQG Bù Gia Mập. (Ảnh: Kiều Tháp)
Theo kết quả nghiên cứu gần đây, VQG Bù Gia Mập là một trong hai VQG của Việt Nam (VQG Yok Don) nằm trong Vùng sinh thái Rừng Khô trung tâm Đông Dương của hạ lưu sông Mekong và thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của Tiểu vùng Mekong.
Thực tế thì Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bù Gia Mập đã được chuyển hạng thành VQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ 27/11/2002. Và theo các chuyên gia thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới cho biết, VQG Bù Gia Mập hứa hẹn sẽ là một trung tâm đa dạng sinh học của Khu vực và trên thế giới, bởi nó nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam Bộ. Vì thế, đa dạng sinh học nơi đây vừa mang tính đặc trưng của khu vưc Tây Nguyên, vừa mang tính đặc trưng của miền Đông Nam Bộ. Cho nên, nơi đây có thể có nhiều loài mới nếu được nghiên cứu kĩ lưỡng. Vì vậy, rất cần một chính sách hợp lí để hài hòa giữa nhu cầu sử dụng tài nguyên trong cộng đồng bản địa và việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Ông Kiều Đình Tháp, Trưởng Phòng - VQG Bù Gia Mập cho biết, Phòng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền giáo dục thông qua việc phối hợp với các bà con dân tộc quanh vùng cùng chung tay bảo vệ, quản lí nguồn tài nguyên, sinh thái rừng. Điều này sẽ góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa bản địa kết hợp với du lịch sinh thái tại cộng đồng vùng đệm VQG Bù Gia Mập, một phần giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ.
Hiện nay, với trên 20 dòng suối, thác nước lớn nhỏ chạy quanh vườn như thác Đăk Mai, thác Sông Bé, thác Lưu Ly và nhiều hang động như hang Nai, hang Dơi… VQG Bù Gia Mập đang là một địa chỉ du lịch sinh thái rất hấp dẫn cho những du khách thích thể thao mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang dã. Ngoài giá trị cảnh quan, sinh thái, VQG Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng về thời kì kháng chiến chống Mỹ, bởi chính tại nơi đây, địa danh Bù Gia Mập đã đi vào lịch sử với nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân miền Ðông Nam Bộ.
Dạo chơi giữa những tán rừng nguyên sinh của VQG Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận được không khí mát lạnh như đang tỏa ra từ những cành cây, ngọn lá. Thoảng đâu đó trong khu rừng, tiếng một chú khướu cất lên lảnh lót làm vang động cả núi rừng yên tĩnh… Đó là một cảm giác rất thú vị dành riêng cho mỗi du khách khi đến với VQG Bù Gia Mập vào những ngày hè này.
Tác giả bài viết: Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân, Kiều Tháp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 19
Hôm nay : 1137
Tháng hiện tại : 12947
Tổng lượt truy cập : 2135347