Trang nhất » Tin Tức » Khám phá

Rừng và cuộc sống của người đồng bào dân tộc S’tiêng và M’nông tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 08/09/2020 21:56
Khám phá thiên nhiên kết hợp với trải nghiệm văn hoá địa phương sẽ mang lại cho du khách nhứng giây phút thư giãn và đầy cảm xúc thăng hoa
Hệ sinh thái rừng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống hằng ngày của các cộng đồng người dân ở gần rừng vì họ đã có lịch sử lâu đời gắn bó với việc thích nghi và sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có từ thiên nhiên. Cây cỏ là nguồn thực phẩm, dược liệu và tín ngưỡng góp phần kiến tạo nên văn hóa đặc trưng của những cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ với rừng tự nhiên. Vì vậy rừng tự nhiên tạo ra văn hóa của các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào tài nguyên này.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước nằm ở cực bắc là khu rừng nguyên sinh duy nhất của tỉnh có vai trò quan trọng không chỉ về mặt sinh thái mà còn về việc bảo tồn văn hóa của các cộng đồng dân cư địa phương. Vườn nằm trên địa giới hành chính của hai xã Đăk Ơ và xã Bù Gia Mập huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước. Đây là nơi quy tụ của hơn 18 dân tộc Việt Nam sinh sống như người đồng bào S’tiêng, M’nông, tày, nùng, sán dìu, cao lan, mường, dao, kh’me và một số dân tộc khác chiếm tỷ lệ khá nhỏ.  Trong số các dân tộc này, đồng bào S’tiêng, M’nông là người dân tộc tại chỗ có cuộc sống gắn liền với rừng núi. Các cộng đồng này có bản sắc văn hóa đặc trưng mang đậm ảnh hưởng của cả vùng Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ.

Những nét văn hóa của cộng đồng dân tộc tại chỗ nơi đây gắn liền với các loài cây trong rừng được thể hiện qua đời sống, sinh hoạt và những dụng cụ phục vụ cho những hoạt động hàng ngày. Chúng ta có thể thấy nét đặc trưng của các cộng đồng nơi đây đó là kiến trúc và không gian sinh hoạt trong các ngôi nhà truyền thống. Những ngôi nhà truyền thống người dân tộc S’tiêng, M’nông được dựng lên chủ yếu bằng cây tre lồ ô, mum, nứa làm vách nhà và khung nhà, lá cọ, lá tranh lợp mái nhà.

Nhà truyền thống của dân tộc S’tiêng, M’nông

Các dụng cụ sinh hoạt trong nhà truyển thống

Ngoài ra những nét văn hóa gắn với môi trường thiên nhiên còn được thể hiện qua các loại trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống được làm nên từ những nguyên liệu sẵn có trong các khu rừng. Đồng bào nơi đây dệt thổ cẩm từ  sợi của một số lài cây ngoài tự nhiên như cây bông, cây đay, cây lanh và nhiều cây cho sợi khác. Các loại màu cũng được cũng được các cộng đồng sử dụng kiến thức bản địa để chiết xuất từ các loại lá, thân hoặc củ của một số loài cây như củ nâu hoặc cây chàm.Ngoài ra khung dệt, dụng cụ ép bông và khung quay sợi đều được làm bằng gỗ hoặc tre, nứa là những nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tấm vải thổ cẩm của các cộng đồng tại chỗ mang giá trị nhân văn to lớn và khẳng định sự sáng tạo dựa vào môi trường tự nhiên.

Dụng cụ ép bông để dệt thổ cẩm


Xa quay sợi để dệt thổ cẩm


Dệt thổ cẩm


Thổ cẩm sau khi được dệt

Giống như kiến trúc nhà ở và trang phục, các cộng đồng dân tộc tại chỗ cũng sử dụng những nguyên liệu sẵn có để chế biến những món ăn đặc trưng riêng cho truyền thống văn hóa của cộng đồng. Các món ăn được chế biến từ rau rừng, cá suối và gạo trồng trên nương rẫy là những nguyên liệu mang đậm nét văn hóa truyền thống và được chế biến trong ống lồ ô hoặc nứa tạo ra những hương vị đậm đà khó quên của miền sơn cước. Mặc dù xã hội hiện nay đã phát triển, người dân tộc tại chỗ vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.


Chuẩn bị món canh bồi truyền thống


Cơm lam


Canh truyền thống

Đến với  Vườn Quốc gia Bù Gia Mâp du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt với mà không thể tìm được ở nơi thị thành xa hoa và tráng lệ. Du khách được hít thở không khí trong lành, chụp những bức hình thơ mộng của cảnh núi rừng trùng điệp và trải nghiệm những kỹ năng sống giữa thiên nhiên hoang dã. Bên cạnh đó du khách còn có cơ hội  giao lưu văn hóa với người dân tộc tại chỗ, tìm hiểu cuộc sống đầy thú vị của con người nơi đây và  thưởng thức những món ăn truyền thống như cơm lam, canh thục, canh bồi và nhiều món ăn khác. Những khoảnh khắc ở đây sẽ tạo điều kiện cho du khách thư giãn, xả stress sau những tháng ngày bận rộn nơi thị thành.


Trải nghiệm tắm suối


Thác Đăk Bô

Quý khách có kế hoạch đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vui lòng liên hệ với Giám đốc Trung tâm du lịch anh Kiều Đình Tháp sđt: 0989.21.89.12 hoặc Phó Giám đốc Trung tâm anh Đỗ Trường Giang sđt: 0985.72.65.72 để được tư vấn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thủy (Trung tâm GDMT và DVMTR)

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn