Trang nhất » Tin Tức » Khám phá

Phân biệt các loài nấm độc khi tham quan dã ngoại trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ năm - 29/04/2021 08:08
Việc tìm hiểu về các loài nấm độc và các phương pháp sơ cứu khi bị ngộ độc sẽ giúp chúng ta có những chuyến tham quan trải nghiệm hiệu quả và an toàn
Đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, chúng ta không chỉ có cơ hội trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã của hệ sinh thái rừng thường xanh trên đồi núi thấp mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng khu hệ nấm với nhiều loài có giá trị thẩm mỹ, kinh tế và khoa học. Vào đầu mùa mưa, các loài nấm ở đây sinh trưởng và phát triển đồng thời hình thành một khu hệ nấm rất phong phú và đa dạng. Các loài nấm có nhiều màu sắc tạo nên một vẻ đẹp lung linh huyền ảo và rất bắt mắt du khách. Sự phong phú và đa dạng của khu hệ nấm cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều loài nấm độc và việc bổ sung kiến thức về cách nhận biết các loài nấm độc sẽ đảm bảo sự an toàn của du khách trong suốt hành trình trải nghiệm ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do các loài nấm có trong tự nhiên. Nấm độc là nấm chứa thành phần độc tố tự nhiên, hoặc là nấm ăn được nhưng mọc ở vùng nhiễm độc như vùng ô nhiễm, gần nhà máy hóa chất, hoặc các nguồn nhiễm độc khác. Thông thường, người bị ngộ độc thường là do ăn nấm mọc tự nhiên trong rừng, ngoài ruộng, vườn nhà, chuồng trại, và môi trường tự nhiên khác. Tuy nhiên, các loại nấm được nuôi trồng rất hiếm khi gây ngộ độc cho người sử dụng. Các ca ngộ độc nấm thường xảy ra ở các tỉnh vùng núi là nơi có nhiều nấm dại mọc nhưng người dân chưa có kiến thức để phân biệt nấm ăn được và nấm độc.

Quan sát bằng mắt: Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, và nổi bật. Các loài nấm độc thường có đốm màu đen, đỏ, trắng và các màu sặc sỡ khác nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Mũ nấm có vằn, có hạt, vảy, màu tạp, có rãnh, vết nứt, và có vòng quanh thân. Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.


Nấm tán trắng (Amanita Verna)

* Ngửi bằng mũi: Nấm độc khi ngắt thường có mùi cay, mùi hắc, hoặc mùi đắng xộc lên. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một số loài nấm độc vẫn có mùi thơm nhẹ.


Nấm đảm (Lycoperdon perlatu)

* Thử nghiệm biến màu: Theo kinh nghiệm dân gian chúng ta dùng phần trắng của hành lá chà xát lên phần mũ nấm. Nếu thân hành biến thành màu xanh nâu thì nấm đó có độc. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng vòng bạc hoặc vật dụng được sản xuất bằng bạc để thử vào món ăn có sử dụng nấm. Nếu vật thử bị đổi màu thì đây có khả năng là một loài nấm độc.


Nấm tán trắng hình nón (Amanita virosa)

Trong khi đi rừng, chúng ta có thể mang theo sữa bò tươi để nhận biết các loài nấm độc. Chúng ta có thể nhỏ một lượng nhỏ sữa bò tươi lên mũ nấm và quan sát. Khi quan sát, nếu chúng ta thấy hiện tượng sữa vón cục thì khả năng cao nấm đó có độc. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ mà không thể những cách thử trên đảm bảo chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được các loài nấm độc. Có nhiều loài nấm độc mang màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế, chúng ta rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức. Lời khuyên tốt nhất đối với du khách đó là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm
- Các bác sĩ khuyến cáo, nếu một người không may ăn phải nấm độc khi nạn nhân còn tỉnh táo cần cố gắng móc họng gây nôn rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
- Cho nạn nhân uống đủ nước và tốt nhất là dùng Oresol.
- Nếu nạn nhân bị hôn mê và co giật thì chúng ta cần cho nạn nhân nằm nghiêng.
- Nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngưng thở thì chúng ta cần hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

Trên đây là những đặc điểm cơ bản của các loài nấm độc và cách cấp cứu khi có người không may ăn phải nấm độc. Khi đi rừng, chúng ta rất dễ để có thể quan sát những loài nấm vô cùng hấp dẫn và bắt mắt bắt mắt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm hiểu thật kỹ các loài nấm để chắc chắn rằng chúng có thể được sử dụng để làm thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về việc cấp cứu nạn nhân khi ăn phải nấm độc. Những kiến thức này là hành trang để chúng ta trải nghiệm những chuyến đi dã ngoại một cách hiệu quả và an toàn.

Tác giả bài viết: Lê Trọng Hùng (Trung tâm GDMT và DVMTR)

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn