Trang nhất » Tin Tức » Khám phá

Lễ dạm ngõ của người M'Nông ở Bù Gia Mập

Thứ ba - 12/10/2021 15:31
Tập tục hôn lễ là một trong những đặc điểm văn hóa đặc sắc của cộng đồng người M'Nông thuộc vùng đệm của VQG Bù Gia Mập
Người M'Nông theo cách tự gọi của họ là Bunong. Người M’nông có nhiều nhóm người Bu-dâng, Preh, Gar, Nong, Prâng, Rlăm, Chil Bu Nor. Người M Nông có địa bàn cư trú chủ yếu ở phía nam Đắk Lắk, một bộ phận cư trú ở Tây Nguyên, Lâm Đồng và phía Bắc của tỉnh Bình Phước.
 
Xã Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước là địa bàn cư trú truyền thống của người M’nông. Dân số của dân tộc M Nông có 285 hộ với có 1.274 nhân khẩu, chiếm 17,3 % dân số của toàn xã. Người M Nông có đời sống văn hóa phong phú và thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà nghiên cứu dân tộc học.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người M’nông cũng có nhiều phong tục, lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó các nghi lễ cưới hỏi được đồng bào rất coi trọng. Phong tục cưới hỏi được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ của đời người. Với người M’nông, hôn nhân không chỉ là sự kiện quan trọng của cả đời cô dâu, chú rể mà còn là của cả bon làng. Chính vì vậy, tục cưới hỏi là một trong những nét văn hóa được người M’nông lưu truyền từ đời này sang đời khác. Để có một lễ cưới theo truyền thống của người M’nông, nhà trai và nhà gái phải thực hiện 3 nghi lễ quan trọng: lễ dạm ngõ, lễ hỏi, lễ cưới.

Khi đến tuổi trưởng thành chàng trai, cô gái M’nông được quyền chọn cho mình một người vừa ý. Khi chàng trai đã chọn được cô gái vừa ý, chàng tặng cô gái một chiếc lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay để làm tin (kep). Sau khi đôi trai gái quen biết nhau, cảm thấy ưng nhau chàng trai về thông báo với bố mẹ và xin ý kiến. Nếu cha mẹ đồng ý thì nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối (bà mối - N’dranh) đi đến nhà gái ngỏ lời cho con trai mình, gọi là lễ dạm ngõ.

Lễ dạm ngõ là nghi thức truyền thống được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ cưới hỏi. Lễ dạm ngõ (Tăm ôp hay K’lúp), được tiến hành trước lễ cưới khoảng 1 – 3 năm. Lễ dạm ngõ thường chỉ tổ chức trong phạm vi hai bên gia đình nên thành phần tham dự chủ yếu chỉ là các thành viên thân thiết trong nhà. Phía nhà trai bao gồm bố mẹ chú rể, chú rể, ông mối (bà mối - N’dranh), phía nhà gái có bố mẹ cô dâu, cô dâu, cô, chú, bác hoặc những người họ hàng rất thân thích.

Chuyến đi thực hiện vào lúc chiều tối với lý do nếu bị nhà gái từ chối, họ ra về không bị xấu hổ bởi trong bon làng vắng vẻ, trời tối sẽ không nhìn rõ mặt. Dù cuộc dạm ngõ thành công hay không, trước tiên nhà gái sẽ mời nhà trai ăn một bữa cơm tối. Sau khi ăn cơm xong, đại diện nhà trai thưa chuyện.

Khi nhà trai đến nhà gái cần chuẩn bị lễ vật bỏ lên chiếc nia gồm: một bát gạo trắng, một con gà nướng, một chiếc vòng cườm đeo cổ, một chiếc váy. Lễ vật tuy đơn giản nhưng không thể thiếu. Sau đó ông mối (bà mối - N’dranh) thay mặt nhà trai ngỏ lời hỏi cưới cô gái làm vợ.

Khi gia đình hai bên thống nhất thì phải báo cho chủ làng biết. Hai bên gia đình có trách nhiệm nhờ người kể chuyện gia phả để xác định xem chàng trai và cô gái có quan hệ huyết thống không. Vì nếu không báo với chủ làng để xem xét mà vi phạm vào tội này thì sẽ làm bon, làng ô uế, bệnh tật hoặc có bệnh tật hay người chết thì đôi trai gái đó sẽ bị xử phạt.

Người M’nông cũng có qui ước rõ ràng trong việc kết hôn, đó là: Không được có thai trước hôn nhân và hôn nhân không được ép duyên. Nếu phạm phải điều này trước khi kết hôn thì sẽ mang xui xẻo đến cho bon, làng. Do vậy, họ sẽ phải giết heo để cúng đất, cúng bon. Nếu cặp vợ chồng sống không hạnh phúc mà ly hôn do bị ép duyên thì cha mẹ, người mai mối phải chịu tội.

Khi không có trở ngại gì, nhà gái hỏi ý kiến con gái mình trước mặt hai bên gia đình. Nếu cô gái ưng thuận, lễ vật của nhà trai sẽ được nhận và nhà gái cử người ra tiếp lễ. Trước khi tiếp lễ, nhà gái sẽ mang ra một ché rượu lớn để nhận lời hứa hôn. Lúc này, cha mẹ cô gái sẽ lấy chén tiết gà trống pha với rượu bôi lên cột nhà chính, để khấn thần bếp, kho lúa, nhà cửa báo cáo về việc kết hôn của con cái trong gia đình. Hai bên gia đình uống rượu cần và bàn về việc tổ chức lễ ăn hỏi.

Lễ dạm ngõ là lễ không thể thiếu trong trong tiến trình hôn lễ, đây là nghi thức đầu tiên. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ lưỡng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân.

Tác giả bài viết: Điểu Thị Hoa (Trung tâm GDMT và DVMTR)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn