Trang nhất » Tin Tức » Tổ chức - Hoạt động

Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên

Thứ hai - 31/05/2021 16:15
Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập có nguồn tài nguyên, cảnh quan phong phú đa dạng, hoang sơ, nhiều thác nước đẹp, nhiều loài động, thực vật quý hiếm; khí hậu trong lành, mát mẻ. Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên ưu ái ban tặng mà không phải nơi nào cũng có được, nơi đây còn lưu giữ đặc trưng văn hóa bản địa của người S’tiêng, M’nông. Để gìn giữ vẻ đẹp và những giá trị riêng có đó, không thể không nhắc tới sự cống hiến rất lớn của Ban quản lý (BQL) VQG Bù Gia Mập.
Những giá trị nguyên sinh
VQG Bù Gia Mập được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương và khu vực. Trước hết, VQG Bù Gia Mập được thành lập để bảo tồn và phát triển mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m và đại diện cho khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam bộ. Lâm phần của VQG Bù Gia Mập có tổng diện tích là 25.651,58 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 25.363,69 ha, (rừng nguyên sinh 3.823,72 ha, rừng thứ sinh 21.517,90 ha). Đây là nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài động, thực vật. Với hệ sinh thái rừng thường xanh có độ che phủ trên 90%, VQG Bù Gia Mập không chỉ được xem là lá phổi xanh của Đông Nam Bộ mà còn góp phần phòng hộ và điều tiết nguồn nước cho các hồ thủy điện, hồ thủy lợi vùng hạ du sông Bé. VQG Bù Gia Mập còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi hệ sinh thái rừng và các dãy núi chuyển tiếp từ khu vực cao nguyên xuống đồng bằng.


Thác Đăk Mai trong vùng đệm của VQG Bù Gia Mập

VQG Bù Gia Mập là nơi bảo tồn chuẩn hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiếm của hệ động - thực vật đặc hữu cho miền Đông Nam Bộ, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái. Vườn hiện có 1.117 loài thực vật, trong đó có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao… và 278 giống cây dùng làm thuốc. Vườn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, gà tiền mặt đỏ, voi…; đồng thời là nơi cư trú của nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, voọc ngũ sắc, vượn đen má vàng…

Các cộng đồng dân tộc bản địa gồm người S’Tiêng và người M’Nông đã và đang tham gia tích cực vào việc sử dụng nội lực trong việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái trong và xung quanh lâm phần Vườn. Những cộng đồng này hiện nay vẫn còn bảo tồn nhiều nét văn hóa phục vụ cho du khách tham quan như lễ hội cồng chiêng, thổi kèn truyền thống, bảo vệ các khu rừng thiêng, dệt thổ cẩm, chế tác các dụng cụ truyền thống. Ngoài ra, họ còn chế biến các loại thực phẩm đặc trưng cho nền văn hóa của các dân tộc tại chỗ như làm rượu cần, nấu canh thục, canh bồi, cơm lam và nhiều món ăn truyền thống đặc sắc khác. Các hoạt động này kết hợp với điều kiện tự nhiên của rừng VQG Bù Gia Mập và những chứng tích lịch sử từ cuộc chiến tranh vệ quốc đã tạo nên một không gian văn hóa phi vật thể mang đậm nét riêng của VQG Bù Gia Mập.

Di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98, tọa lạc tại tọa độ 11°49'38.6"N- 106°41'22.3"E, thuộc xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh và di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 tọa lạc tại tọa độ 12°08'65"N - 107°09'98" E, thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đây là hai điểm di tích của tỉnh Bình Phước thuộc mạng lưới di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, di tích Bồn Xăng – Kho nhiên liệu VK98 huyện Lộc Ninh và di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ngày 09/12/2013.

Những cống hiến thầm lặng
Nói về bảo tồn, phát huy những giá trị của VQG Bù Gia Mập sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến cống hiến lặng thầm đầy ý nghĩa của cán bộ, nhân viên BQL VQG Bù Gia Mập. Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc BQL VQG Bù Gia Mập cho biết: Những năm qua từ sự nỗ lực và quyết tâm của các lực lượng bảo vệ rừng, rừng ở VQG vẫn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2020, công tác tuần tra, bảo vệ rừng ngăn chặn các đối tượng lâm tặc khai thác lâm sản được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục, kiểm soát bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng, cảnh quan và môi trường; phát hiện 33 vụ vi phạm và xử lý hành chính 63,5 triệu đồng. Để nâng cao công tác bảo vệ, quản lý, BQL VQG Bù Gia Mập đã kiện toàn tổ chức, biên chế, bố trí hợp lý lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, các mũi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành nghiên cứu, phân loại tổng thể nguồn động, thực vật đặc hữu nơi đây. Bên cạnh đó, Vườn còn tạo vườn ươm cây giống như gõ, sao, dầu... để trồng trong các khu vực đất trống, bổ sung nguồn cây cho rừng về lâu dài.


Suối Đăka trong lâm phần VQG Bù Gia Mập
 
Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCCR) được duy trì trong suốt thời gian mùa khô. Để ngăn chặn tình trạng cháy lan từ các khu dân cư và từ các lâm phần rừng giáp ranh vào VQG, ngay từ đầu mùa khô Ban lãnh đạo Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo cho Tổ Kiểm lâm cơ động phối hợp với các lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức phát dọn đường băng cản lửa theo ranh của Vườn. Nhờ thực hiện tốt công tác PCCCR nên trong năm 2020 trên lâm phần Vườn quốc gia không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Tiềm năng du lịch

Với những tiềm năng sẵn có cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo Ban Giám đốc VQG và sự cố gắng của các cán bộ, nhân viên phụ trách nên du lịch nơi đây ngày càng phát
Năm 2020, BQL đã tiếp nhận, cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng, tập luyện phục hồi bản năng hoang dã cho các loài động vật cứu hộ. Cụ thể như sau: vượn đen má vàng (8 con), khỉ (7 con), rùa (3 con), cua đinh (2 con), vọoc (2 con), culi (1 con), cheo cheo (1 con), rái cá (1 con), trăn (2 con). Động vật được cứu hộ thành công và đã làm thủ tục thả, phối hợp thả gồm: tê tê (1 con), khỉ (15 con), trăn (8 con), chích chòe lửa (15 con), gà rừng (2 con).
triển. Trong năm qua có nhiều bài viết đăng trên website của Vườn; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, các công ty du lịch, các đài truyền hình xây dựng phim, giới thiệu về cảnh quan, du lịch của Vườn. Bên cạnh đó, Vườn thường xuyên cải thiện, nâng cao chất lượng chương trình, phong cách phục vụ. Khu cắm trại, các bãi điểm dừng chân cho du khách được sửa sang sạch, đẹp hơn. Đặc biệt, khu nhà dài dân tộc S’tiêng được cải tạo sửa chữa, xây mới đáp ứng đủ tiện nghi cho du khách tham quan và nghỉ qua đêm. Những nỗ lực này đã giúp quảng bá rộng rãi vẻ đẹp của VQG Bù Gia Mập, đa số du khách hài lòng khi đến tham quan, có đoàn đã quay trở lại nhiều lần. Ngoài ra, Vườn đã xây dựng được đội cộng tác viên du lịch là người địa phương khoảng 30 người, tham gia dẫn khách du lịch cùng các hướng dẫn viên du lịch của Vườn, qua đó góp phần tạo việc làm cho người dân với thu nhập ổn định, hạn chế việc vào rừng khai thác lâm sản phụ. Đội ngũ cộng tác viên cũng là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Trong năm 2020, đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác du lịch của Vườn nhưng với sự cố gắng nỗ lực của tập thể, Vườn đã tiếp đón 1.880 lượt khách thăm quan, giảm 669 lượt khách so với năm 2019.

Ông Vương Đức Hòa cũng cho biết: Mặc dù Vườn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái nhưng hiện nay còn tồn tại một số khó khăn cần được tháo gỡ. Đó là việc xe ô tô lớn (trên 24 chỗ) không đi được vì đường nhỏ, đường tuần tra biên giới bị hạn chế chiều cao. Trong khi đó đường mới ủi ở phía Đông Bắc men theo suối Đắk Mai là đường đất đỏ, vào mùa mưa lầy lội, trơn trượt, xe động cơ yếu không thể đi được. Xe vận chuyển khách du lịch chưa có nên Vườn rất bị động khi có khách muốn tham quan theo tuyến này. Vì vậy, trong thời gian tới cần nâng cấp tuyến đường này lên thành tuyến đường trải nhựa với chiều rộng nền đường 5m phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái.

Tác giả bài viết: Vietnam Business Forum

Nguồn tin: vccinews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn