Trang nhất » Tin Tức » Tin tức

Không chỉ bảo vệ mà phải tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng

Thứ tư - 04/08/2021 21:32
Tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng là thông điệp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới ngành lâm nghiệp trong buổi làm việc với Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp)

Sáng 14/7, Bộ trưởng Lê Mình Hoan cùng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh có buổi làm việc với Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp).

Tại buổi làm việc, các vấn đề liên quan đến rừng và công tác kiểm lâm được Bộ trưởng Lê Minh Hoan quan tâm bao gồm Chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, vấn đề chuyển đổi mục đích rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng và kiểm kê rừng.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh không chỉ bảo vệ mà phải tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan nhiều đơn vị, địa phương. Do đó, Bộ trưởng cho rằng Bộ NN-PTNT cần chủ động có văn bản gửi các địa phương và các đơn vị liên quan để đánh giá các bất cập trong quá trình làm thủ tục chuyển đổi mục địch sử dung rừng để phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi ý cần đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ NN-PTNT để đánh giá chính xác, chi tiết các dự án trước khi triển khai, đặc biệt là đánh giá năng lực và mục đích của chủ đầu tư.

Với phát triển kinh tế dưới tán rừng, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng cần có sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT để tìm ra được mô hình, dự án phù hợp với từng địa phương.

"Trong khi lực lượng kiểm lâm không đủ để trải khắp mọi nơi thì chúng ta cần nghĩ đến việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự kiểm soát lẫn nhau trong quá trình canh tác dưới tán rừng vì mục tiêu chung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo ông, dù mô hình là nuôi hay trồng, thì cũng phải tìm cách đưa các hộ nông dân vào một hình thức hợp tác nào đó. Sau khi thành lập được các mô hình hợp tác sẽ hướng dẫn cho họ từ khi sản xuất đến lúc tiêu thụ để đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ rừng.

"Điều quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền được cho người dân về sự quan trọng của rừng, làm cho họ hiểu là còn rừng thì còn phát triển kinh tế dưới tán rừng. Như vậy họ không chỉ giữ rừng ở nơi canh tác mà sẽ giữ cả khu rừng, giảm được rủi ro cho rừng”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh và nói nếu làm tốt điều này, chúng ta có thể vừa bảo vệ rừng vừa phát triển tốt kinh tế cho người dân.


Lãnh đạo Cục Kiểm lâm báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, trong tương lai cần chuyển đổi tư duy từ bảo vệ rừng sang vừa bảo vệ rừng vừa đem lại nguồn lực từ rừng bằng cách phát triển bền vững kinh tế dưới tán rừng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: "Sau mỗi dự án, mỗi mô hình, chúng ta cần chủ động phân tích rủi ro để có phương án quản lý, phòng ngừa và giảm thiểu những rủi ro đó".

Để làm được những điều này, Bộ trưởng cho rằng cần có tư duy quản trị chứ không chỉ dừng lại ở quản lý, cụ thể là cần có tầm nhìn bao quát hơn, xa hơn, cả thuận lợi, cả rủi ro theo phương châm: “Giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước, thị trường, xã hội trong mọi chương trình phát triển kinh tế xã hội”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo thêm một số vấn đề liên quan đến rừng và công tác kiểm lâm như yêu cầu lực lượng kiểm lâm tăng cường quan hệ với các địa phương và các đơn vị khác để phối hợp làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm lâm cần ứng dụng thêm nhiều tiến bộ công nghệ thông tin vào quản lý rừng và đẩy mạng công tác truyền thông cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng cũng như những việc đã làm được trong công tác bảo vệ, quản lý rừng.


Kinh tế dưới tán rừng là giải pháp bền vững để bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ảnh: LH.

Với công tác kiểm kê rừng, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) có phương án giải quyết các bất cập còn tồn tại, xử lý triệt để hiện tượng chênh lệch số liệu diện tích rừng khi kiểm kê.

Vấn đề phát triển sinh kế, kinh tế dưới tán rừng được Thứ trưởng lưu ý vì đây là giải pháp bền vững để bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, theo đó, mở ra khoản tài chính 51,5 triệu USD cho những nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải carbon từ việc mất rừng và suy thoái rừng trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2025. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư vào rừng và giảm mất rừng trong khi vẫn tạo ra thu nhập cho các chủ rừng.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn